Công nghiệp ôtô VN : Góc nhìn từ một bản báo cáo

20/12/2012
: 11568

Mới đây, Bộ Công Thương vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng chính phủ về việc rà soát các vấn đề của ngành công nghiệp ôtô VN. Bản báo cáo đã nêu sơ lược về tình hình xuất nhập khẩu xe và phụ tùng ôtô; đánh giá các chỉ tiêu giữa quy hoạch đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và thực tế thực hiện…

 
Sản xuất phụ tùng ôtô XK tại Cty Denso VN

Bản báo cáo này ra đời sau khi Văn phòng Chính phủ có công văn yêu cầu hai bộ Công Thương và Tài chính rà soát các vấn đề liên quan đến ngành công nghiệp ôtô VN như chính sách thuế, phí, hải quan, quản lý nhập khẩu… 

Thiếu tính mới

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia và DN  khi nhận xét về bản báo cáo này của Bộ Công Thương. Về tình hình xuất nhập khẩu xe và phụ tùng ôtô cũng như tình hình sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ôtô nguyên chiếc (phân chia theo loại hình DN), bản báo cáo chỉ đưa ra những số liệu nhập khẩu, trị giá nhập khẩu, số lượng xe lắp ráp trong nước trong các năm 2010, 2011 và 8 tháng đầu năm 2012, nhưng về cơ bản là đơn giản, chung chung. Đó là chưa tính đến độ chính xác trong các số liệu.

Báo cáo khẳng định trong năm 2011, ngành sản xuất ôtô trong nước đã đáp ứng được khoảng 74% nhu cầu thị trường trong nước (riêng ôtô từ 10 chỗ ngồi đáp ứng 95%, xe tải đáp ứng 77% nhu cầu). Nhiều người đặt câu hỏi không hiểu những khẳng định này dựa trên cơ sở, cách tính, phương thức tính toán, so sánh như thế nào ? Nếu tính vào số lượng lắp ráp và nhập khẩu thì không hợp lý vì lượng xe nhập khẩu bao giờ cũng bằng ½ so vói lượng xe lắp ráp trong nước và còn cao hơn nhiều ở xe dưới 10 chỗ. Vì vậy, việc khẳng định ôtô dưới 10 chỗ ngồi đáp ứng được 95% nhu cầu là không hợp lý. nếu xét ở góc độ đã thực sự tiêu thụ, bán tới tay khách hàng thì lại càng không chính xác vì ngay bản thân những số liệu bán hàng hàng tháng do Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô VN (Vama) cung cấp cũng chưa được kiểm chứng rõ ràng (Xe xuất xưởng, giao cho đại lý hay xe tiêu thụ được…). Báo cáo, nhận xét về những vấn đề khác cũng đều mang tính liệt kê chung chung, dơn giản và qua cũ, không khác những nhận định trước đây bao nhiêu và gần như không có những mổ xẻ, phân tích thuyết phục.

Không nhất quán

Vẫn chưa có sự rõ ràng, nhất quán trong việc đánh giá ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất, xuất khẩu phụ tùng, linh kiện ôtô tại VN.

Bản báo cáo đã đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc không thực hiện tốt quy hoạch trong thời gian qua. Trong đó có đề cập đến việc “Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích nội địa hoá đủ mạnh và nhất quán nên mục tiêu nội địa hoá không đạt được” hay “Chưa có sự nhất quán trong điều hành của Chính phủ và một số bộ, ngành nên một số dự án đầu tư trọng điểm theo quy hoạch như sản xuất động cơ, hộp số, cụm truyền động… hiện không thực hiện được”. Tuy nhiên, điều quan trọng  là trong báo cáo này không có những giải pháp, đề xuất cụ thể, chi tiết hơn cũng như thiếu tầm vóc rộng và sâu để giải quyết những vấn đề thiếu nhất quán đó. Một đề xuất cũng được dư luận quan tâm là “chính sách thuế cần nhất quán, rõ ràng và có lộ trình để DN có cơ sở đầu tư phát triển”. Điều này là cần thiết, nhưng cần thiết hơn nữa là những đề xuất cụ thể hơn như mức thuế suất bao nhiêu, lộ trình các năm, các giai đoạn cụ thể… Điều lạ là Bộ Công Thương vẫn tiếp tục đề xuất áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu mức cao thích hợp và ổn định đến năm 2018 để hỗ trợ sản xuất các sản phẩm ôtô và linh kiện, phụ tùng trong nước đã sản xuất được hoặc cần khuyến khích đầu tư. Áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu mức bằng không hoặc mức sàn trong cam kết đối với các vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được để sản xuất phụ tùng ôtô. Nói điều này là lạ vì hai vấn đề: Thứ nhất,  là về thời gian từ nay đến năm 2018 quá gần (Chưa đến 5 năm) thì có đủ thời gian để ngành công nghiệp này chạy đua với nền công nghiệp ôtô của các nước xung quanh. Thứ hai,  là dù được hỗ trợ về các mức thuế suất, nhưng DN có mặn mà hay không, có chịu cam kết không, có thực hiện cam kết phát triển nội địa hoá hay ngành công nghiệp ôtô hay không, vai trò, nhiệm vụ của từng DN, giá xe có giảm…? Nếu họ không làm đúng cam kết thì sao ?  Những câu hỏi này chưa thấy Bộ Công Thuơng đề cập cũng như đưa ra được giải pháp, lộ trình.

Duy nhất vượt mục tiêu, nhưng lại đánh giá yếu kém

Có một nghịch lý trong bản báo cáo này là vấn đề liên quan đến sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất, xuất khẩu linh kiện phụ tùng, thể hiện sự thiếu khách quan trong việc tổng hợp, nhận định. Khi đánh giá về các chỉ tiêu giữa quy hoạch đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và thực tế thực hiện, báo cáo cho rằng hầu như tất cả các chỉ tiêu quy hoạch đều không đạt, chỉ có chỉ tiêu xuất khẩu linh kiện, phụ tùng là vượt (năm 2011 xuất khẩu phụ tùng trên 1,2 tỉ USD) và theo số liệu cập nhật của DĐDN thì trong năm 2012 con số này có thể khoảng 3 tỉ USD ( DĐDN đã có loạt bài về vấn đề này). Thế nhưng, dù được xem là duy nhất vượt mục tiêu đề ra khi so sánh giữa quy hoạch với thực tế thực hiện, nhưng báo cáo của bộ Công thương lại khẳng định : “Công nghiệp phụ trợ ngành ôtô VN kém phát triển. Đến nay cả nước có khoảng trên 210 DN tham gia sản xuất các loại linh kiện, phụ tùng ôtô với các sản phẩm chủ yếu là các linh kiện giản đơn, ít bí quyết công nghệ, có giá trị thấp trong cơ cấu nội địa hoá sản phẩm”. Rõ ràng, trong cùng một báo cáo nhưng lại nhận xét trái ngược nhau, là mục tiêu duy nhất vượt chỉ tiêu, nhưng lại nhận xét là quá yếu kém. nhận xét nào đúng, nhận xét nào sai ? Ai đang xuất khẩu linh kiện phụ tùng ? Phải chăng lượng xuất khẩu phụ tùng hơn 1,2 tỉ USD năm ngoái và dự báo khoảng 3 tỉ USD trong năm nay là do 210 DN phụ tùng nêu trên tiến hành ? Nếu vậy hoặc không phải những  DN trên xuất khẩu phụ tùng, linh kiện có gía trị lớn như vậy thì ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện của VN đã vượt chỉ tiêu, nhưng có thực sự yếu kém? Câu trả lời xin dành cho Bộ Công Thương.

Theo VnEconomy