Nâng cao hiệu quả công tác vớt, xử lý lục bình trên sông, kênh, rạch

20/11/2015
: 6035

     Sáng 20-11, UBND TPHCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện công tác vớt, xử lý lục bình trên sông, kênh, rạch của TPHCM và Lễ ký kết kế hoạch về việc phối hợp triển khai hoạt động vớt, xử lý lục bình khai thông dòng chảy giữa TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh. Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm chủ trì hội nghị.

     Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, TP có khoảng 3.079 tuyến sông, kênh, rạch; trong đó có khoảng 181 tuyến có lục bình với tổng chiều dài 203,2 km, đặc biệt có 66/181 tuyến sông, kênh, rạch có lục bình phát triển dày đặc; ngoài ra, lục bình còn xuất hiện trên các kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi – kênh Tẻ… trôi dạt gây cản trở giao thông đường thủy, trở thành bãi rác trôi nổi cho nhiều loại sinh vật gây bệnh cư ngụ.

 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm tặng bằng khen của UBND TP cho 4 tập thể và 2 cá nhân.

     Trước vấn nạn lục bình phát triển ngày càng trầm trọng, UBND TP đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành và quận – huyện triển khai thực hiện nhiều phương án, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giải quyết căn cơ tình trạng lục bình phát triển dày đặc trên sông, kênh, rạch của TP.

     Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, trong 2 năm qua, các sở, ngành, đơn vị TP đã định kỳ tổ chức ra quân phối hợp với địa phương vớt rác, lục bình trên các tuyến sông, kênh, rạch được phân cấp quản lý, chủ yếu bằng thủ công kết hợp với phương tiện cơ giới, để triển khai vớt rác, lục bình khơi thông dòng chảy đảm bảo việc tiêu thoát nước, giảm ô nhiễm môi trường.

     UBND các quận – huyện đã chủ động giao cho đơn vị công ích địa phương thực hiện công tác vớt rác, lục bình thường xuyên; huy động các lực lượng đoàn thanh niên, dân quân ra quân vớt lục bình trên tuyến kênh, rạch trên địa bàn; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động người dân sinh sống dọc theo hai bên kênh, rạch không xả rác thải xuống sông, kênh, rạch, vận động người dân tham gia cùng chính quyền địa phương ra quân vớt lục bình để bảo vệ môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.

     Tuy nhiên, việc tiến hành vớt lục bình bằng thủ công không đạt hiệu quả cao, năng suất vớt thấp, không đáp ứng được tiến độ, thời gian và không đảm bảo an toàn cho người trực tiếp thực hiện nên cần phải cơ giới hóa để giảm sức lao động của con người.

     Chính vì vậy, UBND TP đã giao Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ máy công nghiệp – Trường Đại học Công nghiệp TPHCM nghiên cứu chế tạo máy cắt, vớt lục bình trên sông, kênh, rạch TP. Kết quả thử nghiệm cho thấy máy cắt vớt rong cỏ, lục bình đã kéo giảm được lao động nặng nhọc cho công nhân, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; từng bước cơ giới hóa việc xử lý rong, cỏ, lục bình; tăng năng suất lao động, giải quyết được khối lượng lớn rong cỏ, lục bình trên kênh, rạch; xử lý thông thoáng dòng chảy, đảm bảo nhiệm vụ tưới tiêu, thoát nước trên kênh, rạch; giữ gìn vệ sinh, mỹ quan kênh rạch trên địa bàn.

     Một vấn đề quan trọng trong công tác vớt, xử lý lục bình là nghiên cứu xử lý khối lượng lục bình sau khi vớt thành phân bón hữu cơ hoặc các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp hữu ích vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa đảm bảo vệ sinh môi trường. Trung tâm Công nghệ sinh học TP được giao thực hiện đề tài “Nghiên cứu xử lý lục bình làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ”. Ngày 24-12-2014, Sở Khoa học và Công nghệ TP và Trung tâm Công nghệ sinh học đã chuyển giao kết quả của Quy trình ủ xử lý lục bình làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ, đạt tiêu chuẩn làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất các loại phân bón hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học ở quy mô công nghiệp cho Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh để tham gia xử lý lục bình làm phân bón.

     Để giải quyết có hiệu quả việc vớt lục bình ngay từ thượng nguồn, hạn chế lục bình theo dòng chảy thủy triều trôi dạt trên sông và vào hệ thống kênh, rạch nội đồng bên trong, tiếp tục phát triển trở lại, UBND TP đã chỉ đạo triển khai các hoạt động khơi thông dòng chảy và vệ sinh môi trường nước trên lưu vực hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai.

     Đến nay, Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị TP đã hoàn thiện việc xây dựng phương án vớt rác, lục bình trên tuyến sông Sài Gòn đi qua địa bàn huyện Củ Chi. Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã hoàn thiện việc xây dựng Kế hoạch liên tỉnh, thành về phối hợp triển khai hoạt động vớt, xử lý lục bình khai thông dòng chảy trên các sông Sài Gòn, Đồng Nai, Vàm Cỏ Đông và các kênh, rạch giáp ranh giữa TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh.

 

Deputy Chairman of the City People's Committee Le Thanh Liem (middle) winnesses the signing of the plan for the combined task of fishing out and handling water hyacinth to clear the stream flow

     Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm cho rằng công tác vớt, xử lý lục bình trên sông, kênh, rạch của TP là công việc cấp bách trước mắt và lâu dài phải làm thường xuyên để khơi thông dòng chảy đảm bảo việc tiêu thoát nước, bảo vệ môi trường và phòng ngừa dịch bệnh.

     Phó Chủ tịch yêu cầu các sở, ban, ngành, đặc biệt là các quận – huyện nơi có tuyến sông, kênh, rạch đi qua cần chủ động triển khai công tác vớt, xử lý lục bình; báo cáo những khó khăn, hạn chế đến UBND TP để có giải pháp khắc phục. TP sẽ làm quyết liệt hơn nữa để đảm bảo môi trường sống xanh, sạch, đẹp cho người dân TP, Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.

     Hội nghị đã chứng kiến lễ ký kết 3 văn bản: Kế hoạch về việc phối hợp triển khai hoạt động vớt, xử lý lục bình khai thông dòng chảy giữa TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh; Nghiên cứu, cải tiến, chế tạo máy cắt, vớt lục bình, rong cỏ trên sông, kênh, rạch khu vực TPHCM; Hợp đồng nguyên tắc về nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy trục vớt lục bình trên sông, kênh, rạch theo chỉ đạo của TP.

 Đại diện Tổng công ty SAMCO (thứ hai từ trái qua) đang ký thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Công nghiệp để nghiên cứu sản xuất xuồng vớt lục bình.

     Dịp này, 4 tập thể và 2 cá nhân đã được tặng bằng khen của UBND TP vì thành tích xuất sắc trong thực hiện đề tài nghiên cứu vớt và xử lý lục bình làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ trên địa bàn TP.

 

Theo HCM CityWeb