Điều kiện kinh doanh vận tải ôtô mới: Doanh nghiệp vận tải phó mặc số phận

11/08/2010
: 7545

Tuy nhiên, trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị ngày 10.8, ông Lê Trung Tính, trưởng phòng quản lý vận tải công nghiệp (sở Giao thông vận tải TP.HCM) cho hay, tới thời điểm này, bộ Giao thông vận tải vẫn chưa hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện thông tư này. Dự kiến đến đầu tháng 9, bộ mới có buổi tập huấn hướng dẫn TP.HCM, sau đó thành phố mới thực hiện.


Nhiều doanh nghiệp vận tải nói, dù TP.HCM có dời thời gian áp dụng thêm một vài năm nữa thì họ cũng không tài nào đáp ứng được không ít những quy định mà thông tư này đưa ra.


Ông Phùng Đăng Hải, giám đốc liên hiệp hợp tác xã Vận tải TP.HCM – đơn vị có gần 1.000 xe buýt (chiếm 1/3 tổng số xe buýt toàn TP.HCM) cho biết, từ hơn hai tháng nay đơn vị ông đã nhiều lần tiếp xúc với các xã viên để tính chuyện “các đơn vị kinh doanh vận tải khách tuyến cố định phải có số phương tiện dự phòng bằng 10% so với phương án kinh doanh, phải có đủ chỗ đậu xe” nhưng vẫn chưa mang lại kết quả khả quan nào.


Theo ông Hải, hầu hết phương tiện của các doanh nghiệp vận tải hành khách là sở hữu của xã viên. Ví dụ, đơn vị ông có 1.000 xe thuộc sở hữu của 500 xã viên. Để đáp ứng 10% phương tiện dự phòng theo quy định thì rõ ràng phải có xe chạy và xe nằm chờ. Điều này là rất khó, không dễ tạo được sự đồng thuận vì hầu hết các xã viên của liên hiệp đang phải từng ngày, từng giờ đối mặt với nguy cơ thua lỗ mà vẫn phải trả nợ ngân hàng (vay mua xe). Còn đầu tư mua thêm 100 xe dự phòng, tương đương với số tiền gần 100 tỉ đồng thì lại là điều không tưởng.


Chuyện chuẩn bị đủ chỗ để xe ở liên hiệp hợp tác xã Vận tải TP.HCM, theo ông Hải cũng là cực khó, đòi hỏi phải có thời gian, chứ không thể tiến hành trong ngày một ngày hai, vì từ nhiều năm qua đơn vị ông đã không ít lần xin đất làm bãi đậu xe nhưng đều bị bác bỏ.


“Cứ mặc cho số phận tới đâu hay tới đó. Mấy ổng muốn xử sao thì xử chứ chúng tôi thực sự đã bó tay với hai quy định trên”, ông Hải nói.


Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại tình trạng phó mặc, tới đâu hay tới đó diễn ra ở đều khắp các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn TP.HCM. Hầu hết các doanh nghiệp đều án binh bất động, không hề có bất kỳ một động thái chuẩn bị nào.


“Thông tư 14 yêu cầu các doanh nghiệp vận tải kinh doanh theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt, kinh doanh vận tải bằng container, xe rơmoóc, sơmi rơmoóc phải chứng minh có đủ diện tích làm chỗ đỗ xe của doanh nghiệp. Việc này chẳng khác nào đánh đố chúng tôi trong điều kiện TP.HCM đang rơi vào tình trạng thiếu chỗ đậu xe trầm trọng”, ông Lương Công Thành, giám đốc doanh nghiệp vận tải Công Thành bức xúc.


Theo ông Thành, hiện tại ngoài những doanh nghiệp lớn như doanh nghiệp ông (doanh nghiệp Công Thành là một trong những doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng container lớn nhất TP.HCM) đang tìm thuê thêm đất để đủ chỗ đậu xe thì hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 90%) đều “mặc kệ”. “Họ mặc kệ cũng đúng vì quy định trên quá tầm kinh doanh của họ”, ông nhận xét.


Ngoài những khó khăn trên, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ôtô đều cho rằng, để thực hiện yêu cầu lái xe phải mang hợp đồng kinh tế (trong đó có nêu loại hàng hoá), phải mang theo phiếu xuất hàng cho mỗi chuyến xe (chỉ áp dụng với trường hợp xuất hàng tại kho) do người thuê vận tải hoặc chủ hàng phát hành phù hợp với loại hàng hoá đang vận chuyển trên xe,... là chuyện khó hơn… lên trời.


Ông Đặng Đức Tiệp, giám đốc công ty vận tải Đặng Tiến, phân trần: “Từ trước đến giờ, đã thành thông lệ, đơn vị vận tải hàng hoá chúng tôi chỉ biết nhận chở hàng và bàn giao công (container – PV), không cần biết hàng bên trong là gì thì làm sao chúng tôi đáp ứng được yêu cầu trên”. Hơn nữa theo ông Tiệp, cảnh sát giao thông hay Thanh tra giao thông không nhất thiết phải kiểm hàng mà nên tập trung vào việc kiểm tra an toàn giao thông khi xe chúng tôi lưu thông vì loại hàng hoá có hợp lệ hay không đã có hải quan cũng như các cơ quan chức năng khác kiểm hoá trước đó.


“Các cơ quan chức năng nên đi kiểm tra thực tế trước khi ban hành những quy định trên tránh để tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Đa phần những quy định trên nằm ngoài khả năng thực hiện của chúng tôi nên có cố gắng mấy chúng tôi cũng chỉ biết phó mặc cho số phận chứ không thể tìm ra kế sách nào”, ông Tiệp chia sẻ.


Theo Sài gòn Tiếp thị