Gia nhập WTO: ảnh hưởng nhìn từ nhiều góc độ

30/08/2006
: 13641

Trong ngắn hạn, Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ tư cách thành viên vì nó sẽ giúp loại bỏ thêm nhiều trở ngại đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài và xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, trong trung hạn, 3-10 năm sau khi gia nhập, tư cách thành viên WTO sẽ đồng nghĩa với nhiều tái cơ cấu và điều chỉnh đau đớn cho Việt Nam. Mức độ tác động sẽ khác nhau đối với các ngành kinh tế khác nhau.

 

Công nghệ thông tin - viễn thông là một trong những ngành chịu nhiều tổn thất khi Việt Nam gia nhập WTO.

Đối với hầu hết các ngành công nghiệp chế biến, những điều chỉnh mới có lẽ không lớn. Quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa và tự do hóa cạnh tranh, vốn đã diễn ra từ nhiều năm nay, sẽ tạo cho khu vực này một sự khởi động khá suôn sẻ. Giá nhân công rẻ và giá nguyên liệu nhập khẩu rẻ hơn (do thuế nhập khẩu giảm mạnh) làm tăng tính cạnh tranh quốc tế của khu vực này. Chắc chắn một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ bị phá sản, nhưng sự phát triển nhanh chóng của khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài sẽ bù đắp phần GDP giảm sút, và thu hút phần lao động dôi ra từ những DNNN phá sản này.

 

Khu vực dịch vụ, như viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, phân phối và bán lẻ, và môi giới sẽ là một khu vực chịu nhiều tổn thất nhất. Những ngành này đã được bảo hộ khỏi cạnh tranh quốc tế, và là lý do tại sao là lĩnh vực thương lượng căng thẳng nhất trên bàn đàm phán gia nhập WTO. Sự cạnh tranh từ những doanh nghiệp FDI giàu kinh nghiệm, trước đây không thể vào được thị trường Việt Nam, sẽ là thách thức lớn nhất cho các doanh nghiệp trong nước ở khu vực này.

 

Tuy vậy, ngay trong những ngành dịch vụ này có những sự khác biệt làm cho tác động của gia nhập WTO cũng khác nhau. Đối với những ngành mới hoặc đang phát triển như bảo hiểm và viễn thông, mối quan tâm chính của mọi đối thủ là giành thị phần. May mắn cho tất cả là thị trường Việt Nam cho những ngành này không phải là nhỏ và còn rất nhiều tiềm năng phát triển (do dân số khá lớn và một bộ phận lớn chưa tiếp cận với những dịch vụ này), đủ để dành cho mỗi đối thủ một góc chiếc bánh. Sự cạnh tranh gay gắt giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI còn được làm dịu đi bởi triển vọng liên doanh giữa chúng với nhau.

 

Đối với những ngành dịch vụ đã định hình lâu như ngân hàng, ảnh hưởng lớn nhất có lẽ là việc phải sa thải hàng loạt nhân viên mà kỹ năng nghề nghiệp không đạt yêu cầu. Ngành này còn phải giải quyết di sản của một thời thống lĩnh thị trường của các tổ chức tín dụng nhà nước lớn có quy mô nhân sự cồng kềnh và một tỷ trọng nợ xấu lớn. Sự kết hợp những tác động này sẽ làm cho ngành ngân hàng trở thành ngành bị ảnh hưởng nặng nhất từ sự gia nhập WTO, với những điều chỉnh và tái cơ cấu sâu rộng trong một vài năm, kèm theo là sự giảm biên hàng loạt.

 

DNNN cũng phải đương đầu với những thử thách khắc nghiệt vì sự cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường. DNNN trong những ngành công nghiệp nhiều vốn, đặc biệt là những ngành phải dựa nhiều vào thiết bị công nghệ cao cấp nhập khẩu, sẽ là những doanh nghiệp bị tác động nhiều nhất vì hạn chế về vốn. Rất tiếc là tiến trình cổ phần hóa các DNNN này đã diễn ra quá chậm, làm chúng không kịp đổi thay về chất để nghênh đón thách thức WTO. Như vậy, thách thức chủ yếu đối với những DNNN này là rất lớn và chúng cần phải ít nhất là hàng thập kỷ nữa để thực thi hết các cải cách cần thiết.

