Lãi suất huy động đang nóng

05/06/2009
: 15589

    Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất thị trường liên ngân hàng cuối tuần qua có xu hướng tăng khá mạnh, nhất là kỳ hạn 12 tháng tăng lên mức 8,9%/năm, cao hơn 1,16%/năm so với trước đó.

Tại các ngân hàng thương mại, lãi suất huy động cũng đồng loạt tăng, mức cao nhất được thiết lập ở mức 9,8%/năm cho kỳ hạn 36 tháng trong khi lãi suất dưới 12 tháng tăng không đáng kể.

Lãi suất huy động đạt đỉnh

Ngay từ đầu tháng 5/2009, một số ngân hàng thương mại đã khởi động các chương trình tăng lãi suất huy động VND và đến đầu tháng 6/2009, “cuộc đua” này trở nên sôi động hơn.

Ngày 2/6/2009, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế (VIB) thông báo tăng lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn, với mức tăng từ 0,1 - 0,3%/năm. Cùng đó, VIB còn đính kèm cộng thưởng lãi suất từ 0,3-0,45%/năm nếu khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi do VIB phát hành.

Với lần điều chỉnh này, mức lãi suất khách hàng có thể nhận được từ VIB lên tới 9,3%/năm cho kỳ hạn 24 tháng và 9,55%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.

Trước đó, VietBank, SeaBank cũng thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất. Cụ thể, VietBank tăng lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn, với mức điều chỉnh từ 0,3%/năm đối với kỳ hạn từ 9 - 36 tháng. Đây cũng là lần tăng lãi suất thứ tư trong năm 2009 của VietBank.

Tương tự, SeaBank duy trì hình thức tiết kiệm bậc thang, lãi suất tăng lũy tiến tùy thuộc số tiền và thời hạn gửi nhưng mức cao nhất là 9,24%/năm. Đối với với tiết kiệm thông thường, kỳ hạn 24 tháng ở mức 9%/năm, 18 tháng: 8,7%/năm...

Không chỉ dừng lại ở việc tăng lãi suất huy động, các ngân hàng còn đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi như cộng thêm lãi suất, dự thưởng để thu hút khách hàng.

Từ 3 -13/6, Maritime Bank áp dụng chương trình thưởng lãi suất cho các khách hàng từ 45 tuổi trở lên tham gia gói tiết kiệm An Lộc. Trong thời gian diễn ra chương trình, những chủ thẻ tiết kiệm từ 45 tuổi trở lên sẽ được hưởng thêm lãi suất là 0,9%/năm.

Hay như SHB lại gia hạn sản phẩm “Tiết kiệm siêu hấp dẫn 3+”, khách hàng được hưởng lãi suất cao tới 9, 3%/năm với lãi suất cộng thưởng lên đến 0,25%/năm và được thấu chi trên tài khoản với hạn mức tới 95% giá trị sổ tiết kiệm.

“Đỉnh” nhất, có lẽ phải nhắc tới HDBank khi dẫn đầu cuộc đua lãi suất huy động VND, với mức lãi suất huy động cho kỳ hạn 36 tháng lên tới 9,8%/năm! Trong khi đó, HDBank áp dụng mức lãi suất từ 8,4-9,5%/năm đối với các kỳ hạn khác.

Chuẩn bị vốn chờ thời?

Theo dõi diễn biến giá vốn trên thị trường gần đây, điểm đáng chú ý nhất là đường cong lãi suất đối với các kỳ hạn trung và dài hạn có vẻ đã đi đúng hướng hơn.

Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, bản chất của đợt tăng lãi suất huy động lần này khác với giai đoạn năm 2008. Nếu như nửa đầu năm 2008, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn tăng rất mạnh do nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng thì việc tăng lãi suất huy động đợt này chủ yếu tập trung vào các kỳ hạn dài trên 12 tháng.

“Điều này thể hiện tính chủ động của các ngân hàng bởi hiện thanh khoản của ngân hàng rất tốt và nguồn vốn có giá vốn cao hơn tập trung nhiều vào kỳ hạn dài để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh dài hơi của doanh nghiệp”, bà Hương nói.

Đồng tình với quan điểm của bà Hương, ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank) nhận định: “Việc tăng trưởng dư nợ tín dụng 5 tháng đầu năm lên tới 14,8% so cuối 2008 cho thấy đây là một tín hiệu tốt của nền kinh tế”.

Theo ông Thanh, lãi suất nguồn vốn trung dài hạn tăng gắn với các chương trình kích cầu của Chính phủ, phản ánh xu hướng đón đầu của các ngân hàng, nhằm chuẩn bị nguồn vốn một cách tốt nhất đáp ứng nhu cầu vốn từ nay đến hết năm cũng như sang năm tới, khi nền kinh tế bước sang giai đoạn phục hồi.

Tuy nhiên, kèm theo đó là một lo lắng đối với áp lực lợi nhuận của các ngân hàng, khi chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay không lớn, thậm chí chỉ ở mức 0,7%/năm so với trước đó khoảng trên 2%/năm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Thanh cho rằng, việc tăng lãi suất huy động lần này chưa ảnh hưởng ngay lập tức đến lợi nhuận của các ngân hàng vì chủ yếu tập trung vào các kỳ hạn dài nhưng về dài hạn chắc chắn sẽ có ảnh hưởng.

Ông Thanh nói: “Để đối phó với vấn đề này, tận dụng lợi thế của một ngân hàng bán lẻ, ABBank sẽ đẩy mạnh cho vay tiêu dùng theo lãi suất thỏa thuận, tăng cường các dịch vụ khác như thanh toán quốc tế, quản lý tiền tệ để tăng doanh thu về phí, giảm áp lực về lợi nhuận”.

Chia sẻ với quan điểm trên, một chuyên gia kinh tế cho biết, khi các chỉ số kinh tế vĩ mô đang chuyển biến theo hướng tích cực, dấu hiệu phục hồi rõ ràng hơn, đương nhiên đầu tư sẽ “bung” ra và nhu cầu vốn tăng trưởng theo. “Vì vậy, rất có thể các ngân hàng đang tăng cường huy động nguồn vốn giá rẻ, chuẩn bị cho giai đoạn sau”, ông này nói.

Dù vậy, bà Dương Thu Hương vẫn thận trọng: trong đợt tăng lãi suất lần này, VNBA có cảnh báo các ngân hàng phải đảm bảo lợi ích của cả ba phía: ngân hàng, doanh nghiệp và người gửi tiền, “chứ cứ tăng mãi kiểu gì cũng có một bên bị thiệt”, bà Hương nhấn mạnh.

Theo VnEconomy