Kinh tế VN sẽ tăng trưởng 7,8% trong năm nay

07/09/2006
: 17400

Theo đánh giá của ADB, triển vọng kinh tế của VN trong ngắn hạn và trung hạn rất tích cực. Đặc biệt, việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ là nhân tố quan trọng giúp thu hút đầu tư trong năm tới. Dự báo, đầu tư sẽ tăng khoảng 15%, chiếm 38% GDP trong năm 2007. Công nghiệp và dịch vụ tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tốc độ lần lượt vào khoảng 10,4% và 8%.

Việc thực hiện các cam kết liên quan đến Khu vực mậu dịch tự do ASEAN hay các cam kết WTO sẽ mang lại nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho VN trong năm tới. Theo đó, ADB dự đoán, xuất khẩu sẽ tăng khoảng 18%, nhanh hơn so với mức tăng nhập khẩu và sẽ giúp thu hẹp thâm hụt mậu dịch của VN.

Công nghiệp và dịch vụ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy kinh tế VN phát triển. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngoài ra, luồng kiều hối được dự báo tăng lên cũng sẽ góp phần tạo thặng dư thương mại và gia tăng dự trữ ngoại hối cho quốc gia. Bản cập nhật dự đoán tăng trưởng kinh tế của VN trong năm 2007 sẽ đạt khoảng 8%.

Theo đánh giá của ADB, giá cả các mặt hàng thực phẩm, vật liệu xây dựng và giao thông vận chuyển tăng cao đã góp phần làm gia tăng chỉ số lạm phát của năm nay. Trong năm 2007, lạm phát sẽ tiếp tục chịu áp lực gia tăng và ở mức khoảng 8,3%. 

Trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006-2010, VN đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 7,5-8% và tăng thu nhập bình quân đầu người lên mức 1.100 USD. Theo ADB, mục tiêu này không phải là quá tham vọng và có thể đạt được, bởi hiện VN đang có đà tăng trưởng, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư và kinh tế tư nhân.

Môi trường kinh doanh tụt hạng

Báo cáo Môi trường kinh doanh 2007 do Ngân hàng Thế giới công bố sáng nay cho thấy, xếp hạng về môi trường kinh doanh của VN đã bị tụt 6 bậc so với năm ngoái, chỉ xếp thứ 104 trên tổng số 175 nền kinh tế thế giới.

Có tất cả 10 chỉ số để đánh giá môi trường kinh doanh là: Thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép, tuyển dụng và sa thải lao động, đăng ký tài sản, vay vốn, bảo vệ nhà đầu tư, thương mại quốc tế, đóng thuế, thực thị hợp đồng và giải thể doanh nghiệp.

Bà Caralee McLish - Giám đốc chương trình dự án Báo cáo môi trường kinh doanh nhận xét, VN là một trong những nền kinh tế có cải cách mạnh mẽ về rút ngắn thời gian cấp phép, linh hoạt trong các quy định lao động. Thời gian cấp phép xây dựng đã nhanh hơn, còn 113 ngày so với 143 ngày trước đây. Chi phí cấp phép kinh doanh cũng giảm từ 64,1% xuống còn 56,4% tổng thu nhập trên đầu người.

Tuy nhiên, VN vẫn chưa thành công trong việc thu hẹp khoảng cách với các quốc gia đứng đầu ASEAN và vẫn là một nơi còn nhiều thử thách cho hoạt động kinh doanh. 

Cụ thể, ở VN vẫn thiếu sự bảo vệ các cổ đông thiểu số chống lại sự lạm quyền của giám đốc trong sử dụng tài sản công ty. Trong tiêu chí này, VN chỉ xếp hạng 170 trong số 175 quốc gia. Tại VN hầu như chưa có khung pháp lý cũng như các thông lệ quy định trách nhiệm của giám đốc hay thành viên hội đồng quản trị hoặc quyền khiếu kiện của các cổ đông thiểu số.

Việc giải thể doanh nghiệp cũng còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian trung bình để hoàn thành thủ tục phá sản doanh nghiệp ở VN là 5 năm và mức thu hồi tài sản chỉ được 18%, xếp thứ 116 trong số 175 quốc gia.

Trong lĩnh vực đóng thuế, VN đứng thứ 120 trong số 175 quốc gia. Các doanh nghiệp thường mất trung bình 1.050 tiếng đồng hồ, tương đương với 130 ngày làm việc để hoàn tất các thủ tục liên quan đến đóng thuế. Báo cáo cũng cho biết con số tổng hợp về số thuế thực sự phải đóng là 41,6%, cao hơn nhiều so với mức thuế thu nhập doanh nghiệp chính thức 28%.

Việc thành lập doanh nghiệp cũng vẫn phức tạp và tốn kém hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực như Singapore, Thái Lan và Malaysia. Để thành lập một doanh nghiệp tư nhân ở VN phải qua 11 bước và hơn 50 ngày - chưa có cải tiền gì so với năm ngoái. Tuy nhiên, điều ghi nhận là chi phí thành lập doanh nghiệp đã giảm từ 50% xuống 44,5% tổn thu nhập quốc dân tính trên đầu người.

(Theo Vnexpress)