Chất lượng lao động: Lợi thế cạnh tranh của SAMCO

10/10/2006
: 14143

Nhắc đến thương hiệu SAMCO, khách hàng thường nói nhiều đến uy tín chất lượng sản phẩm và chế độ bảo hành chuyên nghiệp. Để có được 2 phẩm chất này, SAMCO đặc biệt coi trọng công tác huấn luyện nghiệp vụ, đào tạo tay nghề cho người lao động.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc SAMCO cho rằng: “Sự thăng tiến của doanh nghiệp (DN) không chỉ phụ thuộc vào chính sách kinh doanh đón đầu  mà còn phụ thuộc rất lớn vào chính sách lao động. Một DN làm ăn giỏi phải là một DN biết quan tâm, chăm sóc đội ngũ lao động. Đó mới là văn hóa kinh doanh của DN”.

 

LÒ ĐÀO TẠO THỢ GIỎI

 

Có thể thấy được điều này qua bảng thành tích vàng của SAMCO trong 10 năm trở lại đây. Những cái tên như Trần Kim Hưng, Phạm Văn Sơn hay Nguyễn Văn Phúc... đã trở thành niềm tự hào của SAMCO. Nhiều năm liên tục, những lao động của SAMCO luôn được xướng tên một cách vinh dự trong 6 lần trao giải Giải thưởng Tôn Đức Thắng - một trong những giải thưởng uy tín cấp TP, do Báo Sài Gòn Giải Phóng và LĐLĐ TPHCM phối hợp tổ chức - nhằm biểu dương những kỹ sư, công nhân (CN) xuất sắc trong phong trào lao động sáng tạo. Không chỉ vinh danh trong nước, lao động xuất thân từ “lò đào tạo” SAMCO còn làm rạng danh đất nước trong những lần xuất ngoại. Từ SACOXU (Sài Gòn Công xưởng) cho đến SAMCO là một quá trình dài, đánh dấu tầm nhìn xa của lãnh đạo SAMCO trong việc nâng cao chất lượng nguồn lao động. Hãy lấy trường hợp của anh Trần Kim Hưng, tổ trưởng tổ cố vấn dịch vụ, Xí nghiệp (XN) Ô tô Toyota Bến Thành, Huy chương vàng cuộc thi Cố vấn dịch vụ Toyota toàn quốc năm 2004 và là một trong 10 cá nhân đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần 6-2006, làm thước đo. Dù Hưng tốt nghiệp kỹ sư cơ khí, song với quan điểm “thợ giỏi phải được đào luyện từ thực tiễn công việc”, lãnh đạo XN Ô tô Toyota Bến Thành vẫn đưa anh xuống xưởng “học nghề” như một CN thực thụ. Được trui rèn kỹ, kiến thức chuyên môn và bề dày kinh nghiệm thực tế của Hưng không ngừng nâng cao. Quan điểm đào tạo của SAMCO còn được thể hiện qua nguyên tắc “đi tắt, đón đầu”, trong đó đặc biệt coi trọng nỗ lực tự thân phấn đấu của người thợ. Chủ trương người đi trước rước người đi sau của SAMCO đã giúp những NLĐ nâng cao kiến thức, tay nghề. Ở XN Toyota Bến Thành và các đơn vị thành viên, không chỉ được hưởng chính sách đào tạo căn cơ, mọi lao động đều được tạo cơ hội phấn đấu ngang bằng. Nhờ chính sách này, 85% trong tổng số 100 kỹ thuật viên của XN được Toyota VN cấp giấy chứng nhận quốc tế.

 
 
 
 Lớp kỹ năng bán hàng
 
Công nhân được đào tạo thực tế 

 

CHUẨN BỊ CHO TƯƠNG LAI

 

Được Chính phủ quy hoạch là 1 trong 4 tổng công ty chủ lực phát triển ngành công nghiệp ô tô VN, theo ông Nguyễn Tiến Dũng, đây là vinh dự song cũng là thách thức của SAMCO. Do đó, công tác đào tạo nghề càng phải được coi trọng. Ông Nguyễn Công Khánh, Phó Giám đốc công nghệ SAMCO, cho biết: “Hằng năm, tùy thuộc vào yêu cầu phát triển, tổng công ty đều chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nghiệp vụ tổng thể và thông báo rộng rãi đến các đơn vị thành viên. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2006, SAMCO đã tổ chức 79 khóa huấn luyện, nâng cao nghiệp vụ cho CB-CNV (chủ yếu là cán bộ quản lý cấp trung), chưa kể tổ chức thi nâng bậc cho 180 CN. Ngoài chương trình chung của tổng, các DN trực thuộc cũng chủ động liên kết với các đối tác nâng cao trình độ CB-CNV. Song, đặc biệt hơn cả là NLĐ ở SAMCO luôn được khuyến khích  phát huy tiềm năng sáng tạo. Mỗi năm, CB-CNV tổng công ty đăng ký thực hiện trên 40 công trình sáng kiến có giá trị. Điều đáng lưu ý là tỉ lệ công trình, sáng kiến được áp dụng trong sản xuất chiếm tỉ lệ trên 80%. Cá nhân xuất sắc đoạt các giải thưởng lớn trong phong trào lao động giỏi - lao động sáng tạo đều được SAMCO tưởng thưởng xứng đáng, đề bạt. Trước yêu cầu hội nhập, SAMCO lại thể hiện khả năng đón đầu khi sắp sửa cho ra mắt Trung tâm Đào tạo SAMCO (phường Cô Giang, quận 1-TPHCM) trong tháng 11-2006. Văn hóa kinh doanh của SAMCO là văn hóa thể hiện sự quan tâm đúng mức đối với đội ngũ lao động. Và, đó cũng là lợi thế cạnh tranh của SAMCO.