Trợ giá xe buýt

17/06/2009
: 17324

Theo tuyến Hóc Môn – bến xe Miền Đông, tôi lên một chiếc xe buýt từ chợ Cầu, quận 12, đi về Bà Chiểu. Lúc ấy, giữa trưa, trời nắng gắt, bác tài ước tính có khoảng gần 40 khách trên xe. Một mình “chiếm” một băng ghế phía trước, nhìn xuống “dân tình đi xe gắn máy giữa nắng gió, lôcốt…” mới tin câu chuyện có người ở Hà Nội, những hôm nóng quá, bắt xe buýt máy lạnh chạy lên Nội Bài rồi về, không phải là chuyện đùa. Đi hơn 1/2 tuyến, tôi chỉ phải mua vé 3.000đ, thay vì trọn tuyến 4.000đ, trong khi nếu đi taxi, tôi phải trả hơn 100.000đ cho cùng quãng ấy.

Thành phố phải chi hàng năm lên tới 610 tỉ đồng – tiền thuế, thu của cả những người đi xe gắn máy – để tài trợ cho những người ngồi trên xe buýt.

Tất nhiên, vào giờ cao điểm, theo bác tài, số khách chen lên xe buýt có thể vượt quá con số 100, đứng hơn nửa tiếng “cũng phê”. Nhưng, vào giờ ấy, số phận của những người đi xe máy chen chúc dưới lòng đường cũng chẳng sung sướng gì. Vấn đề là, có thoả đáng hay không khi thành phố phải chi hàng năm lên tới 610 tỉ đồng – tiền thuế, thu của cả những người đi xe gắn máy – để tài trợ cho những người ngồi trên xe buýt.

Theo sở Giao thông vận tải, 610 tỉ đồng này giúp trợ giá 1.930đ cho một lượt khách. Như vậy, nếu không trợ giá, thì vé xe buýt cũng chưa tới 7.000đ/khách cho tuyến Hóc Môn – Miền Đông. Trong khi, nếu phải trả 10.000đ cho quãng đường này thì cũng không phải là bất hợp lý. Chưa kể, nếu thành phố cho phép, mỗi năm tiền thu từ quảng cáo trên xe buýt có thể lên tới hơn 100 tỉ đồng, thì giá vé còn có thể thấp hơn con số ấy.

Trên thực tế, nếu hạch toán minh bạch, chưa chắc nhà xe đã lỗ khi chạy với giá vé hiện thời. Theo bác tài, mỗi ngày, một xe có thể chạy 5 vòng, 10 chuyến. Chuyến ít khách, như vừa nói, có khoảng trên dưới 40 người; chuyến đông có khi lên tới hơn 100. Ngoại trừ một số tuyến vắng khách, một đầu xe buýt có thể thu khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/ngày. Mức thu này không phải là thấp trong điều kiện kinh doanh rất ổn định và nhà xe đã được ưu đãi khi mua xe buýt.

Theo báo Tuổi Trẻ, phó chủ tịch UBND thành phố, bà Nguyễn Thị Thu Hà, nói rằng, thành phố sẽ bàn chuyên đề về quảng cáo trên xe buýt. Hy vọng, thành phố sẽ sớm “giải toả” quyết định “cấm” này vì 100 tỉ đồng là một khoản tiền không nhỏ. Trong khi, những lo ngại về quảng cáo trên xe buýt đều là những chuyện trong tầm kiểm soát. Những vấn đề mà ông Nguyễn Thành Tài, phó chủ tịch thường trực đặt ra là cần thiết. Rõ ràng, quảng cáo trên một phương tiện đi lại nghênh ngang giữa phố không thể không tính tới “thuần phong”; những tác động về an toàn giao thông cũng nên được đặt ra khi cho “vẽ vời” trên xe buýt.

Xe buýt hiện đảm trách khoảng 5% nhu cầu đi lại của người dân TP.HCM. Chính sách trợ giá áp dụng từ năm 2002 đã đóng góp không nhỏ làm tăng trưởng lượng người sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Nhưng, một chính sách, nhất là chính sách tiêu tốn rất nhiều tiền đóng thuế của người dân luôn luôn phải được bàn bạc để sao cho đồng bạc chi ra phải mang về thật nhiều lợi ích.

Chưa có những nghiên cứu cho biết thực sự khách hàng thường xuyên của xe buýt là ai. Nhưng, cho dù họ là người nghèo thì việc chi mỗi năm 610 tỉ (ngân sách 2008) cho việc đi lại của chỉ 5% dân cư là một bài toán rất cần cân nhắc. Bỏ thêm khoảng 2.000đ cho một lượt xe trên một quãng đường mà nếu người ấy sử dụng phương tiện khác thì chi phí cao hơn hàng chục lần không hề là một gánh nặng cần cộng đồng giúp đỡ.

Cho dù, người dân nhận thức lợi ích của xe buýt ngay, hạ tầng giao thông trong thành phố hiện nay cũng không đủ chỗ cho xe buýt chạy. Để 10 hay 20 năm nữa, giao thông công cộng có thể trở thành phổ biến ở TP.HCM, thứ tự ưu tiên để sử dụng khoản ngân sách 610 tỉ đồng này rất cần cân nhắc lại. Nên chia nhỏ khoản tiền ấy để trợ giá cho mỗi lượt vé 1.930đ hay dùng trọn số tiền này, gộp vào phần ngân sách hàng năm vẫn chi cho hạ tầng, “đối ứng” với các nguồn vốn khác, phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng cả tàu điện nổi, tàu điện ngầm, và cả đường cho xe buýt chạy?

Khoản tiền có thể thu từ quảng cáo, được nói là hơn 100 tỉ đồng và khoản trợ giá xe buýt, thực tế chi năm 2008 là 610 tỉ đồng, đều là tiền đóng thuế của người dân. Để hơn tám triệu dân cảm thấy công bằng khi “gánh” chi phí ấy cho những người đi xe buýt, thành phố nên có nhiều phương án công bố để dân chúng luận bàn trước khi đưa ra cho Hội đồng nhân dân nghị quyết.

Theo SGTT