Một góc nhìn về ứng phó khủng hoảng tại Việt Nam

07/04/2009
: 11986

Áp lực về xuất khẩu giảm, chi phí vốn lớn, áp lực giá trị tài sản, cân nhắc việc giảm quy mô sản xuất và nên tiếp tục với những chi phí vốn nào tại Việt Nam quả là những suy tính khó khăn hơn bao giờ hết đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Và dù vẫn hy vọng nền kinh tế sẽ phục hồi vào cuối năm 2009, nhiều doanh nghiệp vẫn chuẩn bị những kế hoạch dự phòng để đối phó với cuộc suy thoái nhiều năm, kể cả những biện pháp phòng vệ để bảo vệ phần kinh doanh chính yếu, cũng như những kế hoạch tấn công để tận dụng những yếu kém của đối thủ cạnh tranh và nắm lấy cơ hội ngay khi có dấu hiệu phục hồi.

Tăng trưởng đang giảm tốc

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo sẽ có tăng trưởng, nhưng triển vọng tăng trưởng đã giảm tốc vì khủng hoảng kinh tế đã trở nên trầm trọng hơn ở các thị trường phát triển vốn tiêu thụ phần lớn lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện tại, điều thiết yếu đối với các doanh nghiệp là phải tập trung tăng cường những nền tảng cốt yếu như bảo toàn thanh khoản, bảo vệ những nguồn lực dây chuyền cung cấp, gia cường thêm khả năng cạnh tranh và chuẩn bị sẵn sàng để nắm được những cơ hội đầu tiên của sự phục hồi kinh tế và trở thành người nhanh nhất thực hiện được những cơ hội đó.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) tại Việt Nam thường có những hệ thống quản lý toàn cầu giúp đặt ra những ưu tiên và xây dựng những quy trình để định vị công ty trong những thời kỳ kinh tế suy yếu cũng như những cơ hội trong tương lai.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp này thường được lợi từ những kinh nghiệm đối phó với những căng thẳng trong quá khứ cũng như tại những thị trường khác nơi đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của cuộc khủng hoảng.

Ngoài nguồn lực tài chính ra thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn được hưởng lợi từ các nguồn lực của công ty mẹ như thế mạnh về nghiên cứu & phát triển (R&D), giúp họ xây dựng sự khác biệt trong các thị trường cạnh tranh.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều tốt đối với các FIE. Và về mặt nào đó, các công ty Việt Nam có cái lợi là hội nhập chưa quá sâu hoặc chưa quá phụ thuộc vào các thị trường tài chính toàn cầu.

Trong khi suy thoái toàn cầu đang làm cạn kiệt nhiều nguồn lực của các công ty mẹ, buộc họ phải giảm bớt sự hỗ trợ hoạt động cho các chi nhánh hay công ty con, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài con cũng nhận thấy rằng mình không còn những khả năng như trước đây nữa để có thể khai thác hết những cơ hội họ thấy được ở thị trường Việt Nam.

Khả năng ứng phó

Vậy câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp tại Việt Nam, kể cả FIE và trong nước, nên làm gì để cải thiện tình hình hiện tại và tiềm năng phát triển?!

Điều đầu tiên đối với các công ty là phải có được các quy trình quản lý vốn hoạt động hoàn hảo. Mặc dù trong những năm gần đây xu hướng toàn cầu là nâng cao tầm nhìn thông qua chu kỳ tiền mặt, điều này không phải là ưu tiên số một ở Việt Nam vì các công ty đang tăng trưởng khá cao.

Trong môi trường tăng trưởng nhanh như vậy thì những lĩnh vực khác như mở rộng và bành trướng hoạt động thường được ưu tiên hơn. Tuy nhiên, trong môi trường khủng hoảng, điều cấp thiết là phải rút ngắn chu trình thu gom đối với mọi khoản có thể thu và có thể tự động hóa việc cân đối sổ sách và tối đa hóa những hạn mức ghi nợ cho khách hàng.

Giải pháp thu nhanh SpeedCollect của tập đoàn Citi dựa trên nền công nghệ thương mại điện tử nhằm quản lý thanh khoản và thanh toán là một ví dụ về quy trình mà nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước đã lựa chọn.

Tiếp cận với nguồn tín dụng hiển nhiên là điều căn bản để định đoạt công ty nào có thể an toàn thoát khỏi cơn bão. Các thị trường tín dụng đã sẵn sàng trở lại sự hồi phục dần dần để tiếp cận, nhưng chủ yếu cho những công ty có chỉ số tín nhiệm cao.

