Rút tuyến, tổ chức lại hợp tác xã xe buýt

23/06/2009
: 15238

Tuyến xe buýt số 147 sau thời gian rút từ HTX số 5 chuyển giao sang HTX Việt Thắng đã đi vào hoạt động ổn định.

Theo Sở GTVT, đến năm 2010 TP.HCM sẽ chỉ còn dưới mười hợp tác xã (HTX) hoặc liên hiệp HTX kinh doanh vận tải bằng xe buýt, thay vì 26 như hiện nay.

Cắt tuyến vì yếu

Từ nay đến cuối năm, Sở sẽ rút hàng loạt tuyến xe buýt hiện do các HTX yếu kém khai thác để chuyển giao sang các HTX mạnh.

Tháng 3-2009, Sở GTVT đã rút ba tuyến xe buýt có trợ giá từ ngân sách do HTX Vận tải số 5 đang khai thác, giao cho HTX Vận tải liên tỉnh và du lịch Việt Thắng. Đó là các tuyến: Bến xe quận 8 - Bình Trị Đông (mã số tuyến 25), Bến xe Miền Tây - KCN Lê Minh Xuân (61) và Bến xe Chợ Lớn - Tân Sơn Nhất (147).

Theo ông Phạm Đình Đức, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (Trung tâm), HTX số 5 là đơn vị có quy mô nhỏ, năng lực quản lý và điều hành yếu, không thực hiện được mục tiêu phát triển xe buýt của TP... Trong quá trình hoạt động, nội bộ Ban chủ nhiệm HTX số 5 mất đoàn kết, làm mất tiền trợ giá của xã viên do Sở GTVT chi trả gần 580 triệu đồng, đến nay vẫn chưa thu hồi được.

Sau hơn ba tháng tiếp nhận, quản lý, khai thác ba tuyến trên, ông Lâm Văn Phấn, Chủ nhiệm HTX Việt Thắng, cho biết hoạt động của các tuyến đã đi vào ổn định, xã viên nhận được tiền trợ giá kịp thời, nhanh chóng. Mặt khác, do việc quản lý, điều hành chuyên nghiệp nên phí quản lý mà xã viên phải đóng cho HTX đã giảm.

Theo ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải-công nghiệp, Sở GTVT, từ thành công của việc rút và chuyển giao tuyến trên, Sở đang tiến hành rút và hoàn thiện chuyển giao một số tuyến xe buýt từ HTX Bình Minh về Liên hiệp HTX Vận tải TP (xe buýt Liên hiệp), từ HTX Củ Chi về HTX 19-5...

Không phạm luật

Trước việc làm trên, nhiều ý kiến cho rằng Sở GTVT đã phạm Luật HTX 2003, dùng quyền quản lý nhà nước về luồng tuyến xe buýt để loại các HTX nhỏ. Nên chăng Sở GTVT phối hợp với Liên minh HTX TP tổ chức lại các HTX yếu kém, giúp họ mạnh lên và vẫn giữ nguyên luồng tuyến cho họ...

Theo ông Lê Trung Tính, căn cứ theo Quyết định 256/2006 của Thủ tướng về đặt hàng thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, cơ quan quản lý nhà nước có toàn quyền quyết định rút các tuyến xe buýt có trợ giá từ ngân sách do các đơn vị yếu kém đang khai thác chuyển giao sang các đơn vị khác có bộ máy quản lý mạnh, chuyên nghiệp, điều hành tốt.

Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT, khẳng định: “Sở GTVT và Trung tâm là các cơ quan đại diện cho nhà nước không thể đặt hàng cho những đơn vị yếu kém để thu về sản phẩm với chất lượng phục vụ thấp!”.

Cũng theo ông Thanh, việc rút tuyến từ HTX này chuyển giao sang cho HTX khác không làm mất đi pháp nhân của các HTX. Các HTX bị rút tuyến vẫn hoạt động theo Luật HTX và kinh doanh dịch vụ các ngành nghề theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã được cơ quan quản lý cấp. “Sở và Trung tâm không can thiệp vào việc giải thể, sát nhập các HTX mà do các HTX tự quyết định theo Luật HTX. Tương tự, xã viên muốn rút khỏi HTX này để gia nhập vào HTX khác là quyền tự nguyện của họ theo Luật HTX!” - ông Thanh nói

Theo ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải công nghiệp, Sở GTVT, hiện TP có 29 doanh nghiệp, HTX tham gia khai thác xe buýt. Việc nhiều thành phần kinh tế (một quốc doanh, một liên doanh, một công ty TNHH và 26 HTX) cùng kinh doanh bằng xe buýt đã khai thác được mọi nguồn lực xã hội nhưng cũng tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt. Nhưng một số HTX có quy mô nhỏ, năng lực hoạt động yếu kém, bộ máy quản lý không hiệu quả... đã gây ra sức ỳ, cản trở việc phát triển xe buýt và chất lượng phục vụ. Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2009, đơn vị nào không tự cải thiện, củng cố về tổ chức sẽ không được đưa vào danh sách đặt hàng, giao tuyến năm 2010.

Theo Báo Pháp Luật TPHCM