Thị trường ôtô Việt Nam thời gian gần đây đã có những tín hiệu tích cực song nếu suy xét kỹ thì vẫn chưa thể vội mừng.
“Tia nắng” đầu tiên bắt đầu xuất hiện vào tháng 6 với mức sản lượng bán hàng ôtô trong nước đạt 5.858 chiếc, nhích nhẹ 2% so với tháng liền kề trước đó. Tháng 7, sự kỳ vọng lớn thêm khi tiếp tục nâng tỷ lệ tăng sản lượng bán hàng giữa hai tháng gối nhau lên mức 15%.
Sở dĩ coi đây là một tín hiệu mừng là bởi trong suốt nửa đầu năm, sản lượng bán hàng ôtô trong nước đã liên tục phải chịu sự sụt giảm mạnh.
Nhìn tổng thể, sự hồi phục của thị trường cũng khá rõ ràng khi nhìn vào các con số do Tổng cục Thống kê công bố.
Cụ thể, chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp sản xuất xe có động cơ nửa đầu năm 2012 đã tăng đến 70,3%. Trong khi đó, chỉ số tồn kho của ngành này tại thời điểm 1/7/2012 cũng chỉ tăng ở mức 9,4%, tức thấp hơn rất nhiều so với tăng chỉ số tiêu thụ. Đáng chú ý là trước đó một tháng, chỉ số tiêu thụ của ngành thậm chí sụt giảm 5,3% còn chỉ số tồn kho ở mức rất cao là 116,7%.
Chưa kể, sự “úp mở” về khả năng phải vài ba năm nữa mới có thể thu các loại phí ôtô mới mà Bộ Giao thông Vận tải nhắc đến trong một văn bản gửi Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), cũng được xem như một “liệu pháp tâm lý” giúp sức mua trở nên sáng sủa hơn.
“Dự báo sản lượng toàn ngành ôtô năm 2012 sẽ đạt khoảng 95.000 chiếc, với hy vọng kết quả kinh doanh của nửa cuối năm sẽ tốt hơn nửa đầu năm”, ông Laurent Charpentier, Chủ tịch VAMA nhận định. Cần nhớ là trước đó, chính VAMA đã đưa ra con số dự báo tổng dung lượng thị trường năm nay thấp hơn khá nhiều, vào khoảng 80.000 chiếc.
Thời điểm này, các hãng ôtô cũng đang gấp rút chuẩn bị “bung sức” cho giai đoạn sôi động cuối năm mà “bản lề” chính là sự kiện Vietnam Motor Show 2012 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 9.
Với sự trở lại của 3 thành viên VAMA là Ford, Mitsubishi, Vinaxuki và đặc biệt là lần đầu tiên có sự góp mặt của 6 nhà nhập khẩu chính hãng, Vietnam Motor Show 2012 được dự báo là kỳ triển lãm ôtô lớn nhất, đồng thời cũng phong phú, đa dạng nhất từ trước tới nay. Qua đó, sự kiện này được kỳ vọng sẽ tạo nên một cú hích lớn cho thị trường.
Đại diện nhiều hãng xe tiết lộ, ngay trong khuôn khổ triển lãm, một loạt chương trình khuyến mãi, kích cầu lớn và quan trọng hơn nữa là rất nhiều mẫu xe mới sẽ được tung ra nhằm làm nóng sức mua, xua tan “màn sương mù” che phủ thị trường thời gian qua.
Kỳ vọng là thế, song cũng có nhiều ý kiến cho rằng chưa nên vội mừng. Bởi cho đến lúc này, những tác động cơ bản khiến thị trường rơi vào cảnh ảm đạm hầu như vẫn còn nguyên giá trị.
Trước hết là tình hình khó khăn chung của nền kinh tế vẫn chưa thực sự được cải thiện, các doanh nghiệp, cá nhân vẫn đang trong giai đoạn thắt chặt chi tiêu, nhất là chi tiêu vào những sản phẩm “xa xỉ” như ôtô.
Kế đến là bài toán tâm lý thu phí vẫn chưa có lời giải. Thực tế, sự úp mở về thời điểm thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân của Bộ Giao thông Vận tải vẫn chỉ là... úp mở bởi nó hoàn toàn có thể được thực hiện ngay cuối năm nay hoặc đầu năm sau, có thể vài ba năm nữa mới thu hay thậm chí sẽ không bao giờ thu. Vì vậy, người tiêu dùng ôtô vẫn tiếp tục chờ đợi.
“Bên cạnh tình hình kinh tế khó khăn thì chính sách thuế, phí không ổn định cũng là nguyên nhân gây ra tâm lý chờ đợi của khách hàng. Do đó, dự đoán năm nay sẽ là một năm “cực khó” đối với các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô”, ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam chia sẻ.
Quay về với các con số, nếu như cách đây một tháng các chỉ số liên quan đến ngành công nghiệp ôtô được Tổng cục Thống kê công bố chứa đựng nhiều tín hiệu mừng thì mới đây, các chỉ số này đã không còn mấy tích cực nữa.
Cụ thể, Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số sản xuất của ngành sản xuất xe có động cơ 8 tháng năm 2012 đã giảm 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái; chỉ số tiêu thụ còn có mức sụt giảm lớn hơn khi âm 23,3%; trong khi đó, chỉ số tồn kho lại tăng 11,1%.
Theo VnEconomy