Động thái hạ lãi suất lần thứ hai trong chưa đầy một tháng của Việt Nam được báo Financial Times nhận định là “nhanh và bất ngờ”. Tuy nhiên, báo này cũng cho rằng, đây là một bước đi cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh lạm phát xuống thang.
Ngày 11/4, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố cắt giảm lãi suất tái cấp vốn xuống 13% từ 14%, lãi suất tái chiết khấu xuống 11% từ 12%, trần lãi suất huy động xuống 12% từ 13%. Trong bài viết nhan đề “Vietnam: a quick surprise cut” (tạm dịch: “Việt Nam cắt giảm lãi suất nhanh và bất ngờ”), phóng viên Ben Bland của Financial Times cho rằng, lần giảm lãi suất này đến quá sớm, khi mà lần giảm gần nhất mới diễn ra vào tháng 3, do đó khiến giới đầu tư ngạc nhiên.
Báo này dẫn lời ông Fiachra MacCana, Giám đốc nghiên cứu Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC), nhận định, động thái cắt giảm lãi suất sẽ giúp cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư vào kinh tế Việt Nam.
“Nền kinh tế Việt Nam đang rơi vào trạng thái tăng trưởng trì trệ. Những nỗ lực cải thiện thanh khoản trong hệ thống ngân hàng và hạ lãi suất đến nay vẫn chưa phát huy tác dụng. Trên phương diện tâm lý, Chính phủ Việt Nam đã nhận thấy cần phát đi thông điệp rằng lãi suất đang giảm xuống cùng với lạm phát”, ông MacCana nhận xét.
Tốc độ lạm phát của Việt Nam trong tháng 3 đã giảm xuống mức 14% từ mức đỉnh 23% vào tháng 8 năm ngoái. Theo dự báo của HSC, lạm phát sẽ giảm xuống mức 10-11% vào tháng 7 hoặc 8 năm nay. Thống kê chính thức công bố hồi tuần trước cho thấy, tăng trưởng GDP quý 1 của Việt Nam chỉ đạt 4% trong quý 1, thấp nhất trong 3 năm, từ mức 6,1% trong quý 4 năm ngoái.
Theo quan điểm của ông MacCana, lạm phát hạ nhiệt sẽ tạo cơ hội cho Chính phủ Việt Nam tập trung vào mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng.
Theo hãng tin Reuters, một số chuyên gia nước ngoài dự báo lãi suất của Việt Nam sẽ tiếp tục hạ trong thời gian tới.
“Lạm phát của Việt Nam vẫn đang diễn biến theo chiều hướng giảm. Bởi vậy, chúng tôi dự báo lãi suất của Việt Nam sẽ còn hạ thêm 100 điểm cơ bản trong nửa đầu năm nay và giảm thêm 100 điểm cơ bản nữa trong quý 3”, ông Tai Hui, Giám đốc nghiên cứu khu vực châu Á của Ngân hàng Standard Chartered ở Singapore, dự đoán.
Tương tự, chuyên gia kinh tế Prakriti Sofat thuộc Ngân hàng Barclays nhận định, lãi suất của Việt Nam sẽ giảm 100 điểm cơ bản mỗi quý trong năm nay.
Một báo cáo chiều nay của HSC nhận định: “Mặc dù, thời gian điều chỉnh gây bất ngờ nhưng chúng tôi cho rằng điều chỉnh giảm lãi suất huy động là cần thiết nhằm giảm chi phí huy động và theo sau đó là giảm lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng”.
Nhưng theo Financial Times, với xu hướng thiên về ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng nhiều hơn là ổn định kinh tế, cũng như tính độc lập còn hạn chế của Ngân hàng Nhà nước, các nhà lãnh đạo Việt Nam còn phải nỗ lực thêm nữa nếu muốn thuyết phục giới đầu tư rằng Việt Nam có thể tìm đúng điểm cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng.
Phát biểu trên Reuters, chuyên gia kinh tế độc lập Lê Đăng Doanh, cũng cho rằng, Việt Nam cần làm nhiều hơn thay vì chỉ cắt giảm lãi suất. “Lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi đã giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn đang quá cao đối với các doanh nghiệp. Tôi không cho là việc cắt giảm lãi suất vừa qua sẽ dẫn tới biến động giá cả, vì người dân đang cắt giảm chi tiêu”, ông Doanh nói.
Theo VnEconomy