EuroCham: Việt Nam nên lập hiệp hội ôtô chung

07/12/2011
: 15193

pictureTrên thực tế, cách đây vài năm cũng đã có một số doanh nghiệp đề xuất việc hợp nhất các nhà nhập khẩu và phân phối ôtô chính hãng vào VAMA.

Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa đưa ra kiến nghị về việc thành lập một hiệp hội ôtô chung bao gồm các nhà sản xuất, lắp ráp trong nước và các nhà nhập khẩu.


Đây là một trong những đề xuất quan trọng nhằm thúc đẩy thị trường và phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam được đề cập trong cuốn sách trắng do cơ quan này phát hành tháng 11/2011.


Theo EuroCham, ôtô nhập khẩu nguyên chiếc hiện đang chiếm khoảng 30% tổng dung lượng thị trường. Đây là thị trường quan trọng để cung cấp các loại xe chuyên dụng và xe con với thông số kỹ thuật cao hơn mà hiện chưa sản xuất được ở Việt Nam.


Trong khi đó, Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) chịu trách nhiệm về hầu hết các mẫu xe có doanh số cao ở cả thị trường xe tải, xe thương mại và xe con.


Để có thể phát triển được ngành công nghiệp ôtô, “EuroCham cho rằng Chính phủ Việt Nam nên tiên phong gắn kết các công ty nhập khẩu CBU và các nhà sản xuất CKD trong nước nhằm vạch ra một chính sách rõ ràng... Một ngành kinh doanh quy mô lớn như ôtô cần được tổ chức theo hướng dài hạn vì ngành này sẽ tăng trưởng khi hiệp định thuế quan ưu đãi trong khuôn khổ WTO và ASEAN/AFTA được áp dụng”, cuốn sách nêu rõ quan điểm.


EuroCham cho rằng, việc gắn kết các khối doanh nghiêp này với nhau sẽ tạo điều kiện để phối hợp xây dựng một lộ trình rõ ràng trong chính sách công nghiệp ôtô, vạch ra những giai đoạn quan trọng từ nay cho đến năm 2018 (thời điểm thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ ASEAN về mức 0% - PV).


Trên thực tế, cách đây vài năm cũng đã có một số doanh nghiệp đề xuất việc hợp nhất các nhà nhập khẩu và phân phối ôtô chính hãng vào VAMA. Tuy nhiên, VAMA đã từ chối đề xuất này.


Mới đây, câu chuyện này lại được đề cập sau khi triển lãm Vietnam Motor Show 2011 kết thúc với sự thiếu vắng của rất nhiều các thương hiệu ôtô lớn đang có mặt tại Việt Nam.

Theo VnEconomy