Chống kẹt xe kiểu TP.HCM

20/02/2012
: 14385

Trong năm 2012, Sở GTVT TP.HCM sẽ phối hợp với các quận, huyện tiến hành rà soát và có biện pháp cải thiện tình hình giao thông tại 114 vị trí có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Các giải pháp quản lý, kỹ thuật, xã hội… nhằm kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông đã được Sở GTVT áp dụng từ lâu và rút kinh nghiệm để ngày càng hoàn thiện hơn theo hướng ít tốn kém ngân sách và không gây “sốc” cho dân. Ví dụ, biện pháp cải tạo kích thước hình học, mở rộng lòng đường, cải tạo các nút thắt cổ chai để tăng khả năng thông hành… Các giải pháp này có kinh phí rất thấp vì không phải giải tỏa nhà dân do sử dụng chính diện tích vỉa hè, mặt đường ở các ngã ba, ngã tư.

Không cấm sử dụng lòng đường

Sở sẽ triển khai mở rộng các hẻm nối thông giữa các tuyến đường để giảm áp lực giao thông cho các tuyến chính và các nút giao thông có lưu lượng xe cao. Việc mở rộng hẻm không phải là giải tỏa nhà mà là các quận, huyện sẽ đặt biển chỉ dẫn và có người (dân phòng, công an phường) hướng dẫn ngay đầu hẻm vào giờ cao điểm. Cạnh đó, các phường, quận sẽ vận động hoặc ra quy định vào các giờ cao điểm người dân trong hẻm không để xe trước nhà, làm cho hẻm thông thoáng để dành cho xe lưu thông ra các đường nhánh, thoát khỏi các điểm ùn tắc…

Một biện pháp khác, Sở sẽ phối hợp với các quận, huyện rà soát điều chỉnh lại các vị trí cho phép sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán và để đậu xe hai bánh, xe ô tô, đồng thời xây dựng kế hoạch làm thông thoáng vỉa hè. Ở đây, tôi nhấn mạnh là rà soát và điều chỉnh hợp lý chứ không phải cấm ngay, cấm trên diện rộng việc sử dụng vỉa hè, lòng đường. Chỗ nào cho đậu, dừng xe mà hợp lý thì không nên dẹp. Vì trong giao thông có cả giao thông tĩnh và động. Mặt khác, vì hiện diện tích bãi để xe ở TP rất thiếu mà chúng ta dẹp ngay, dẹp tràn lan các điểm để xe hiện hữu thì sẽ gây “sốc” lớn, dân biết để xe ở đâu.

 

Điểm kẹt xe trước KCX Tân Thuận sẽ được giải quyết trong năm 2012.

Bổ sung biển báo

994 là số vụ tai nạn giao thông xảy ra trong năm 2011, làm chết 842 người và bị thương 461 người. So với cùng kỳ năm 2010, giảm 103 vụ tai nạn giao thông (-9,39%); giảm 48 người chết (-5,39%) và giảm 14 người bị thương do tai nạn giao thông (-2,95%).

Có thực tế là hiện hệ thống biển báo, tín hiệu ở nhiều nơi chưa hợp lý, khoa học. Do đó, năm 2012, Sở GTVT, các khu quản lý giao thông đô thị sẽ tăng cường rà soát, điều chỉnh, lắp đặt bổ sung hoàn thiện hệ thống biển báo giao thông, đèn tín hiệu giao thông. Hướng làm là biển báo, tín hiệu phải có nội dung đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu và có vị trí, kích thước phù hợp cho mọi người đi đường được biết từ xa và chấp hành. Cạnh đó, sẽ tiến hành khảo sát lắp đặt biển báo “hạn chế tốc độ” trên các đoạn đường cần phải kiểm soát để bảo đảm an toàn giao thông. Tuy nhiên, với các tuyến đường rộng, thẳng và đã đặt dải phân cách với xe hai bánh thì phải cho các loại xe tăng tốc để phát huy khả năng lưu thông. Do đó, Sở sẽ chú trọng tiến hành rà soát, đánh giá lại các biển báo tốc độ chạy xe của các tuyến đường như quốc lộ 22, quốc lộ 1, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trường Chinh, Điện Biên Phủ, xa lộ Hà Nội…

Bên cạnh tốc độ thì thời gian lưu thông của một số loại xe cũng phải quy định cụ thể, không thể đi 24/24 hoặc đi vào giờ cao điểm. Như các loại xe chuyên dùng (xe chở xăng dầu, xe chở hàng về các siêu thị…), xe hợp đồng… thì phải quy định về thời gian, tuyến đường cho lưu thông, tránh đi vào các giờ cao điểm, các điểm và nút giao có nguy cơ ùn tắc giao thông cao.

