Nếu đi xe buýt, Sài Gòn sẽ tiết kiệm gần 80 tỷ đồng mỗi ngày

11/08/2008
: 17798

Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân đưa ra con số trên và kêu gọi dân Sài Gòn chuyển sang dùng xe buýt, bắt đầu từ đảng viên, cán bộ công chức, công nhân sau đó lan dần đến mọi người dân thành phố.

"Con số này quá lớn. Nếu không có những biện pháp ngay từ bây giờ như vận động người dân dùng phương tiện công cộng thì có thể trong 5-10 năm nữa Sài Gòn sẽ ách tắc khủng khiếp trong khi có thể tiết kiệm được 80 tỷ đồng kia", người đứng đầu thành phố nhấn mạnh.

Theo Ban an toàn giao thông, sáu tháng đầu năm nay, toàn thành phố có hơn 3,5 triệu xe gắn máy. Tháng 7 đăng ký mới hơn 20.000 xe, trong khi đó lượng ôtô đang ở mức cao với khoảng 350.000 chiếc, chưa kể gần 2 triệu xe đạp, xe đạp điện. Khối lượng xe cộ khổng lồ này đang tạo ra áp lực nặng nề cho hệ thống hạ tầng TP HCM.

Lãnh đạo TP HCM đánh giá, trước tình hình xăng tăng giá quá cao cộng thêm với kẹt xe đang trở thành căn bệnh kinh niên, thì việc người dân tham gia phương tiện công cộng - xe buýt ngày càng nhiều sẽ là "bài toán" hợp lý nhất cho giao thông thành phố trong thời điểm này.

TP HCM vận động người dân đi xe buýt. Ảnh: Kiên Cường

Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM thì cho rằng, việc đi xe buýt hiện nay sẽ giảm hao tổn xã hội rất lớn. Trước mắt Sở đang xây dựng kế hoạch vận động và cùng Mặt trận Tổ quốc thành phố tuyên truyền trên diện rộng, bắt đầu từ đảng viên - công chức - công nhân sau đó lan tới toàn xã hội.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, vận động người dân đi xe buýt đã triển khai từ nhiều năm nay nhưng vẫn chỉ dừng ở mức độ "nói miệng" mà hiệu quả chưa cao.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: "Cuộc vận động này phải được chia sẻ từ phía người dân, ví như thói quen quãng đường chỉ có 5 km cũng đi xe gắn máy thì rất khó để chuyển sang buýt". Thêm nữa, theo ông Thanh, phải có lộ trình dài hơi mới hy vọng người dân ủng hộ xe buýt nhiều hơn chứ không thể trong 1 tháng thậm chí một năm, phương tiện công cộng sẽ đông khách công sở.

Thêm nữa, ngoài tiết kiệm, sử dụng xe buýt rất có lợi cho môi trường hơn là xe gắn máy. "Người Nhật tính toán một xe gắn máy ô nhiễm bằng 4 lần xe hơi, đủ cho thấy mức độ tác hại trầm trọng của xe máy", ông Thanh nói tiếp.

Ngay Sở Giao thông vận tải đang "cầm chịch" tuyên truyền công chức đi xe buýt cũng quy định mỗi nhân viên phải có một ngày trong tuần sử dụng phương tiện vận tải công cộng để đến cơ quan. Tuy nhiên hiện tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong tổng số hàng trăm nhân viên Sở dùng xe buýt, Giám đốc Trần Quang Phượng cũng không nắm được vì lý do "vận động tự nguyên là chính chứ chưa hậu kiểm bắt buộc".

Một vấn đề khó khăn nữa theo ông Lê Trung Tính - Trưởng phòng quản lý vận tải Sở Giao thông vận tải thì bất cập ở chính các đơn vị kinh doanh xe buýt. Tính tới thời điểm này chỉ có khoảng 20% khối hợp tác xã có bộ máy điều hành hoạt động đạt yêu cầu. Đây là một yếu tố khó khăn nếu như xe buýt muốn phục vụ hành khách tốt hơn trong thời gian tới.

Tại Trung tâm điều hành vận tải hành khách công cộng, 7 tháng đầu năm, lượng khách đi xe buýt toàn thành phố đã tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Lê Hải Phong, Phó giám đốc trung tâm cho biết: "Một phần nguyên nhân do xăng dầu tăng cộng thêm xu hướng người dân đi xe buýt ngày càng nhiều".

Thời gian tới, qua cuộc vận động của thành phố lẫn thời điểm bước vào năm học mới, số khách xe buýt sẽ còn tăng cao. Ông Phong khẳng định mạng lưới 3.200 xe buýt toàn thành phố cùng 152 tuyến, đáp ứng 1,2 triệu lượt hành khách một ngày sẽ đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân.

Sắp tới Trung tâm sẽ tăng cường chất lượng phục vụ của nhân viên và lái xe, phát hành sơ đồ xe buýt miễn phí, duy trì đường dây nóng để người dân cảm thấy thoải mái hơn khi "cùng buýt".