Những thị trường sinh lời cao lại ít có khả năng có lãi trong năm 2009. Đề tài chủ yếu của năm nay sẽ là quản lý rủi ro tái cấp vốn và quản lý tiêu sản.

Tại Việt Nam, với nguồn thanh khoản tiền đồng (VND) dồi dào trên thị trường, những khoản tín dụng lớn sẽ có khả năng cấp vốn cho các dự án đáng giá bằng nội tệ.

Nhưng các công ty khôn ngoan lại đang lên kế hoạch sớm, duy trì lượng tiền mặt dự trữ an toàn và chiếm được những khoản vay sẵn có ngay khi có thể. Vì lãi suất VND xuống tới mức thấp hơn xu hướng lạm phát và thị trường có xu hướng giảm giá nhẹ trong khi hầu hết các công ty đều muốn tìm kiếm vốn nội tệ.

Thị trường trái phiếu VND gần như đóng băng vào năm 2008 khi lãi suất lên đến đỉnh điểm 20%. Nhưng bây giờ lãi suất đã giảm và khó có thể giảm thêm nhiều hơn nữa, thị trường trái phiếu trong nước lại là nơi hấp dẫn để huy động vốn theo quan điểm của người phát hành.

Người viết nghĩ rằng những công ty Việt Nam được quản lý tốt và đang muốn đa dạng hóa nguồn vốn cho bảng cân đối tài khoản và sẵn sàng chấp nhận rủi ro có thể tìm đến thị trường trái phiếu nội địa.

Điều này đã bắt đầu xảy ra ở một số thị trường láng giềng của Việt Nam, ví dụ như Indonesia và Malaysia đã phát triển rất mạnh trong quý 1/2009.

Một cơ hội khác là cấp vốn qua cơ quan hỗ trợ xuất khẩu (EAF), gần đây đã trở lại là một phương tiện hấp dẫn và khả thi để huy động vốn cho các doanh nghiệp và dự án đủ điều kiện.

Được hỗ trợ bởi một trong các cơ quan hỗ trợ xuất khẩu trên toàn cầu, những chương trình vay vốn cơ cấu đó cho phép các công ty huy động được vốn với lãi suất và thời hạn không có được trên thị trường truyền thống, đặc biệt là trong môi trường kinh doanh hiện tại.

Một ví dụ tại Việt Nam là gói vốn vay trị giá 175 triệu USD trong 13 năm mà Citi đã giao dịch thành công vào cuối năm ngoái cho Tổng công ty Cổ phần Vận tải dầu khí (PVTrans) để mua tầu chở dầu phục vụ cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vừa mới khai trương.

Năm ngoái, khi các thị trường nợ bị ảnh hưởng, người ta lại tập trung đến quản lý phần vốn chủ sở hữu trong bảng cân đối tài khoản. Đối với một số công ty, cần phải tăng vốn chủ sở hữu trong bảng cân đối tài khoản vì có nhiều áp lực đối với khả năng sinh lời và đánh giá tín nhiệm. Điều này đã trở thành tâm điểm chú ý trên các thị trường toàn cầu, các công ty Việt Nam cũng nên xem xét trong năm tới.

Ngoài ra, người ta đang xem xét lại vấn đề thực hiện vốn đối với nhiều công ty và sẽ tiếp tục xu hướng ngừng mua lại cổ phiếu, cắt giảm cổ tức và chi phí vốn. Tuy vậy, các công ty có khả năng linh hoạt sẽ có vị thế để tận dụng giá cả chỉ xảy ra một lần trong đời cho các cuộc sáp nhập và mua lại (M&A).

Trên toàn thế giới, hoạt động M&A giá rẻ có thể sẽ hồi phục rất nhanh năm 2009 và có thể có cơ hội ở Việt Nam.

Cuối cùng, bảo vệ dây chuyền cung cấp là điều quan trọng hơn bao giờ hết khi sự ổn định về tài chính đối với nhiều khách hàng và nhà cung cấp có thể bị đe dọa.

Các doanh nghiệp nên sẵn sàng hỗ trợ các công ty chính yếu trong chuỗi cung cấp của mình thông qua nhiều phương án như tài trợ dưới dạng tín dụng chuyển nhượng nợ, hỗ trợ thanh khoản, đầu tư, hoặc thậm chí có thể xem xét việc đầu tư cổ phiếu một phần hoặc mua toàn bộ.

* Tác giả bài viết hiện là Tổng giám đốc Citi tại Việt Nam.

Theo VnEconomy