Quản lý tụ điểm

Sở vừa chỉ đạo các khu quản lý giao thông đô thị rà soát các trường học, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm kinh doanh, tụ điểm ăn uống có ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và yêu cầu có biện pháp khắc phục. Trường hợp không cải thiện, các khu báo cáo Sở để tổng hợp làm việc với các đơn vị liên quan, hoặc đề xuất UBND TP rút giấy phép kinh doanh. Đây là việc làm mới, quyết liệt và đã được UBND TP chấp thuận.

Theo điều lệ biển báo giao thông hiện tại, biển báo chỉ được cao cách mặt đất 1,8 m. Trong điều kiện giao thông hỗn hợp, nhiều làn và mật độ xe dày đặc thì các loại xe nhỏ, thấp đi làn ngoài khó nhìn thấy từ xa các loại biển báo, tín hiệu. Do đó, năm 2012, Sở sẽ tiến hành bổ sung biển báo, tín hiệu đặt trên các cần vươn cao ra ngoài đường hoặc đặt trên các giá long môn…

 

16 tuyến đường một chiều mới

Đường một chiều với cả ô tô, xe máy

Quận 1, quận 3: Khu vực Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Thiện Thuật - Phạm Viết Chánh - Cống Quỳnh; khu vực đường Phó Đức Chính - Calmette - Ký Con - Yersin và Nguyễn Công Trứ - Nguyễn Thái Bình - Lê Thị Hồng Gấm; khu vực Nguyễn Cảnh Chân - Trần Đình Xu - Hồ Hảo Hớn - Đề Thám; Bùi Thị Xuân - Sương Nguyệt Anh.

Quận 5: Khu vực Trần Tuấn Khải - Nguyễn Văn Đừng - An Bình - Nguyễn Thời Trung.

Quận 10: Thành Thái - Sư Vạn Hạnh (từ Ba Tháng Hai đến Tô Hiến Thành).

Quận Gò Vấp: Khu vực ngã sáu Gò Vấp; khu vực Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Văn Nghi - Lê Lợi - Nguyễn Văn Bảo.

Đường chỉ cho ô tô đi một chiều

Quận 1, 3: Đường Hai Bà Trưng - Lê Văn Sỹ - Cách Mạng Tháng Tám.

Quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân: Khu vực Trường Chinh, Tân Kỳ Tân Quý, Tân Sơn Nhì; khu vực Lạc Long Quân - Ni Sư Huỳnh Liên; khu vực Tân Thành - Âu Cơ - Lũy Bán Bích; tỉnh lộ 10 và tỉnh lộ 10B.

Quận Gò Vấp: Khu vực các tuyến đường Lê Quang Định - Nguyên Hồng - Phan Văn Trị - Trần Quốc Tuấn.

Quận 12: Khu vực các tuyến đường Lê Văn Khương - TA16 - Lê Thị Riêng - quốc lộ 1A.

Quận Thủ Đức: Các tuyến đường gần nút giao thông cầu vượt Gò Dưa: tuyến Bình Chiểu, đường số 9, đường số 10, phường Tam Bình, đường Lê Thị Hoa.

12 tuyến đường đặt dải phân cách hoặc đinh phản quang

- Đường Võ Văn Kiệt, quận 1, 5, 6: Đoạn từ cầu Lò Gốm đến hầm Thủ Thiêm.

- Đường Nguyễn Tất Thành, quận 4: Từ cầu Khánh Hội đến cầu Tân Thuận.

- Đường Trường Chinh, Tân Bình: Từ ngã tư Bảy Hiền đến Cộng Hòa.

- Đường Cộng Hòa, Tân Bình: Từ Hoàng Hoa Thám đến Trường Chinh.

- Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bình Thạnh: Từ cầu Thị Nghè đến ngã tư Hàng Xanh.

- Đường quốc lộ 13, Thủ Đức.

- Liên tỉnh lộ 25B, quận 2.

- Quốc lộ 22, Hóc Môn: Từ Lê Thị Hà đến Dương Công Khi.

- Quốc lộ 22, Củ Chi: Đoạn từ Giồng Cát đến đường vào ấp Bến Đò và đoạn từ đường vào xã Tân Thông Hội đến đường Nguyễn Giao.

