Ông Tất Thành Cang: Không có xe Buýt, Tp. Hồ Chí Minh sẽ thiệt hại 2.000 tỷ đồng/năm

12/12/2013
: 9103

     Trong 5 năm qua thành phố trợ giá cho hoạt động xe Bus là 3.500 tỷ đồng, riêng năm 2013 gần 1.400 tỷ đồng.

Ông Tất Thành Cang: Không có xe Buýt, Tp. Hồ Chí Minh sẽ thiệt hại 2.000 tỷ đồng/năm

     Trả lời chất vấn của Đại biểu sáng ngày 11/12/2013 tại kỳ họp thứ 12 Hội đồng Nhân dân khóa VIII về trợ giá cho hoạt động xe Buýt thành phố có gây ra lãng phí, đạt hiệu quả như thế nào, ông Tất Thành Cang – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh cho biết: 

     Trợ giá xe Buýt được đặt ra trên cơ sở Thành phố muốn thu hút người dân đi lại bằng phương tiện công cộng. Trợ giá thực hiện khi có sự chênh lệch do giá nhiên liệu tăng, giá nhân công tăng nhưng khi xem xét tình hình kinh tế xã hội chung, chúng ta không điều chỉnh giá vé đi xe Buýt theo sự biến động giá của nhiên liệu và nhân công. 

     Năm 2002, toàn thành phố chỉ có 32 triệu lượt khách đi xe Buýt, nhưng đến năm 2013, lượt khách đi xe Buýt đạt khoảng 400 triệu lượt/năm, tức tăng hơn 11 lần. Xét về hiệu quả, nếu như hàng triệu lượt người đó không đi xe Buýt, thành phố sẽ có trên 500.000 xe gắn máy lưu thông mỗi ngày. Điều này đồng nghĩa nếu thêm 500.000 xe gắn máy này lưu thông sẽ gây ách tắc giao thông trong thành phố. 

     Ông Tất Thành Can cũng dẫn kết quả nghiên cứu của TS. Phạm Xuân Mai, rằng: nếu 1 năm ở đô thị lớn như Tp.Hồ Chí Minh, việc ô nhiễm môi trường do khí thải từ xe gắn máy và kẹt xe dẫn đến thiệt hại kinh tế cho Thành phố đến 1 tỷ USD. Riêng 500.000 xe gắn máy trên nếu lưu thông sẽ gây thiệt hại cho Thành phố khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.

     Nhìn về dài hạn, ở một đô thị nhất thiết phải phát triển giao thông công cộng mạnh nhằm giải quyết được bài toán đi lại, ùn tắc giao thông, tai nạn. Thành phố đã có chương trình hành động. Tuy nhiên chương trình xe Buýt vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập từ nguồn trợ giá.

     Bất cập do: tổ chức luồng tuyến chưa hợp lý (trùng, thiếu xe …); chưa ứng dụng công nghệ thông tin, và quản trị hiện đại để quản lý điều hành xe. Lượt khách đã tăng, số xe tăng nhưng phương pháp quản lý 10 năm qua gần như không thay đổi. 

Những bất cập trên đã gây ra lãng phí cho thành phố. 

     Theo ông Tất Thành Cang để xe Buýt thành phố đảm bảo hoạt động hợp lý, phát huy hiệu quả, hỗ trợ người dân tốt hơn, tới đây Sở GTVT thành phố sẽ :

(i) Xác lập lại sự phối hợp của Sở với 24 quận huyện trong việc khảo sát tổ chức luồng tuyến xe Buýt. Trên cơ sở đó xác định các vị trí điểm dừng, đậu, nhà chờ; và tìm, xác định vị trí đất trống khoảng 500 – 1.000m2 để làm điểm đậu, diểm dừng cuối tuyến. 

(ii) Rà soát đưa vào quy hoạch diện tích đất giao thông tĩnh  - cần 1.000 hecta, riêng xe Buýt cần 270 hecta. Nhưng hiện Thành phố chỉ có 76 hecta để phục vụ giao thông trong đó 9,6 hecta cho xe Buýt (bến bãi kỹ thuật phục vụ xe Buýt).

(iii) Sẽ chấn chỉnh lại tình trạng nhếch nhác của xe Buýt, cũng như thái độ phục vụ của nhân viên trên xe. 

Về lâu dài Thành phố sẽ đầu tư công nghệ thông tin để quản lý xe Buýt. 

     Ngoài ra, thành phố phát triển hệ thống Metro, xe Buýt nhanh (tuyến dọc Đại lộ Võ Văn Kiệt, Tuyến Bến Thành – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – An Sương).  

Theo Trí Thức trẻ