Những câu chuyện trên xe buýt

07/05/2011
: 22530

Tôi là một hành khách quen thuộc của các tuyến xe bus từ cách đây 8 năm. Trải nghiệm của tôi với xe bus là những điều thú vị, và tôi thầm biết ơn các bác tài. Dù đường đông hay kẹt xe, dù có những trận bóng đá hấp dẫn (giải Seagame cách đây mấy năm), họ vẫn chăm chỉ làm việc và thực hiện tốt công việc của mình. 

 


Nhiều năm nay, báo chí phản ánh khá nhiều về thái độ phục vụ của nhân viên nhà xe với hành khách. Xe bus bị đặt tên thành "hung thần trên đường phố", và hầu hết nhân viên nhà xe bị mang hình ảnh xấu. Điều này khiến cho nhiều người dị ứng với việc đi xe bus. Nhưng với bản thân tôi, tôi thiết nghĩ rằng "tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Hãy xem thái độ của bản thân hành khách - chúng ta trước, rồi hãy phê phán họ. Phía sau những việc làm đó, có ai đã từng hỏi vì sao họ lại làm như vậy hay chưa.

Tôi xin kể 2 trường hợp mà tôi được chứng kiến trên xe bus để minh họa cho vấn đề này.

Cách đây mấy tuần, trên một chuyến xe bus về nhà vào lúc 5h chiều, tôi bắt xe 69 ở Bến Thành. Khi đó mọi người đã yên vị hết trên xe, chỉ còn một cụ bà, rất già và yếu, lê từng bước đến để lên xe. Lúc này, anh tiếp viên đã cúi xuống đỡ bà cụ lên. Câu chuyện không chỉ dừng ở đó. Sau khi bán vé cho tất cả hành khách trên xe, chỉ còn bà cụ, anh tiếp viên hỏi rất nhã nhặn là cụ đã mua vé chưa. Cụ bà phần vì tuổi cao, phần vì nghèo, nên có vẻ "làm lơ" trước câu hỏi của anh tiếp viên. Anh tiếp viên đã phân vân rất lâu và không dám ép cụ bà mua vé. Thấy tình huống như vậy, tôi đã mua vé hộ cụ bà và được bà cảm ơn. Sau đó khi cụ bà xuống, anh tiếp viên kia cũng đã ân cần đỡ tay cho bà xuống tận nơi.

Trường hợp thứ hai mà tôi gặp hôm nay cũng khá tương tự với câu chuyện trên. Trên tuyến xe bus số 4 ra Bến Thành, một người kiểm soát vé đã bắt gặp một cô gái trẻ (có lẽ là sinh viên) không mua vé. Cô gái giải thích là bình thường cô sử dụng vé tập nhưng hôm nay cô để quên ở nhà. Khi lên xe, không thấy anh tiếp viên lại bán vé nên cô cũng không nói gì cho đến khi gặp kiểm soát viên. Và tôi không hiểu cô cố tình hay vô ý khi lên xe mà không mua vé. Chính việc này đã gây khó khăn cho anh tiếp viên. Anh tiếp viên giải thích việc không bán vé là vì người lên, xuống xe quá nhiều nên đã sót trường hợp của cô gái đó. Sau đó, anh tiếp viên giải thích với cô gái rằng nếu cô không mua vé thì anh sẽ bị lập biên bản, phạt một triệu đồng và cắt hợp đồng. Nhân viên kiểm soát đã gọi cho trung tâm xin ý kiến giải quyết và bỏ qua trường hợp trên.

Qua 2 câu chuyện trên có thể thấy, người tiếp viên và hành khách đều có lỗi. Nhưng ở câu chuyện đầu tiên thì lỗi của cả hai bắt nguồn từ tính nhân văn và lòng tốt, còn ở trường hợp thứ hai thì người khách có lỗi nhiều hơn. Giá vé xe chỉ có 4.000 đồng, quá rẻ so với các phương tiện giao thông khác, và so với giá cả hiện nay. Tôi không hiểu nổi vì sao một cô gái trẻ, hay đi xe bus (vì cô sử dụng vé tập) lại cố tình không mua vé, gây ảnh hưởng đến người tiếp viên như vậy. Người tiếp viên kia tuy có lỗi nhưng đó là sơ sót rất hay gặp trên các tuyến xe bus đông khách, nhất là vào giờ cao điểm.

Từ 2 câu chuyện trên, tôi thiết nghĩ nhà xe nên giảm phạt với các tiếp viên, và nhất là phải tìm hiểu kỹ những trường hợp như trên để giải quyết. Không nên chỉ phạt mỗi tiếp viên nếu có ai đó cố tình không mua vé. Ở nước ngoài, khi kiểm soát viên bắt được một người trốn vé, họ sẽ thu giữ ID (chứng minh nhân dân) của người đó, cảnh cáo và thậm chí đối với sinh viên quốc tế sẽ có một "bad report" trong visa của người ấy.

Cuối cùng, xin kết thúc bài viết này vẫn với câu nói "tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Mong báo chí hãy góp phần tuyên dương và đừng quá chỉ trích nhân viên xe bus và xe bus để dần tạo niềm tin yêu của người yêu với loại hình vận tải công cộng này.


Bạn đọc VnExpress

     Linh Lan