- Đường Lê Thị Riêng, quận 12.

- Đường Nguyễn Văn Linh, quận 7: Từ nút giao khu A đến đường Huỳnh Tấn Phát.

- Quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh: Gắn đinh phản quang, sơn phân làn đoạn từ cầu Bình Điền đến ranh tỉnh Long An.

Tranh LAP (Theo Thư giãn giải trí)

 

Ông PHẠM VĂN BÁ, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM:

Không lệch giờ tràn lan

.Phóng viên:Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP vừa có một tuần khảo sát tình hình thực hiện về trật tự an toàn giao thông (ATGT). Qua một tuần khảo sát, ông thấy có những vấn đề gì đáng quan tâm?

+ Ông Phạm Văn Bá, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, Trưởng đoàn khảo sát: Vấn đề đặt ra ở đây là tình hình thực tế giao thông ở các cửa ngõ. Cụ thể như cửa ngõ miền Tây (Bình Chánh - PV), một địa bàn rất rộng và các tuyến đường từ TP về miền Tây đều đi qua địa phận này nhưng hiện công an huyện chỉ có một máy đo nồng độ cồn, xe đi tuần tra lại quá cũ. Hay như ở Thủ Đức, cũng là một cửa ngõ lại có 50.000-70.000 công nhân đang sinh sống, làm việc cùng hàng ngàn sinh viên đang học tập thì chúng ta cần có những biện pháp kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) khác với những quận, huyện khác.

. Những biện pháp khác đó cụ thể là gì, thưa ông?

+ Như ở Bình Chánh, TP cần mạnh dạn đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Nên nhớ Bình Chánh là địa bàn rộng hơn 25.000 ha thì chúng ta cần có con người và phương tiện kỹ thuật đầy đủ mới kiểm soát được tình hình giao thông. Nếu có con người mà không có phương tiện kỹ thuật thì không thể hoàn thành chức trách của mình. Theo tôi, nếu không đầu tư thêm các trang thiết bị, nhân lực, một số nơi như Bình Chánh sẽ khó khăn hoàn thành kế hoạch kéo giảm 10% ba mặt của TNGT như TP đề ra.

. Vậy còn chuyện quận 12 kiến nghị lệch giờ làm, giờ học như các quận nội thành thì sao?

+ Chuyện lệch giờ làm, lệch giờ học thì còn tùy vào thực tế của từng địa phương chứ không phải nơi nào cũng giống nơi nào. Việc bố trí lệch giờ phải xem địa phương đó, khu vực đó có bị ùn tắc khi giờ tan trường, tan sở hay không. Chủ trương của TP là không làm tràn lan mà chỉ làm ở những khu vực, những tuyến đường có nguy cơ xảy ra ùn ứ vì ùn ứ thì dễ dẫn đến kẹt xe. Tương tự là những tuyến đường đen thường xảy ra TNGT thì tập trung lực lượng để tuần tra, ưu tiên vốn để khắc phục hạ tầng.

. Theo ông, những giải pháp cần làm ngay để kéo giảm TNGT và ùn tắc giao thông tại TP là những việc gì?

+ Với những tuyến đường đủ diện tích mặt cắt ngang để lắp dải phân cách làn xe máy với làn ô tô thì kiến nghị đầu tư kinh phí làm ngay. Đây là việc làm mà hiệu quả đã thấy rõ như tuyến quốc lộ 1A. Sau khi lắp dải phân cách đoạn từ ngã tư Thủ Đức về đến vòng xoay An Lạc (Bình Tân), số vụ TNGT đã được kéo giảm 40% so với trước. Kế đến: những tuyến đường vừa có chợ, nhiều trường học, công ty thì cần phân bổ thời gian đến và tan sao cho hợp lý…

. Qua đợt khảo sát, ông và các đại biểu sẽ kiến nghị những gì lên TP?

+ TP nên quy hoạch lại ngành nghề ở một số tuyến đường trọng điểm dễ xảy ra ùn tắc và tai nạn. Cần bố trí lệch giờ học, lệch giờ làm phù hợp với từng khu vực để không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân là điều mà chúng ta cần phải tính toán để áp dụng. Các sở, ngành cần phối hợp thông tin trước khi cấp phép xây dựng một cao ốc văn phòng hay một trung tâm thương mại ở trung tâm TP thì việc phòng ngừa ùn tắc giao thông sẽ có hiệu quả hơn.

. Xin cảm ơn ông.

VĂN THUẬT thực hiện

LÊ TOÀN, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM

  •