Theo đó, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại ôtô dưới 10 chỗ ngồi sẽ được áp các mức cụ thể cho từng loại xe có dung tích xi-lanh khác nhau.
Cụ thể, xe có dung tích xi-lanh từ 2.000cm3 trở xuống chịu mức 50%, xe có dung tích xi-lanh trên 2.000cm3 đến 3.000cm3 chịu mức 60% và xe có dung tích xi-lanh trên 3.000cm3 chịu mức 70%.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, mức tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt như vậy là cao. Việc áp dụng thuế đối dựa trên dung tích xi-lanh của xe cũng có những bất hợp lý. Đặc biệt, khi so sánh các mức thuế đề xuất với loại mặt hàng cũng được coi là “xa xỉ” khác là du thuyền và máy bay thì việc ôtô phải chịu mức thuế cao như vây là không công bằng.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn là “theo quy định hiện hành, ông Đoàn Nguyên Đức mua chiếc máy bay trị giá hơn 7 triệu USD, nhưng không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, chỉ phải chịu mỗi thuế VAT 10%. Trong khi đó, bà Dương Thị Bạch Diệp mua chiếc Rolls-Royce Phantom trị giá 1,3 triệu USD thì phải chịu ba loại thuế, gồm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và VAT với số tiền lên tới 13,056 tỉ đồng. Như vậy là không công bằng. Dự báo sang năm 2009 có khoảng 20 người sẵn sàng mua máy bay để sử dụng, vì vậy cần thiết phải có quy định như trong dự thảo?".
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, cũng cho rằng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô như vậy là khá cao, nên cần giảm xuống. Bên cạnh đó, mức 20% áp dụng cho máy bay và du thuyền chỉ là không hợp lý, nên có thể điều chỉnh lên mức 30%.
Ngoài điểm bất hợp lý về mức thuế đối với một số loại mặt hàng, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô như vậy có thể sẽ tạo nên một “cú sốc” trên thị trường.
“Hiện thị trường ôtô cả trong nước lẫn nhập khẩu đều đã giảm mạnh và điều đó đã thể hiện rõ một phần kết quả từ chính sách hạn chế tiêu dùng đối với ôtô của Chính phủ. Vì vậy, có nhất thiết phải tiếp tục tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này nữa hay không?”, một chuyên gia nói.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu trong tháng 8/2008 đã giảm xuống còn khoảng 1.700 chiếc, trong đó lượng xe dưới 10 chỗ ngồi không lớn.
Đối với ngành công nghiệp ôtô trong nước, các chính sách hạn chế tiêu dùng ôtô cũng đã làm giảm doanh số, qua đó giảm quy mô sản xuất của nhiều hãng xe. Vì vậy, nếu các mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt trên được áp dụng, ngành công nghiệp ôtô trong nước sẽ phải chịu nhiều khó khăn hơn.
Tại cuộc hội thảo với chủ đề quá trình ôtô hóa (motorization) tại Việt Nam trong khuôn khổ Vietnam Motor Show 2008 vừa qua, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cũng bày tỏ quan điểm không nên tiếp tục tăng các loại thuế đối với ôtô.
Chủ tịch VAMA, TS. Udo F. Loersch, cho rằng để phát triển được ngành công nghiệp ôtô, các doanh nghiệp cần phải có thời gian (dự tính đến năm 2025) và phải có quy mô thị trường đủ lớn (từ 1 triệu chiếc trở lên đối với dân số Việt Nam khi đó là trên 100 triệu người).
Theo đó, nếu các sắc thuế đối với ôtô tiếp tục tăng lên và ở mức cao, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam sẽ ít có cơ hội lớn mạnh.
Đại diện các nhà sản xuất ôtô cũng đề xuất, để hạn chế tiêu dùng ôtô theo chính sách điều tiết kinh tế chung, Chính phủ có thể tiến hành tăng các loại phí và lệ phí sử dụng, thay vì tăng các loại thuế.
Theo VnEconomy