Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM: Phát triển buýt xanh, sắp xếp lại luồng tuyến

16/04/2012
: 13872

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt từ nay đến 2020. TPHCM sẽ triển khai thực hiện đề án này như thế nào? PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc chuyên trách vận tải của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM xung quanh nội dung trên.

Sẽ có cơ chế khuyến khích buýt xanh phát triển

- PV: Một trong những quan điểm quan trọng trong đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Thủ tướng Chính phủ là khuyến khích đầu tư và sử dụng xe buýt dùng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường (sau đây gọi tắt là xe buýt xanh). Tại sao vẫn còn một số HTX xe buýt của TP kêu rằng, đề xuất xin được hỗ trợ đầu tư xe buýt xanh của họ chưa được giải quyết?

- Ông DƯƠNG HỒNG THANH: Đây là hoạt động mới, chưa có tiền lệ nên TPHCM cho thí điểm và đang từng bước tiến hành tìm cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp cho các đơn vị vận tải đầu tư phát triển xe buýt xanh. TPHCM đã đề xuất và được Chính phủ chấp thuận cho nhập khẩu 50 xe buýt xanh. 21/50 chiếc đã được nhập về và đưa vào hoạt động trên tuyến xe buýt Bến Thành - Chợ Lớn. Đầu tháng 4, Sở GTVT sẽ đánh giá hoạt động của 21 chiếc xe để có căn cứ xây dựng cơ chế chính sách đầu tư xe buýt xanh rộng rãi trong các đơn vị vận tải.

Hiện nay, để khuyến khích các HTX xe buýt đầu tư phát triển xe buýt xanh, TPHCM vẫn chấp thuận trợ giá nhiên liệu cho loại xe buýt này bằng mức giá nhiên liệu trợ giá cho xe buýt sử dụng xăng, dầu làm nhiên liệu. Giá xăng dầu cao hơn giá khí CNG (năng lượng sạch) và mức chênh lệch này có thể coi như là sự hỗ trợ ban đầu cho các HTX vận tải. TPHCM cũng đã chấp thuận và tạo điều kiện cho Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải (Samco) đóng mới 300 xe buýt sử dụng năng lượng sạch làm nhiên liệu. Như vậy, vấn đề không phải là không có cơ chế hỗ trợ cho các đơn vị vận tải đầu tư phát triển xe buýt xanh mà là TP đang nghiên cứu hoàn thiện cơ chế này trước khi công bố rộng rãi.

Xe buýt sạch sử dụng khí CNG cần được hỗ trợ nhiều hơn.

- TPHCM đang có đề án thay mới 1.600/2.000 xe buýt. Vậy tại sao chỉ có hơn 300 xe buýt xanh như ông nói ở trên chứ không là 1.600 xe buýt xanh?

- Việc này liên quan đến bài toán đầu tư. Cho đến thời điểm hiện nay, TPHCM mới chỉ có 3 trạm cung cấp khí CNG. Muốn đáp ứng đủ nhu cầu khí CNG cho 300 xe buýt xanh, phải cần thêm ít nhất gần 10 trạm cung cấp khí nữa. Tìm được đất có vị trí phù hợp để xây 10 trạm là vấn đề không đơn giản. Khả năng cung ứng khí CNG của các đơn vị dầu khí cũng còn phải được cân nhắc, liệu có đủ cung ứng cho số lượng lớn xe buýt? TPHCM hỗ trợ về cơ chế, còn đầu tư xe là do các đơn vị vận tải chủ động.

Xe sử dụng khí CNG chỉ có thể đưa vào hoạt động xe buýt ở các TP lớn - nơi có trạm cung cấp khí trong khi xe chạy bằng xăng, dầu có thể hoạt động ở nhiều địa bàn khác nhau. Vì thế, đầu tư vào xe sử dụng nhiên liệu là xăng, dầu tiện lợi và hiệu quả hơn nhiều so với xe chạy bằng khí CNG. Đó là chưa kể giá thành một chiếc xe chạy bằng khí CNG đắt hơn nhiều so với xe chạy bằng xăng, dầu.

Mạng lưới tuyến không thể tách rời mạng lưới đường

- Xây dựng mạng lưới tuyến xe buýt hợp lý là mục tiêu quan trọng khác của đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Còn có một số ý kiến phê bình là mạng lưới tuyến xe buýt hiện nay của TPHCM chưa thật hợp lý, còn trùng lắp. Sở GTVT sẽ chấn chỉnh bất cập này ra sao?

- TPHCM hiện có 16 đoạn đường có nhiều hơn 10 tuyến xe buýt đi qua như Trường Chinh, đường Hoàng Văn Thụ, đường Hùng Vương… Tuy nhiên, việc trùng lắp này không phải là hết tuyến đường mà chỉ xảy ra trên một đoạn ngắn của tuyến đường ấy. Thường các đoạn trùng lắp chỉ dài 200-500m, cá biệt có một đoạn trên đường Bạch Đằng dài khoảng 1,4km. Tại sao có sự trùng lắp này? Trước hết là do mạng lưới đường của TP. Mạng lưới đường của TPHCM hiện nay phân bổ theo hình quạt, nên mạng lưới tuyến xe buýt cũng được hình thành tương ứng với các nan quạt là các tuyến hướng tâm.

Do đó, tất yếu trên các trục đường chính, nhất là nơi giao nhau giữa các đường, nơi ra vào các bến xe trung tâm các tuyến xe buýt phải trùng nhau. Đó là chưa kể TP có nhiều tuyến đường rất nhỏ, nhiều tuyến đường bắt buộc chỉ cho lưu thông một chiều để chống ùn tắc giao thông nên các tuyến xe buýt cũng buộc phải gom lại cho chạy chung trên những đoạn, tuyến một chiều. Sở GTVT đang phối hợp Sở TN-MT và các quận, huyện tìm quỹ đất để làm bến bãi, trạm dừng, nhà chờ xe buýt.

Theo SGGP Online