Công bố kết quả PCI 2011 - Ám ảnh tính minh bạch

24/02/2012
: 15857

Theo kết quả công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2011 hôm qua 23-2, lần đầu tiên, hai tỉnh phía Bắc là Lào Cai, Bắc Ninh và tỉnh Long An ở phía Nam vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng PCI nhờ những nỗ lực cải thiện công tác điều hành kinh tế tại địa phương. PCI năm 2011 cũng cho thấy khối doanh nghiệp trong và ngoài nước đều lo ngại về tham nhũng và quan hệ cá nhân trong kinh doanh hiện nay.

  • Kém lạc quan về triển vọng tăng trưởng

Theo kết quả PCI 2011, cả doanh nghiệp trong và ngoài nước đều kém lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh so với năm trước. Năm 2006, trước khi Việt Nam gia nhập WTO, 76% doanh nghiệp cho biết sẽ tăng quy mô kinh doanh nhưng đến năm 2011, tỷ lệ này đã giảm đến mức kỷ lục: 47,4%. Mức độ lạc quan của doanh nghiệp tư nhân, loại hình có quy mô nhỏ bị giảm mạnh vì đây là nhóm chịu nhiều tác động khi giá đầu vào gia tăng và tiếp cận khó khăn hơn.

Tâm lý ít lạc quan cũng được ghi nhận ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nhiệt kế doanh nghiệp cũng cho thấy, doanh nghiệp FDI ít lạc quan về triển vọng kinh doanh và đầu tư trong 2 năm tới. Năm 2006, 66% doanh nghiệp FDI có kế hoạch tăng quy mô kinh doanh tại Việt Nam, đến năm 2011 chỉ còn 38%. Đáng lưu ý là 60% doanh nghiệp FDI tham gia điều tra cho biết điều kiện thị trường là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất (năm 2010 là 70%).

Sản xuất linh kiện điện thoại di động tại Công ty TNHH Sonion (Đan Mạch) tại TPHCM.

Dù kém lạc quan về triển vọng kinh doanh nhưng doanh nghiệp vẫn ghi nhận sự cải thiện trong công tác điều hành của chính quyền địa phương. Chỉ số PCI có trong số năm 2011 ở tỉnh trung vị là 59,15 điểm – cao nhất kể từ khi chỉ số PCI được hiệu chuẩn lại vào năm 2009.

Khác biệt ấn tượng nhất giữa PCI năm 2011 với các năm trước là sự thăng và sụt hạng đột biến của các địa phương trong bảng xếp hạng. Lần đầu tiên trong suốt quá trình thực hiện điều tra PCI, cả Bình Dương và Đà Nẵng đều không đứng ở thứ hạng cao nhất. Bình Dương giảm điểm trong chỉ số tính năng động, tiếp cận đất đai và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Điểm số của Đà Nẵng sụt giảm mạnh trong các lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động.

 

  • Những quan ngại

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), thực trạng không có nhiều cải thiện về tính minh bạch trong môi trường kinh doanh tiếp tục là một vấn đề trong khảo sát PCI nhiều năm nay. Nếu như năm 2008, điểm số minh bạch đạt cao nhất là 3,11 điểm thì năm 2011, khả năng tiếp cận tài liệu pháp luật tại các tỉnh trung vị giảm còn 3,03 điểm. Một điểm đáng lưu ý là khoảng cách giữa tỉnh tốt nhất và kém nhất trong tính minh bạch vốn luôn rất lớn đã tăng gấp đôi tới gần 1,3 điểm.

Đáng quan ngại nhất trong PCI 2011 là quan hệ cá nhân tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc doanh nghiệp tiếp cận tài liệu phục vụ kinh doanh. Trong đó, 3/4 nhà đầu tư (tăng so với tỷ lệ 56,6% năm 2007) cho rằng phải có mối quan hệ với cơ quan nhà nước để tiếp cận tài liệu pháp luật.

“Không rõ tại sao mối quan hệ cá nhân ngày càng được coi trọng nhưng hệ quả là làm nản lòng doanh nhân và nhiều khả năng tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo hai cách. Thứ nhất, chính quyền địa phương sẽ dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp thân quen hơn là doanh nghiệp có năng lực kinh doanh giỏi. Thứ hai, nhà đầu tư phải đầu tư thời gian và nguồn lực vào việc xây dựng, phát triển mối quan hệ trong khi có thể sử dụng nguồn lực đó phục vụ tốt hơn cho hoạt động kinh doanh”, báo cáo nhận định.

Ở điểm ngược lại, ở mục chi phí không chính thức, dù có nhiều quan ngại về tình trạng tham nhũng ở Việt Nam gia tăng nhưng so với con số 70% năm 2006 thì năm 2011 chỉ còn 52% doanh nghiệp cho rằng phải trả các chi phí không chính thức. Song quan trọng hơn, báo cáo cũng nhận định, kết quả điều tra chi phí không chính thức trong PCI đã cảnh báo rằng, mặc dù tham nhũng nhỏ có biểu hiện giảm đi nhưng tham nhũng có quy mô lớn (như hành vi “lại quả” khi ký kết các hợp đồng mua sắm công hoặc các thỏa thuận đất đai béo bở) dường như lại gia tăng theo thời gian.

Cụ thể, 56% doanh nghiệp tham gia đấu thầu các dự án của nhà nước cho biết, việc chi trả hoa hồng là phổ biến so với 41% của năm trước. Mặc dù tham nhũng nhỏ gây nhiều phiền toái cho doanh nghiệp đã giảm song xét cho cùng, tham nhũng lớn vẫn nguy hiểm bởi nó góp phần làm tăng sự bất công giữa một nhóm ít người có quan hệ tốt với chính quyền và phần còn lại của đất nước, đồng thời ảnh hưởng đến niềm tin vào bộ máy nhà nước.

Cũng theo nhận định của báo cáo, các doanh nghiệp FDI không đánh giá cao nỗ lực kiểm soát tham nhũng của các cấp chính quyền – yếu tố nhận được số điểm thấp nhất, chỉ nhỉnh hơn điểm 0. Các yếu tố điều hành khác như cung cấp đất đai, mặt bằng kinh doanh, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, khả năng tiếp cận các nhà hoạch định chính sách... cũng đều nhận được điểm số thấp.

PCI 2011 khảo sát gần 7.000 doanh nghiệp ở 63 tỉnh, thành phố. Nhóm dẫn đầu gồm: Lào Cai, Bắc Ninh, Long An, Đồng Tháp, Đà Nẵng. Hà Nội đứng thứ 36 còn TPHCM đứng vị trí 20.-

Ông David B.Shear, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng: Khi Việt Nam và Hoa Kỳ đàm phán hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương để mở rộng thương mại và đầu tư, Việt Nam sẽ có thể hưởng lợi nhiều hơn từ những hiệp định thương mại như vậy thông qua thực hiện những cải cách thể chế và thị trường ở cả cấp trung ương và địa phương để phát huy đầy đủ lợi thế hội nhập kinh tế toàn cầu.- Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu: Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cảm nhận tích cực của các doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế có thể làm một điểm sáng trong báo cáo PCI năm nay. Chúng tôi kỳ vọng rằng, từ những thông điệp này của cộng đồng kinh doanh, Chính phủ và chính quyền địa phương tiếp tục nỗ lực hơn nhiều nữa để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo SGGP Online