Kỳ vọng về một tuyến xe buýt xanh

29/03/2012
: 16388

     Ngày 28-3-2012 Ngân hàng Thế giới và UBND TP. HCM đã tổ chức hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về giao thông công cộng. Ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm của các nước, Ngân hàng Thế giới và thành phố sẽ cùng thảo luận về việc hợp tác đầu tư phát triển tuyến buýt xanh BRT (Bus Rapit Transit) của thành phố.

 
 
 

     Về tuyến BRT ở TP. HCM, Ngân hàng Thế giới đã có dự án hỗ trợ TP. HCM nghiên cứu xây dựng hệ thống tuyến buýt BRT từ năm 2005 với một số tuyến đề xuất xây dựng trên các đại lộ trung tâm của thành phố. Nhưng do nhiều nguyên nhân các nghiên cứu này đã không được triển khai. Năm 2011, với sự trợ giúp của Ngân hàng Thế giới, UBNDTP tiến hành nghiên cứu để triển khai tuyến BRT dọc trục đại lộ Đông Tây. Dự án BRT đại lộ Đông Tây có điểm đầu tuyến ở Bến xe Miền Tây- huyện Bình Chánh và điểm cuối tuyến ở Ga Trung tâm Thủ Thiêm- quận 2. Tổng chiều dài tuyến BRT là 21km sẽ đi qua quận Bình Chánh, Bình Tân, quận 6, quận 5, quận 1 và quận 2. Từ việc nghiên cứu dự án BRT, các sở, ban, ngành thành phố đã thảo luận phát triển ý tưởng này thành dự án giao thông xanh của thành phố. Theo đó, bên cạnh các nghiên cứu xây dựng tuyến BRT của Sở GTVT, Sở Quy hoạch kiến trúc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, thiết kế không gian công cộng tuyến hành lang dọc đại lộ Đông Tây, cải thiện kết nối bờ bắc và bờ nam của dòng kênh dọc đại lộ để trình UBNDTP phê duyệt trong những ngày tới.

 

     Với ý tưởng về tuyến giao thông xanh kiểu mẫu, các hạng mục đầu tư trên tuyến đều được hướng tới sự thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng với hệ thống đèn chiếu sáng ở các nhà chờ sử dụng năng lượng mặt trời, tại các nhà chờ sẽ bố trí bãi giữ xe... Ông Vương Hoàng Thanh- Phó Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP. HCM cho rằng, đầu tư cho các tuyến metro trên địa bàn thành phố đã được tiến hành nhưng đi vào vận hành còn là tương lai xa. Xe buýt vẫn là lựa chọn tối ưu trong 5-10 năm tới và vẫn đóng vai trò quan trọng khi hệ thống metro hoạt động. Dự án BRT sẽ góp phần làm động lực thúc đẩy cho phát triển đô thị có kiểm soát tốt hơn và cải thiện diện mạo thành phố bằng cách thêm vào các yếu tố có giá trị sinh thái.

 

     Theo ông Dương Hồng Thanh- PGĐ Sở GTVT so với metro, đầu tư BRT có chi phí thấp hơn, thời gian ngắn hơn, khối lượng vận chuyển lớn. Ở nhiều nước như Braxin, Trung Quốc, Colombia... khối lượng vận chuyển của các tuyến BRT tương đương với khối lượng vận chuyển của metro. Việc đầu tư hệ thống BRT ở TP. HCM là rất cần thiết. Các cuộc làm việc của Ngân hàng Thế giới với thành phố dịp này nhằm xác định lại lần cuối về cơ cấu dự án gồm bao nhiêu hợp phần, xác định tổng mức đầu tư và xác định cụ thể là Ngân hàng Thế giới sẽ cho vay theo phương thức nào. Sau khi đi đến thống nhất chung, dự án sẽ được trình Trung ương phê duyệt.

 

     BRT được xem như metro trên mặt đất chạy bằng bánh hơi. Việc xây dựng tuyến BRT là một nhu cầu cấp thiết của sự phát triển hệ thống giao thông công cộng thành phố và mở ra một giải pháp kết nối các tuyến giao thông của thành phố trong tương lai. Biến đại lộ Đông Tây thành một đại lộ Xanh- tuyến đường kiểu mẫu là ý tưởng ưu tiên của thành phố hiện nay.

Hoàn chỉnh khung chính sách đầu tư thay thế xe buýt

 

     Đề án thay thế 1.680 xe buýt trên địa bàn thành phố theo 3 mô hình thay các tuyến xe lớn bằng các tuyến xe nhỏ thích hợp, thay những tuyến xe 12 chỗ hiện nay bằng xe lớn và thay xe cũ bằng xe mới. Ông Lê Hải Phong- GĐ Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng TP. HCM cho biết mục tiêu của đề án nhằm đưa ra một khung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư thay thế xe buýt. Theo đề án, doanh nghiệp được hưởng cơ chế chỉ phải trả trước 30% chi phí đầu tư, trong phần vốn vay 70% doanh nghiệp chỉ chịu lãi suất 5%, còn phần lãi suất chênh lệch nhà nước sẽ hỗ trợ. Dự kiến đầu tháng 4-2012 Sở GTVT sẽ trình UBNDTP phê duyệt đề án.