Ba bất ngờ trong bức tranh kinh tế - xã hội năm 2012

25/12/2012
: 7939

Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội năm 2012. Theo đó, bức tranh kinh tế- xã hội Việt Nam năm 2012 có khá nhiều bất ngờ, khác với suy đoán của các chuyên gia, cũng như Chính phủ.

Ba bất ngờ trong bức tranh kinh tế - xã hội năm 2012

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

GDP: Thấp hơn so với dự đoán

Mặc dù đã lường trước được tình hình kinh tế khó khăn, nhưng có thể nói,  tăng trưởng GDP theo như công bố thấp hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia và Chính phủ. Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP năm 2012 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 5,03% so với năm 2011.

Đây là con số thấp hơn nhiều so với dự đoán của nhiều người. Ngay trong văn bản của Chính phủ gửi đến CG 2012 vừa được tổ chức ngày 10/12 tại Hà Nội, thì Chính phủ vẫn dự đoán mức tăng trưởng  là 5,2%.

Cụ thể, mức tăng GDP từng quý như sau: quý I tăng 4,64%; quý II tăng 4,08%; quý III tăng 5,05%; quý IV tăng 5,44%.

Trong 5,03% tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,72%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,52%, đóng góp 1,89 điểm phần trăm, khu vực dịch vụ tăng 6,42%, đóng góp 2,7% điểm phần trăm.

Nhận định về mức tăng trưởng này, Tổng cục Thống kê nhận định: Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mức tăng 5,8% của năm 2011 nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn, cả nước tập trung thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì mức tăng như vậy là hợp lý và thể hiện xu hướng cải thiện qua từng quý, khẳng định tính kịp thời, đúng đắn, và hiệu quả của các biện pháp và giải pháp thực  hiện của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

CPI tăng thấp hơn dự tính

Một điều bất ngờ khác là chỉ số tiêu dùng. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2012 tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 6,81% so với tháng 12/2011. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2012 tăng 9,21% so với bình quân năm 2011.

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tháng 12/2012 so với tháng trước tăng cao hơn mức tăng chung là: May mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,17%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,59%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,34%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,32%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,28% (Lương thực tăng 0,13%; thực phẩm tăng 0,28%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,4%). Các nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm gồm: Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,15%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,14% (Dịch vụ y tế tăng 0,03%); giáo dục tăng 0,09% (Dịch vụ giáo dục tăng 0,05%); giao thông giảm 0,43%; bưu chính viễn thông giảm 0,02%.

Nhìn lại năm 2012, CPI tháng 12 chỉ tăng 6,81% so với cùng kỳ năm 2011, xấp xỉ mức tăng 6,52% của năm 2009, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,75% của năm 2010 và mức tăng 18,13% của năm 2011 nhưng là năm giá có nhiều biến động bất thường.

Cụ thể, theo phân tích của Tổng cục Thống kê,CPI tăng không quá cao vào 2 tháng đầu năm (Tăng 1,0% vào tháng 1 và tăng 1,37% vào tháng 2) nhưng tăng cao nhất vào tháng 9 với mức tăng 2,20%, chủ yếu do tác động của nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục. Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng đã chậm dần trong những tháng cuối năm.

“Điều này thể hiện tính kịp thời và hiệu quả của việc triển khai Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá. Trong năm có tới 7 tháng CPI chỉ tăng dưới 1% và hầu hết các tháng chỉ tăng dưới 0,5%”, trong văn bản công bố, Tổng cục Thống kê nêu rõ.

Một điều khác thường nữa của thị trường giá cả trong nước năm nay là CPI không giảm vào sau Tết âm lịch mà giảm vào 2 tháng giữa năm (Tháng 6 và tháng 7).

Về nhóm hàng, CPI bình quân của nhiều nhóm hàng năm nay có mức biến động nhiều và khác xu hướng so với năm trước. Nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng thấp hơn mức tăng chung (Lương thực tăng3,26%, thực phẩm tăng 8,14%, CPI bình quân chung tăng 9,21%), trong khi năm 2011 đây là nhóm hàng có chỉ số giá tăng cao nhất và cao hơn nhiều so với mức tăng chung (Lương thực tăng 22,82%, thực phẩm tăng 29,34%, CPI bình quân chung tăng 18,58%).

Riêng nhóm dịch vụ y tế có sự thay đổi lớn với chỉ số giá tăng mạnh ở mức 20,37%, cao hơn nhiều lần mức tăng 4,36% của năm 2011. Trong 2 năm qua, chỉ số giá nhóm giáo dục vẫn duy trì mức tăng cao (Năm 2011 tăng 23,18%; năm 2012 tăng 17,07%) và chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông vẫn duy trì mức giảm (Năm 2011 giảm 5,06%; năm 2012 giảm 1,11%).

Chỉ số giá vàng tháng 12/2012 tăng 0,46% so với tháng trước; tăng 0,4% so với tháng 12/2011. Chỉ số giá USD tháng 12/2012 tăng 0,03% so với tháng trước; giảm 0,96% so với tháng 12/2011.

Năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu

Năm 2012 cũng là năm xuất siêu đầu tiên Việt Nam xuất siêu hàng hóa kể từ năm 1993, với mức 284 triệu USD. Trong năm chỉ có 3 tháng nhập siêu ở mức thấp, các tháng còn lại đều xuất siêu, đặc biệt là các tháng cuối năm. Nguyên nhân chủ yếu do suy giảm của sản xuất và tiêu dùng trong nước nên nhập khẩu tăng thấp hơn nhiều so với xuất khẩu. Đáng chú ý là xuất siêu hàng hóa chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với mức xuất siêu đạt gần 12 tỷ USD, tập trung ở nhóm hàng gia công lắp ráp. Ngược lại, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,7 tỷ USD.

Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 12 ước tính đạt 10,4 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 15% so với năm 2011. Tính chung cả năm 2012, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011.

Trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 42,3 tỷ USD, tăng 1,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (gồm cả dầu thô) đạt 72,3 tỷ USD, tăng 31,2%. Nếu không kể dầu thô thì kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài năm nay đạt 63,9 tỷ USD, tăng 33,5% so với năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2012 tăng 18,9%.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm nay tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng như: Điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép... Các mặt hàng trên đều thuộc nhóm hàng có tỷ trọng gia công cao, điều này phản ánh hiệu quả xuất khẩu và lượng ngoại tệ thực thu thấp. Mức tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 17,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong khi đó khu vực kinh tế trong nước chỉ đóng góp 0,6 điểm phần trăm.

Trong năm 2012, nhiều sản phẩm thuộc nhóm hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như: Điện thoại và linh kiện 12,6 tỷ USD,tăng 97,7%; điện tử máy tính đạt 7,9 tỷ USD, tăng 69,1%; máy móc, thiết bị phụ tùng 5,5 tỷ USD,tăng 26,9%. Nhiều nhóm hàng nông sản tăng khá về lượng xuất khẩu: Sắn và sản phẩm sắn tăng 55,2%; cà phê tăng 37,9%; cao su tăng 23,8%; hạt điều tăng 25,6%; gạo tăng 13,1%; chè tăng 10,4%. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu gạo đạt trên 8 triệu tấn, tương đương 3,7 tỷ USD.

Cơ cấu kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm nay có sự thay đổi so với năm trước: Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 51,7 tỷ USD, tăng 49,9% và chiếm 45,1% (Năm 2011 là 35,6%), chủ yếu do tăng kim ngạch của điện thoại và linh kiện, tăng 6,2 tỷ USD (tăng 97,7%). Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt 39 tỷ USD, tương đương năm 2011 nhưng tỷ trọng giảm từ 40,3% năm 2011 xuống 34,1% năm 2012. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 17,7 tỷ USD, tăng 18% so với năm trước nhưng tỷ trọng không đổi với 15,4%. Nhóm hàng thuỷ sản đạt 6,2 tỷ USD, xấp xỉ năm 2011 và tỷ trọng giảm từ 6,3% năm 2011 xuống 5,4% năm 2012.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu của nước ta năm 2012, EU vươn lên là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất với kim ngạch đạt 20,3 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2011 và chiếm 17,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 12 ước tính đạt 10,6 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước và tăng 13% so với năm 2011. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2012 đạt 114,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 54 tỷ USD, giảm 6,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 60,3 tỷ USD, tăng 23,5%. Mức tăng kim ngạch nhập khẩu năm nay đạt thấp nhất kể từ năm 2002 trở lại đây (Không tính đến năm 2009). Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2012 tăng 7,4% so với năm 2011.

Cơ cấu kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm nay cũng có sự thay đổi so với năm 2011, nhóm tư liệu sản xuất ước tính đạt 106,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng cao nhất với 93,2%, tăng so với mức 90,6% của năm 2011, chủ yếu do tỷ trọng nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng có liên quan đến lắp ráp hàng xuất khẩu tăng từ 29% lên 36,9%. Nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu chiếm 56,3%, giảm so với mức 61,6% của năm trước; nhóm hàng tiêu dùng đạt 7,8 tỷ USD, chiếm 6,8%, giảm so với mức 7,6% của năm 2011.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu năm nay, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 28,9 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2011 và chiếm 25,3% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu; tiếp đến là ASEAN đạt 21 tỷ USD, tăng 0,3% và chiếm 18,3%; Hàn Quốc đạt 15,6 tỷ USD, tăng 18,4% và chiếm 13,6%; Nhật Bản đạt 11,7 tỷ USD, tăng 12,2% và chiếm 10,2%; EU đạt 8,8 tỷ USD, tăng 13,3% và chiếm 7,7%; Hoa Kỳ đạt 4,7 tỷ USD, tăng 4,7% và chiếm 4,1%.

Kim ngạch dịch vụ xuất khẩu năm 2012 ước tính đạt 9,4 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2011, trong đó dịch vụ du lịch đạt 6,6 tỷ USD, tăng 18%; dịch vụ vận tải 2,1 tỷ USD, giảm 15,5%. Kim ngạch dịch vụ nhập khẩu năm 2012 ước tính đạt 12,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với năm 2011, trong đó dịch vụ vận tải đạt 8,7 tỷ USD, tăng 6%; dịch vụ du lịch 1,9 tỷ USD, tăng 8,5%. Nhập siêu dịch vụ năm 2012 là 3,1 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm 2011 và bằng 32,8% kim ngạch dịch vụ xuất khẩu năm 2012.

Theo Kinh tế và Dự báo