Đóng phí bảo trì đường bộ: Nhiều nhà xe đòi tăng giá cước

08/01/2013
: 12710

     Những ngày đầu triển khai thu phí bảo trì đường bộ với ô tô, Đà Nẵng có trên 500 lượt phương tiện đóng phí. Nhưng các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, hành khách lưu ý: Phí bảo trì sẽ tác động khiến giá thành vận chuyển tăng cao thời gian tới, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán 2013.

     Chiều 6-1, ông Nguyễn Hương, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng (Sở GTVT Đà Nẵng) cho hay: Chưa đầy tuần lễ đầu năm 2013 đến nay, trung tâm đã có 510 lượt ô tô trên địa bàn đóng phí bảo trì đường bộ, được cấp tem.

     Các xe sau khi thực hiện các quy trình kiểm tra, đăng kiểm nếu đạt yêu cầu, đơn vị hướng dẫn chủ xe đóng phí. Ngoài ra, có những xe chưa đến hạn đăng kiểm nhưng đóng phí được trung tâm tiến hành thu theo quy định tại Thông tư 197 Bộ Tài chính.

     Do có sự chuẩn bị, tập huấn cho đội ngũ cán bộ nhân viên, tuyên truyền đến chủ xe, nên hầu hết đều tự giác thực hiện. Riêng xe mô tô, xe máy, do tuyến xã, phường đảm thu và chờ HĐND thành phố thông qua mức phí”, ông Hương nói.

     Theo Thông tư 197, mức thu phí bảo trì đường bộ đối với xe ô tô, thấp nhất từ 130.000 đồng/1 tháng, cao nhất hơn 1 triệu đồng/ 1 tháng.

     Nhiều đơn vị vận tải cho rằng, mức phí bảo trì này khiến giá thành vận chuyển phải tăng để bù chi phí đầu vào.Anh Nguyễn Văn Anh, phụ trách hãng xe chất lượng cao Ngọc Ánh (chạy tuyến Đà Nẵng- Hà Nội) cho hay: Hãng có gần chục đầu xe, cứ theo mức phí này, mỗi năm đơn vị bù thêm trên dưới 100 triệu đồng đóng phí. Đơn vị đang tính toán để trình phương án tăng giá vé xe cho phù hợp.Hiện, chỉ tính riêng tuyến Đà Nẵng-Hà Nội, giá vé 380.000 đồng/lượt/khách (bao ăn). Tuy nhiên, theo các chủ xe tuyến này: Với lượng khách đáp ứng 60-70% số giường/ghế, nhiều chuyến xe thu không bù chi.Dự kiến, mức vé vận chuyển hành khách các tuyến tăng thêm trên dưới 10%.Ông Nguyễn Hữu Thùy, Giám đốc Cty TNHH Song Toàn (Đà Nẵng) cũng nhận định: Với 36 đầu kéo và cả gần trăm rơ-moóc của công ty, mỗi năm đơn vị phải dành đến vài tỷ đồng để đóng phí bảo trì đường bộ. Trong bối cảnh doanh nghiệp làm ăn khó khăn, đây là gánh nặng không nhỏ. Chắc chắn khách hàng phải san sẻ.Ông Trần Viết Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ TP Đà Nẵng cho rằng: Điều bất cập, việc thu phí tính trên đầu phương tiện, nhưng không phải doanh nghiệp mua bất kỳ xe nào là để sử dụng, lưu thông ngay.Do đó, cần nghiên cứu về lâu dài nên thay hình thức thu theo đầu phương tiện bằng cách trực tiếp thu qua xăng dầu. “Việc thu thêm phí bảo trì đường bộ, sẽ khiến mức phí vận chuyển hàng hóa, hành khách tăng theo, tối thiểu 5-7%”, ông Hòe nói.
Theo Tiền Phong