Từ ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam, nghĩ về bảo vệ bản sắc văn hóa các dân tộc

19/04/2009
: 11817

        Giữa hàng nghìn người đang đắm mình trong những giá trị đích thực của bản sắc văn hóa dân tộc từ ở Làng văn hóa Đông Mô-Ngải Sơn, chúng tôi tìm gặp và hỏi chuyện một số chủ thể của ngày hội đầy ý nghĩa này.
Già làng Y-ơn-Mô, 65 tuổi ở bản Vi-yiên huyện Krông-Năng, tỉnh Đăc Lắc. Ông cho biết, cùng với đội văn nghệ của bản đã mang theo 32 bộ cồng, chiêng về để trình diễn tại cuộc giao lưu văn hóa với các dân tộc anh em lần này. Ông rất xúc động khi kể về việc mình lần đầu tiên từ núi rừng Tây Nguyên, được ra thủ đô Hà Nội, vào viếng lăng Bác Hồ, rồi được lên dự giao lưu văn nghệ với các dân tộc anh em tại một vùng cũng là núi, đồi của Hà nội. Được hỏi, việc bảo quản, giữ gìn bộ cồng, chiêng này có khó khăn lắm không, những người già của bản có lo dạy bảo con em mình học đánh cồng, chiêng không? Già làng Y-ơn-Mô, giọng bỗng chùng xuống “Mấy lần kẻ xấu định lấy trộm báu vật này của chúng mình mang đổi bán rồi đấy! nhưng nhờ có đồng bào chỉ giúp nên tránh được sự mất mát. Còn về học đánh cồng, chiêng cũng như học những bài hát của ngưòi Ê-đê, bọn trẻ nó nhác lắm đấy, gia đình và người già phải kèm mãi nó mới nghe. Bất cứ giá nào cũng phải bảo ban cho chúng nó biết thôi, kẻo mai người già đi hết lấy ai kế tục!”
 

 

      Xinh xắn và tươi đẹp như một đóa hoa rừng, người con gái dân tộc Tày Hoàng Thị Mai, tuổi tròn đôi mươi từ một bản làng ở Mèo Vạc, Hà Giang sôi nổi: em rất vui khi cùng các bạn trong đội văn nghệ của xã từ núi rừng xa xôi được về dự ngày hội văn hóa Việt Nam. Chúng em sẽ mang lời ca, tiếng đàn của dân tộc mình giao lưu với các bạn dân tộc trong cả nước trong ngày hội trọng đại này. Em Mai cũng cho biết thêm, tuy các em cùng trang lứa có được những người già trong bản dạy dỗ cho các làn điệu dân ca của dân tộc, nhưng không được thường xuyên, vì nhiều bạn trẻ chưa say sưa học tập. Tuy đã bước sang tuổi 50, nhưng chị Hoàng Thị Đạo, dân tộc Cao Lan xã Đèo Gia huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết, vợ chồng chị có hai con, một trai, một gái. Các cháu đã trưởng thành và có gia đình. Nhà chỉ còn hai vợ chồng, lần này chị bảo chồng ở nhà trông nom gia đình, chị phải đi ra ngoài để học thêm về để giúp xã khôi phục lại đội văn nghệ của địa phương, tiếp tục học lại tiếng đàn, các làn điệu của người cao lan vốn có từ lâu nay đang bị mai một dần. Nước da trắng mịn, đôi mát long lanh, khuôn mặt thanh tú, cô Lo thị Phượng 23 tuổi, dân tộc Ơ-Đu, xã Nga My huyện vùng núi cao Tương Dương, Nghệ An. Phượng là hạt nhân văn nghệ của huyện. Cô cho biết, dân tộc Ơ-Đu của mình ở huyện Tương Dương chỉ còn có vài chục gia đình. Cô rất vui được thay mặt cho người dân Ơ- Đu ra Thủ đô, vào lăng viếng Bác Hồ, về dự ngày văn hóa các dân tộc Việt . Trong một bộ sắc phục, ngày lễ hội sặc sỡ  đầy màu sắc,Trưởng làng Trừ Khải Seo 76 tuổi, làng Hương Vòng Tre, xã Bình Dân, huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh dẫn năm người trai trai tráng, khỏe khoắn đem về ngày hội văn hóa những điệu múa, những làn điệu dân ca đặc sắc riêng có của dân tộc Sán Dìu, sinh sống trên vùng đảo biên cương của Tổ quốc.

                                                                          Từ những cuộc trò chuyện với những người là chủ thể trong ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam, gợi lên cho chúng tôi một vấn đề, mọi tầng lớp nhân, các dân tộc Việt Nam nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, rất yêu mến và trân trọng những bản sắc, truyền thống văn hóa riêng có của mình. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng. Khi Đảng ta lấy dân làm gốc, làm nền cho mọi sự tồn tại phát triển của xã hội. Vì thế những nét truyền thống văn hóa, được nhân dân bảo lưu và giữ gìn như một hình thái văn hóa tổng hợp. Ngày hội văn hóa, là một sự tôn vinh và quảng bá các giá trị di sản văn hóa của mỗi dân tộc, nó có ý nghĩa tạo nên những giá trị tinh thần to lớn cho nhân dân. Trong các tiết mục biểu diễn của các dân tộc, nó thường chứa đựng, tái hiện lại các hình thức sản xuất, sinh hoạt, nó phản ảnh trực tiếp truyền thông văn hóa lâu đời của các dân tộc. Chính vì thế việc chăm lo đến bảo tồn văn hóa không phải chỉ riêng có ngành Văn hóa, thông tin mà phải là của toàn đảng, toàn dân và toàn xã hội.

     Năm nay lần đầu tiên, Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Tổ chức ngày văn hóa các dân tộc Việt theo hướng hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Hy vọng của nhiều người là không chỉ rừng lại ở những ngày đi trẩy hội, mà sẽ được duy trì đều đặn hàng năm ở mỗi địa phương. Thông qua các hoạt động ngày văn hóa lành mạnh (đương nhiên không thương mại hóa) mà khơi dậy tinh thần, ý thức tốt đẹp của dân tộc từ đó tạo nên sự thông cảm, cùng nhau đoàn kết thành một khối thông nhất, xây dựng quê hương giàu đẹp, duy trì được bản sắc văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc, giữ được nếp sống trong sáng lành mạnh của mỗi người dân Việt Nam.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam