Lạm phát cơ bản 8 tháng vượt 1,8%

25/08/2016
Lượt xem: 4350

    Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2016 đã tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 2,57% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau 8 tháng, CPI đã tăng 2,58% so với tháng 12 năm trước.

Lạm phát cơ bản 8 tháng vượt 1,8%

Diễn biến CPI qua các tháng - Nguồn: Tổng cục Thống kê.


     Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 8/2016 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 1,83% so với cùng kỳ. 8 tháng đầu năm 2016 so cùng kỳ năm 2015, lạm phát cơ bản ở mức 1,81%.

     Theo chu kỳ, CPI tháng 8 hàng năm thường bị tác động tăng giá mạnh nhất từ các mặt hàng thuộc nhóm hàng giáo dục. Khác với mọi năm, CPI năm nay lại chịu tác động mạnh nhất đến từ một quyết định hành chính khác, đó là nhóm thuốc và dịch vụ y tế.

     Tăng cao nhất trong tháng là nhóm thuốc và dịch vụ y tế với mức tăng 6,18% so với tháng trước chủ yếu do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng lần thứ hai trong năm 2016 theo công văn 6188 được Bộ Y tế mới ban hành gần đây. 

     Theo tinh thần công văn trên, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này mới chỉ thực hiện ở 16 tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm tránh CPI tăng đột biến.

     Cũng theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc tăng phí dịch vụ y tế lần này làm nhóm dịch vụ y tế tăng 8,12% qua đó khiến CPI chung tăng khoảng 0,28% so với tháng trước.

     Tăng mạnh thứ hai trong tháng thuộc về nhóm giáo dục với mức tăng 0,47%. Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng chủ yếu ở nhóm dịch vụ giáo dục do một số tỉnh, thành phố tăng học phí theo lộ trình của Chính phủ khiến nhóm dịch vụ giáo dục (học phí) tăng 0,5%. 

     Về phía các mặt hàng giảm giá, nhóm giao thông có mức giảm cao nhất ở mức 1,97% so với tháng trước. Các đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua đã tác động mạnh mẽ lên chỉ số giá nhóm nhiên liệu, qua đó trở thành tác động chính khiến chỉ số giá nhóm giao thông quay đầu giảm mạnh.

     Theo quan sát, cũng do giá các mặt hàng nhiên liệu giảm liên tục trong thời gian qua, giá cước vận tải hành khách bằng một số phương tiện như ôtô, tàu thủy cũng giảm so với tháng trước.

     Không phải nhóm giảm mạnh nhất nhưng với quyền số lớn nhất, mức giảm 0,14% của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã tác động mạnh mẽ nhất ghìm đà tăng của CPI tháng 8. Trong tháng, chỉ số giá lương thực giảm 0,35%, chỉ số giá thực phẩm giảm 0,19% và chỉ số giá các mặt hàng ăn uống ngoài gia đình tăng nhẹ 0,1% so với tháng trước.

     Giá các mặt hàng lương thực như lúa gạo trên thị trường vẫn trong đà giảm giá từ tháng trước do nguồn cung trong nước dồi dào trong khi cầu tiêu dùng trong và ngoài nước không có đột biến khi mà hoạt động xuất khẩu gạo vẫn trầm lắng, chưa có đơn hàng đáng kể nào được ký thêm trong thời gian qua.

     Tương tự, cũng cùng lý do nguồn cung dồi dào, giá các mặt hàng thực phẩm tiếp tục giảm so với tháng trước.

     Các mặt hàng còn lại biến động nhẹ so với tháng trước.

     Trong tháng, hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào chỉ số giá là vàng và đô la Mỹ tiếp tục diễn biến trái chiều khi lần lượt ghi nhận ở các mức tăng 1,72% và giảm 0,05% so với tháng trước.

Theo VnEconomy