Đầu tư công nghiệp phụ trợ - Tập trung vào ngành có thế mạnh

22/12/2010
: 15437

Đầu tư, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước là con đường duy nhất phải thực hiện để giải bài toán nâng cao giá trị thực chất cho sản xuất, xuất khẩu Việt Nam. Từ nhiều năm nay, ngành công nghiệp phụ trợ vẫn chưa có bước đi đúng, đột phá. Trong quá nhiều sự lựa chọn, Việt Nam sẽ thành công nếu xác định được ngành công nghiệp có thế mạnh để đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ. Đâu là ngành công nghiệp thế mạnh của Việt Nam? 

Giá trị gia tăng: tụt dốc!

Tại buổi tọa đàm về “Công nghiệp hỗ trợ đối với sản xuất và xuất khẩu hàng hóa” do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức tại TPHCM mới đây, Tiến sĩ Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách, công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, cách đây 10 năm, chúng ta khó có thể hình dung được những thành tựu mà ngành công nghiệp đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước. Hiện nhiều sản phẩm chủ lực với giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD đã có mặt ở các thị trường lớn của thế giới. Tuy nhiên, cũng còn nhiều con số khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Ngành sản xuất máy tính rất cần linh kiện phụ trợ.

Năm 1995, tỷ lệ VA/GO (Giá trị gia tăng/giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp) là 42,5%, đến năm 2000 tỷ lệ này chỉ còn 38,4%, sang năm 2005 còn 29,6%, năm 2007 còn lại 26,3% và dự báo năm 2010 chỉ còn khoảng 21%. Theo đó, tốc độ tăng giá trị gia tăng (GDP công nghiệp) cũng liên tục giảm sút, từ hơn 15%/năm giai đoạn 1995-2000, sang giai đoạn 2001-2005 còn 11%, đến năm 2009 chỉ còn 3,9%. Có thể nói, công nghiệp vẫn phát triển theo hướng gia công, lắp ráp là chủ yếu.

Ông Trần Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương đánh giá, ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta hiện nay đã thành công trong lĩnh vực sản xuất xe máy và điện gia dụng. Hiện các tập đoàn lớn của Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư, góp vốn liên doanh xây dựng các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng tại Việt Nam đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu trong nước. Riêng ngành công nghiệp cơ khí, dù Việt Nam có nhiều nguyên liệu nguồn như quặng đồng, chì, sắt, kẽm…nhưng chỉ có Công ty Gang thép Thái Nguyên là sản xuất ra thép thành phẩm từ nguyên liệu quặng sắt. Đối với ngành dệt may, ngành xuất khẩu hàng đầu Việt Nam hiện nay,  nguyên phụ liệu nhập khẩu cũng chiếm tỷ lệ khá cao. Theo Bộ Công thương, hiện nay tỷ lệ nội địa hóa trung bình của ngành dệt may khoảng 45%.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp dệt may, con số này quá “lạc quan” so với thực tế. Ngay cả ngành giấy - ngành được đánh giá có nguồn nguyên liệu sẵn nhưng không khai thác hiệu quả, hàng năm vẫn phải nhập khẩu từ 300-400 triệu USD nguyên liệu, trong đó có đến 2/3 là giấy phế liệu. Các doanh nghiệp trong nước không thích sử dụng nguồn giấy thu mua trong nước, gây lãng phí khi phải nhập khẩu.

Đầu tư cho ngành có thế mạnh

Theo một nghiên cứu, trong 10 năm tới, Việt Nam nên tập trung tham gia vào phát triển công nghiệp phụ trợ với 2 ngành: cơ khí chế tạo chi tiết và ngành sản xuất chi tiết, linh kiện đồ nhựa, sau đó mới tính đến điện tử và sản phẩm hóa chất, theo đánh giá của Bộ Công thương, ở Việt Nam hiện nay, các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghiệp phụ trợ cao và có triển vọng để phát triển công nghiệp phụ trợ là các ngành dệt may, da giày, điện tử - tin học, sản xuất và lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo. Hiện các ngành này cũng được kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ, tuy nhiên mức độ đầu tư và thu hút đầu tư vẫn đang ở trong tình trạng dàn trải và vẫn chưa thật sự xác định được thế mạnh mũi nhọn cho ngành. Trong nhiều ngành công nghiệp tiềm lực, Việt Nam cần lựa chọn những ngành công nghiệp phù hợp, có lợi thế nhất để tập trung đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Ông Matthias Duhn, Giám đốc Điều hành Phòng thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam nhận xét, mô hình lao động giá rẻ, gia công lắp ráp về lâu dài không bền vững, Việt Nam buộc phải chọn giải pháp phát triển công nghiệp phụ trợ để gia tăng giá trị. Với ngành công nghiệp ô tô, trong 40.000 linh kiện cho một chiếc ô tô, nếu Việt Nam cung ứng được một nửa đã là quá tốt. Tuy nhiên, đây là một thị trường nhỏ, trong ASEAN, Thái Lan đã đi trước và làm tốt việc này, nếu Việt Nam tiếp tục làm, chắc chắn sẽ có cạnh tranh và sẽ khó phát triển được ngành công nghiệp này. Việt Nam nên chọn những ngành sát với khả năng của mình hơn. Ngành dệt may, da giày Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để phát triển trong thời gian tới. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam nên đẩy mạnh đầu tư phát triển những cụm công nghiệp phụ trợ cho 2 ngành này để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành. 

Kinh nghiệm từ các nước phát triển công nghiệp phụ trợ trong khu vực cho thấy, mỗi thời kỳ nên tập trung vào một số ít nhóm ngành, không thể dàn trải, phân tán nguồn lực. Việt Nam phải xác định được ngành có thế mạnh, sát với thực tế nhất để đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ.

Theo SGGP