Kinh tế Việt Nam 2009: Bức tranh đẹp từ WB

09/04/2009
: 12357

Những nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2009 xuất hiện khá nhiều trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 7/4.

Vẫn nằm trong kế hoạch định kỳ một năm hai lần, tuy nhiên, báo cáo đã được đưa ra sớm hơn so với các năm trước, thường là vào đầu tháng Sáu.

Lý giải điều này, ông Vikram Nehru, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á thuộc WB nói, đó là do tình hình hiện nay có những diễn biến rất nhanh chóng, tác động mạnh đến các nền kinh tế trong khu vực. Và việc đưa ra dự báo sớm là để có những nhận định kịp thời trong thời điểm hiện nay.

Liên quan đến Việt Nam, ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cho biết, kết quả đề cập trong bản báo cáo đã được tính toán cách đây khoảng 10 ngày.

Như vậy, các con số được đưa vào mô hình tính toán để đưa ra dự báo của WB không có sự cập nhật các chỉ tiêu kinh tế quý 1/2009 của Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính…, vốn vẫn được WB lấy làm dữ liệu đầu vào.

Nhiều màu sáng


Nhìn nhận về kinh tế Việt Nam năm 2009, báo cáo của WB cho thấy những rủi ro cũng như điểm yếu của năm 2008 đã được giảm nhẹ, hoặc cải thiện tương đối tốt trong năm 2009.

Dự báo của WB về tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2009 vào khoảng 5,5%, mặc dù đã giảm so với con số 6,5% được chính tổ chức này đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái, tuy nhiên vẫn được cho là khá lạc quan so với những công bố gần đây của IMF (4,8%), ADB (4,5%), thậm chí là so với con số dự kiến sẽ được Chính phủ Việt Nam đề nghị Quốc hội điều chỉnh, chỉ còn 5%.

Ở một số chỉ số khác, theo WB, chỉ số giá tiêu dùng năm 2009 của Việt Nam sẽ vẫn duy trì ở mức khá cao, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ, cán cân thương mại vẫn nghiêng về nhập siêu với mức trên 17 tỷ USD (xuất khẩu tăng khoảng 5% so với năm 2008); vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xét trên góc độ giải ngân duy trì mức; tín dụng nội địa tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2008…

Với nhiều yếu tố vốn được cho là tạo ra nhiều rủi ro trong năm 2008, nay theo WB, đã giảm áp lực đáng kể lên nền kinh tế, khiến tình hình thậm chí được cải thiện hơn, nếu xét đến một số chỉ số quan trọng.

Cụ thể, cán cân vãng lai từ mức âm 9,1 tỷ USD năm 2008 đã “giảm nhiệt” mạnh chỉ còn âm 5,2 tỷ USD, tức chỉ bằng 5,6% GDP. Trong khi đó, lãi suất ngắn hạn (kỳ hạn 3 tháng, lãi cuối kỳ) tính theo năm giảm từ mức 8,1% trong năm 2008 xuống chỉ còn 6,5% trong năm nay.

Tỷ lệ nợ xấu có dấu hiệu tăng nhẹ, từ mức 3,5% lên khoảng 4%. Nợ nước ngoài dù tăng nhẹ từ 29,8% GDP năm 2008 lên 30,9% trong năm nay, nhưng vẫn thấp hơn tỷ lệ tương ứng của các năm 2003-2007 (từ 31,4% đến 33,7%). Tuy nhiên, dự trữ ngoại tệ được dự báo sẽ tăng nhẹ từ 22,4 tỷ USD của năm 2008 lên khoảng gần 23 tỷ USD trong năm nay.

Tóm lại, WB nhìn nhận về kinh tế Việt Nam 2009 với những đánh giá khá lạc quan như: “Nguy cơ khủng hoảng tài chính ở Việt Nam là thấp”; “Nguy cơ khủng hoảng cán cân thanh toán cũng thấp”; “Thâm hụt thương mại giảm, chuyển dần sang thặng dư nhỏ”; “Lạm phát giảm đáng kể trong nửa cuối năm 2008”…

Về hiệu quả chính sách tiền tệ và tài khóa, WB cho rằng chính sách tiền tệ được đưa ra đúng lúc đã giảm thiểu tác động của các cú sốc từ biến động về giá cả trên thế giới và nhu cầu xuất khẩu.

Với việc mở rộng đối tượng gói hỗ trợ lãi suất 4% sang cả các khoản vay trung và dài hạn để phát triển sản xuất kinh doanh, kết cấu hạ tầng được WB đánh giá rất cao, thậm chí cho rằng đây có thể là xu hướng khiến “chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò chính trong năm 2009”, thay cho chính sách tiền tệ như các năm trước.

“Vị trí tốt hơn”

Tuy nhiên, trong khi nhận định khá lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam, báo cáo của WB không có chung lăng kính này khi nói về viễn cảnh kinh tế các nước khác trong cùng khu vực.

“Việt Nam đang ở vị trí tốt hơn so với các nước trong khu vực”, ông Martin Rama bình luận.

“Cân đong” tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới đến giảm tốc độ tăng trưởng, mức độ ảnh hưởng đến Việt Nam chỉ khoảng âm 3%, so sánh con số của năm 2007 với ước tính của năm nay. Trong khi đó, với nhiều nước so sánh này là âm 5-7%, thậm chí chênh lệch trên 10%.

Các chỉ tiêu

2005

2006 2007 2008 2009E
GDP thực tế (% thay đổi cùng kỳ) 8,4 8,2 8,5 6,2 5,5
Thất nghiệp (%) 5,3 4,8 4,6 4,7 5,5
Chỉ số giá tiêu dùng (% thay đổi cùng kỳ) 8,3 7,5 12,6 19,9 8,0
Cân bằng ngân sách chính phủ (% GDP) -0,1 1,1 -2,2 -1,6 -4,0
Cán cân thương mại (triệu USD) -4.314 -5.065 -14.121 -18.452 -17.044
Cán cân tài khoản vãng lai (triệu USD) -561 -229 -6.901 -9.135 -5.210
Nợ nước ngoài (% GDP) 32,5 31,4 33,3 29,8 30,9
Dự trữ ngoại tệ (triệu USD) 8.557 11.485 21.000 22.400 22.962
Tín dụng nội địa (% thay đổi cùng kỳ) 31,17 25,4 53,9 21,0 20,0
Nguồn: Ngân hàng Thế giới (WB) - Ghi chú: E là dự báo.


Ông Vikram Nehru cho biết: “Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang trong thời điểm hết sức khó khăn”. Báo cáo của WB cũng cho biết, một vài nước thu nhập thấp sẽ phải đối mặt với mức tăng trưởng giảm nhiều nhất.

Tại Campuchia, mức tăng trưởng 10,2% năm 2007 trái ngược với mức tăng trưởng ước tính là âm 1,5% cho năm 2009. Mông Cổ, Lào, Papua New Guinea và Đông Timor lại là mảng tối khác của bức trang khu vực do lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu hàng hóa và bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá hàng hóa sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, với những dấu hiệu cho thấy hy vọng le lói từ kinh tế Trung Quốc có thể sớm hồi phục vào giữa 2009, WB cho rằng diễn biến này sẽ “đóng góp đáng kể vào sự ổn định và rất có thể là sự phục hồi của khu vực”.

Tuy nhiên trong bối cảnh Trung Quốc còn quá lệ thuộc vào xuất khẩu sang các thị trường đang tiếp tục suy thoái, bản báo cáo cho rằng sự phục hồi kinh tế thực sự của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ do tình hình tại các nước phát triển quyết định.

Theo VnEconomy