Khơi nguồn tài chính cho công nghiệp hỗ trợ

23/02/2016
: 5882
Khơi nguồn tài chính cho công nghiệp hỗ trợ

     Để có một hệ thống công nghiệp hỗ trợ phải có những quyết sách về vốn tín dụng, theo đó phải có cơ chế cho tài chính đầu tư dài hạn vào lĩnh vực này.

     Gần đây các nhà kinh tế bắt đầu nhắc đến đổi mới mô hình tăng trưởngvà người ta cũng nhận thấy sự cạn kiệt tiềm năng tăng trưởng. Nhiều quan điểm ủng hộ việc thay đổi bắt đầu bằng chủ động nguyên phụ liệu và tạo lập một nền công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hiệu quả nền kinh tế. Để có một hệ thống công nghiệp hỗ trợ phải có những quyết sách về vốn tín dụng, theo đó phải có cơ chế cho tài chính đầu tư dài hạn vào lĩnh vực này.

     Thực tế mấy năm qua cơ chế tín dụng cho công nghiệp hỗ trợ đã đi đầu trong việc hỗ trợ các công ty nhỏ nhưng hiệu quả chưa cao nên nhu cầu vay vốn đầu tư chưa nhiều. Trong khi đó, mô hình quỹ đầu tư ở một số địa phương đã nhen nhóm lập ra nhưng chưa khuyến khích được DN vay vốn vì thủ tục bảo lãnh tiếp cận tín dụng.

     Một lãnh đạo NH cho rằng, các công ty sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho công nghiệp hiện nay chủ yếu sử dụng vốn tự có với tiềm lực rất mỏng và một phần nhỏ vay của NH. Theo đó, cần có sự hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ thông qua các quỹ, như Hàn Quốc, Nhật Bản… đã làm.

     Đồng thời, cần tạo lập các quỹ phát triển đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn như mô hình của ngành NH hiện nay, tạo trần lãi suất cho vay công nghiệp hỗ trợ thấp hơn từ 2-3%/năm so với lãi suất thị trường. Khi đã có chính sách tín dụng ưu tiên, sẽ thu hút các nhà đầu tư trong nước tập trung vào phát triển ngành công nghiệp này. Công cụ trần lãi suất sẽ là chốt chặn giảm những cú sốc thị trường trong thời kỳ ngành công nghiệp hỗ trợ còn non trẻ.

     Cùng với đó, là việc thực hiện cơ chế đặc thù đối với những NHTM có dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ cao để khuyến khích tập trung vốn đầu tư dài hạn cho lĩnh vực này.

     Khi cơ chế chính sách đã hoàn thiện, bản thân các NHTM cũng nhìn ra những lợi ích của việc phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Ngành công nghiệp phụ trợ phát triển sẽ kéo theo rất nhiều lợi ích cho các NHTM như mở rộng dịch vụ thanh toán, chi trả lương, hay các gói sản phẩm thanh toán… đối với các công ty nhỏ và vừa.

     Thực tế hiện nay, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ chủ yếu là các công ty nhỏ tiềm lực tài chính và năng lực sản xuất yếu nên rất ít sử dụng dịch vụ thanh toán qua NH. Thế nhưng trong thời đại internet hiện nay, các dịch vụ NH điện tử sẽ làm giảm tối đa chi phí cho các công ty nhỏ mà vẫn tăng được doanh số bán sản phẩm tài chính. Thậm chí NHTM còn là tổ chức đi mở thị trường cho DN bằng nhiều cách để cùng hợp tác phát triển, qua đó nâng cao tỷ lệ thu nhập từ dịch vụ thay vì lệ thuộc vào tín dụng.

     Bên cạnh đó, thị trường cho thuê tài chính cũng sẽ hỗ trợ cho ngành công nghiệp phụ trợ, bằng các dịch vụ cho thuê máy móc thiết bị.

 

Theo Cafef