Các dự án bến thuyền du lịch hút đầu tư

22/11/2010
: 14053

Hàng loạt doanh nghiệp du lịch và bất động sản chuyển hướng sang đầu tư các bến thuyền để đón đầu du lịch đường sông.

 
 

Ăn theo việc phát triển quy hoạch các dự án về đường sông, nhiều doanh nghiệp nắm bắt được kênh đầu tư mới, chuyển hướng sang đầu tư phát triển các bến thuyền du lịch. Ngay cả các doanh nghiệp bất động sản cũng xem các bến thuyền là dịch vụ trọng yếu để nâng giá dự án đầu tư.

 

Doanh nghiệp chạy theo bến thuyền

 

Nhiều năm qua, dịch vụ bến truyền vốn ít được quan tâm, nguyên nhân do phí đầu tư lớn và khả năng khai thác kinh tế không cao. Thế nhưng với việc phát triển du lịch, hệ thống giao thông đường thủy được cải thiện, các bến thuyền trở thành một kênh đầu tư thu hút.

 

Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn vừa công bố sẽ xây dựng hàng loạt bến du thuyền ở Ninh Chữ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Nha Trang và Đà Nẵng. Doanh nghiệp này cho biết việc xây dựng các bến thuyền để mở ra loại hình du lịch mới trên sông, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Cùng với việc xây dựng các bến thuyền tại các địa phương, doanh nghiệp này cũng đang bắt tay vào kế hoạch xây dựng hàng loạt bến tàu khách phục vụ du lịch ở huyện Nhà Bè (TP.HCM).

 

Các bến thuyền lớn mới có thể đáp ứng được chỗ neo đậu của các thuyền du lịch lớn.

 

Trước đó, Công ty Âu Lạc cũng chính thức khánh thành một dự án khá lớn là bến du thuyền tại Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu (Quảng Ninh) với tổng mức đầu tư dự án lên tới 1.000 tỉ đồng. Bến du thuyền có tổng chiều dài đậu du thuyền 1.900 m, chiều sâu 12 m, có thể neo đậu 150 du thuyền cùng lúc, được thiết kế với ý tưởng kết nối hệ thống bến du thuyền trong khu vực, tạo sự thông thương, giao lưu kinh tế, du lịch bằng đường biển giữa Hong Kong, Singapore, Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản…

 

Không chỉ các doanh nghiệp khai thác du lịch, các doanh nghiệp địa ốc cũng chạy theo đầu tư các bến thuyền để thu hút khách. Các bến du thuyền gắn với các dự án nhà ở ven sông - điều mà trước đây chỉ xuất hiện tại các vùng giàu tiềm năng du lịch như Vũng Tàu, Nha Trang… Đơn cử như Công ty Bình Thiên An, chủ đầu tư dự án đảo Kim Cương, đang theo đuổi kế hoạch xây một bến du thuyền nằm ngay ngã ba sông Sài Gòn và sông Giồng Ông Tố (quận 2, TP.HCM). Hay chủ đầu tư dự án Saigon Pearl đã lên kế hoạch khởi công xây dựng một bến du thuyền bên bờ sông Sài Gòn. Theo dự kiến, dự án sẽ tạo chỗ neo đậu cho khoảng 130 canô và du thuyền. Ngoài ra, nhiều dự án khác cũng công bố sẽ được xây dựng kèm các bến du thuyền.

 

Cần phối hợp để tạo ra hiệu quả kinh tế

 

Theo một số phân tích, việc phát triển các bến thuyền du lịch được xem là xu hướng tất yếu. Ở TP.HCM, việc tận dụng tiềm năng sông nước để phát triển bất động sản sẽ tạo giá trị gia tăng cho dự án. Với các doanh nghiệp du lịch, việc phát triển bến thuyền sẽ tạo ra một loại kênh mới cho du lịch nội thành.

 

Phát biểu trên báo chí, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận định việc đầu tư các du thuyền kèm theo những dự án nhà ở là một xu hướng đầu tư mới. Các bến thuyền sẽ làm tăng giá trị của bất động sản, đặc biệt còn kích thích tiềm năng du lịch, du ngoạn bằng đường thủy của du khách trên sông Sài Gòn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải tính toán xây dựng đúng quy hoạch, như vậy mới có thể làm tăng thêm giá trị mỹ quan của toàn khu xung quanh.

 

Mặc dù vậy, ngoài các dự án xây dựng bến thuyền của các doanh nghiệp du lịch nhắm đến phục vụ nhiều thành phần. Những dự án có xây dựng bến du thuyền của các doanh nghiệp bất động sản thường là các dự án cao cấp, phục vụ khách hạng sang là chính, các doanh nghiệp du lịch rất khó tiếp cận. Nếu chỉ phát triển theo các dự án bất động sản của doanh nghiệp, các bến thuyền thì sẽ khó phát triển được các loại hình du lịch giải trí đa dạng.

 

Du lịch phát triển cùng với bến thuyền

Theo dự kiến, hàng loạt tuyến du lịch đường sông sẽ được triển khai tại TP.HCM. Theo đại diện Công ty Du Ngoạn Việt, doanh nghiệp khảo sát ở Làng họa sĩ và từ cuối năm 2010, Du Ngoạn Việt sẽ đưa khách châu Âu tham gia tour này. Trước đó, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP.HCM cũng đã khảo sát tuyến sông có khả năng khai thác mở rộng du lịch đường sông nhằm xây dựng đề án phát triển du lịch đường sông giai đoạn 2011-2020. Các tuyến du lịch bằng đường sông tầm ngắn tại Sài Gòn như Bến Nghé - Nhà Bè, Bạch Đằng - Bình Quới đang được các công ty du lịch khai thác với sáu nhà hàng nổi trên sông và ba thuyền buồm. Hiện Sài Gòn có 87 tuyến sông cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt là điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông đường thủy. Tuy nhiên, nhiều năm qua những tuyến đường này đã không được tận dụng tốt trong quy hoạch giao thông.

 

Theo Báo Pháp Luật TPHCM