Làm thế nào để ngành CNHT phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu tăng tỉ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu cho các sản phẩm xuất khẩu là thách thức rất lớn cho nền kinh tế của nước ta.
Tại hội thảo "Tham vấn Dự thảo Nghị định Phát triển Công nghiệp hỗ trợ" do Bộ Công Thương phối hợp với Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu, EU (Mutrap) tổ chức ngày 2/10 tại TPHCM, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết, tiềm năng của ngành CNHT rất lớn, chỉ cần DN trong nước sản xuất được 10-15% linh kiện cho ngành sản xuất công nghệ cao là đã mang lại giá trị không nhỏ. Vì vậy, để phát triển ngành CNHT cần tập trung vào những ngành công nghiệp chủ lực để đem lại lợi nhuận cao cho DN và lợi ích cao cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, ngành CNHT ở nước ta mới chỉ cung ứng trong nước cho các ngành ô tô, điện tử, đóng tàu từ 10% đến 15%; trình độ của lực lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu; số lượng DN tham gia sản xuất trong lĩnh vực CNHT còn quá ít so với tổng số DN trong toàn bộ nền kinh tế…
Nhận định về nguyên nhân CNHT chưa phát triển, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, do dung lượng và sự chi phối của thị trường nội địa thấp; năng lực của hệ thống DN tư nhân quy mô nhỏ và vừa trong khu vực sản xuất chế tạo yếu; trong 3 năm qua không khuyến khích DN nhỏ và vừa tham gia vào khu vực chế tạo. Đồng thời, trong quá trình phát triển ngành nghề, các chính sách kinh tế chưa thực hiện quyết liệt các cam kết thương mại hóa, chưa bắt buộc được các DN phải nâng cao tỉ lệ nội địa hóa.
Theo ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai, hiện ngành CNHT của Việt Nam chủ yếu vẫn là các DN FDI. Qua khảo sát của Sở Công Thương Đồng Nai, trong năm 2012, ngành CNHT của Đồng Nai đã khá phát triển với kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm CNHT đạt 3,8 tỉ USD, chiếm trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh, trong đó thiết bị phụ tùng xuất sang Mỹ chiếm tỉ lệ lớn, tuy nhiên phần lớn các sản phẩm này là của các DN FDI.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Ông Châu Minh Nguyện cho rằng, để CNHT phát triển, cần có nhiều chính sách hỗ trợ từ vĩ mô đến vi mô với các giải pháp đồng bộ nhằm tạo sức hút đối với các DN CNHT. Theo đó, đổi mới và xây dựng cơ chế chính sách phù hợp và thích ứng với điều kiện và vai trò của CNHT trong giai đoạn hiện nay để tháo gỡ, tạo điều kiện cho các DN khi đầu tư vào lĩnh vực này.
Cụ thể, Chính phủ cần có những chính sách cụ thể và thiết thực hơn, như tạo thuận lợi về quỹ đất cho các DN CNHT thuê lâu dài, ổn định với giá ưu đãi; cần xếp các DN sản xuất CNHT vào nhóm DN ưu đãi về thuế để được hưởng miễn giảm thuế như những DN đầu tư khác; nới lỏng các chính sách tín dụng để giúp DN tiếp cận được nhiều nguồn vốn ưu đãi… Ngoài ra, cần phải xác định rõ hai đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ là DN sản xuất và cụm công nghiệp CNHT, việc phân khu CNHT phải được quy hoạch một cách chi tiết để thu hút các DN tham gia đặc biệt là các DN FDI Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đặc biệt, theo ông Châu Minh Nguyện, ngoài các chính sách cụ thể, để phát triển ngành CNHT còn phải chuyển hóa được nhận thức của DN Việt Nam, nhất là DN nhỏ và vừa trong việc đáp ứng các yêu cầu của các nhà sản xuất về chất lượng, thời gian giao hàng, giá thành.
Về việc ràng buộc các nhà đầu tư, các DN sản xuất phải nâng tỉ lệ nội địa hóa vào các sản phẩm, ông Bùi Hoàng Điệp, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ cơ khí hàng hải (PTSC) cho rằng Việt Nam nên tìm hiểu và tham khảo kinh nghiệm của Brunei về việc ràng buộc tỉ lệ nội địa hóa. Brunei quy định rất rõ trong hồ sơ thầu về tỉ lệ nội địa hóa phải chiếm từ 25% đến 50% giá trị của dự án đầu tư, đồng thời có bộ phận chuyên trách giám sát việc thực hiện quy định này của các nhà thầu.
Để tạo đà cho CNHT phát triển theo định hướng của Chính phủ, ông Trương Thanh Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã có dự thảo Nghị định Phát triển CNHT. Theo đó, các DN đầu tư vào ngành CNHT sẽ được miễn thuế đất 4 năm, miễn 50% trong 9 năm tiếp theo và hưởng thuế suất 10% trong 15 năm; đề xuất hai hình thức hỗ trợ vốn cho DN bằng quỹ hỗ trợ phát triển CNHT hoặc bù lãi suất từ vốn ngân sách qua hệ thống ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng sẽ xây dựng chương trình quốc gia về CNHT để tạo thống nhất về chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ về sản xuất, đào tạo, công nghệ để các DN CNHT đủ sức tham gia vào các tập đoàn đa quốc gia, xây dựng các khu công nghiệp chuyên về CNHT.
Theo Chinhphu.vn