Chiều 19/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra Quyết định số 3161/QĐ-NHNN, giảm lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam giảm từ 10%/năm xuống 8,5%/năm. Theo đó, lãi suất cho vay tối đa của các tổ chức tín dụng bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng giảm từ 15%/năm xuống 12,75%/năm.
Cùng thời điểm, Thống đốc có Quyết định số 3159/QĐ-NHNN điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng.
Theo quyết định trên, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 11%/năm xuống 9,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 9,0%/năm xuống 7,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng giảm từ 11%/năm xuống 9,5%/năm.
Với Quyết định số 3162/QĐ-NHNN ngày 19/12, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam đối với tổ chức tín dụng tiếp tục giảm từ 9%/năm xuống 8,5%/năm.
Ngoài những mức lãi suất trên, trong loạt điều chỉnh lần này có Quyết định số 3160/QĐ-NHNN, giảm mạnh lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bằng đồng Việt Nam dưới hình thức bắt buộc từ 13%/năm xuống 4,5%/năm.
Với Quyết định số 3158/QĐ-NHNN cùng ngày, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng của các ngân hàng thương mại nhà nước (không bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng thương mại cổ phần đô thị, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính là 5% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc; với Agribank là 2% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc; ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn, Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng hợp tác là 1%.
Đối với tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng, các ngân hàng thương mại nhà nước (không bao gồm Agribank), Vietcombank, ngân hàng thương mại cổ phần đô thị, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính là 2% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc; Agribank, ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn, Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng hợp tác là 1%.
Những điều chỉnh trên đều bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/12/2008.
Theo Ngân hàng Nhà nước, mục đích của việc thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nói trên là nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng đối với sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng thiết yếu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh và kể cả các dự án đầu tư bất động sản khả thi, có hiệu và có khả năng trả nợ đúng hạn.
Đây cũng là những điều chỉnh triển khai theo chỉ đạo từ Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm thấp.
Theo VnEconomy