 

Khu vực kinh tế tư nhân sẽ có một tương lai lạc quan. Phần lớn khu vực này tập trung trong những ngành công nghiệp chế biến sử dụng nhiều lao động, khai thác lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam. Lợi thế này sẽ còn kéo dài hàng thập kỷ nữa và tạo điều kiện để Việt Nam cạnh tranh với thế giới trong những ngành sử dụng nhiều lao động.

 

Tất nhiên, gia nhập WTO sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích. Những lợi ích này rõ ràng lớn hơn những tổn thất trong quá trình tái cơ cấu và điều chỉnh nền kinh tế, là động lực để Việt Nam quyết tâm vào WTO. Có lẽ lợi ích lớn nhất là việc Việt Nam đang và sẽ tiếp tục đặt mình vào trong xu thế cải cách kinh tế và tăng trưởng hơn nữa. Là thành viên WTO, Việt Nam phải chịu áp lực từ cộng đồng quốc tế để thực thi các cuộc cải cách cần thiết - một yếu tố cực kỳ quan trọng trong bối cảnh có những sức ép trì hoãn cải cách từ những nhóm lợi ích trong nước.

 

Dù thế nào, Việt Nam hầu như không có lựa chọn nào khác. Đất nước phải bước tiếp con đường cải cách nếu muốn sống còn về kinh tế và trở nên cạnh tranh hơn trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Bởi vậy, việc Việt Nam có năng lực đương đầu với những thử thách từ việc gia nhập WTO cũng có nghĩa là có năng lực đương đầu với sự chuyển đổi kinh tế không thể trì hoãn.

 

Là một nước đang phát triển, Việt Nam phải chấp nhận sự chi phối của các nền kinh tế phát triển và các công ty đa quốc gia của họ. Điều này chẳng qua chỉ là một logic của toàn cầu hóa. Nhưng chắc chắn rằng tiến hành những thay đổi đau đớn hôm nay sẽ giúp Việt Nam giảm bớt được những thay đổi đau đớn hơn trong tương lai nếu không cải cách.

 

Nhu cầu đẩy nhanh tiến độ cải cách hiện nay, được tăng cường thêm bởi tư cách thành viên WTO, sẽ ngăn chặn sự chựng lại của kinh tế Việt Nam. Một số biện pháp bảo hộ vẫn có thể là hợp lý để tạo lập sự ổn định trong ngắn hạn, nhưng mối quan tâm dài hạn của Việt Nam là sự sống còn về kinh tế và hiện đại hóa. Việt Nam đã tự mình cam kết theo đuổi chính sách này bằng việc gia nhập WTO.

 

Một trong những mối quan ngại về chính sách ở Việt Nam hiện nay liên quan đến việc xử lý các tổn thất về kinh tế trong quá trình theo đuổi các lợi ích trong dài hạn. Để thực hiện thành công việc này, Chính phủ cần giảm gánh nặng thuế má lên nông dân và thúc đẩy tiến trình cải cách hệ thống bảo hiểm, an sinh xã hội cho toàn bộ lực lượng lao động thị thành.

 

Ngoài ra, vai trò của Chính phủ cũng phải thay đổi, dần dần và theo trình tự, theo nhịp phát triển của hệ thống thị trường. Một vấn đề cấp bách liên quan đến cải cách Chính phủ là việc giảm quyền lực trong phê chuẩn các giao dịch - là loại quyền lực cản ngại tiến trình đầu tư và phát triển. Một vấn đề khác là thiết lập lại sự cân bằng trong mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương. Cần có một hệ thống dân chủ hơn để chính quyền địa phương có đủ quyền lực giải quyết các vấn đề liên quan đến người đóng thuế và nhu cầu của họ.

 

Tuy nhiên, rốt cuộc thì tư cách thành viên WTO không phải là một thảm họa, mà cũng không phải là một phép màu đối với Việt Nam. Nó chỉ là một giai đoạn phát triển mới và hy vọng là một giai đoạn thành công. Động lực cho tăng trưởng kinh tế và khát vọng ổn định và phồn vinh về cơ bản là kết quả của những điều kiện trong nước. Chúng không được khuếch đại bởi tư cách thành viên WTO. Tương tự, những thách thức phải đương đầu, những rủi ro phải chấp nhận để đạt được tăng trưởng, ổn định, và phồn vinh cũng được quyết định bởi những yếu tố nội tại. Tư cách thành viên WTO không tạo ra chúng.

(Theo Vietnamnet)