Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2012 đã có tổng cộng 27.400 ôtô nguyên chiếc được nhập khẩu về Việt Nam, đạt giá trị kim ngạch 616,7 triệu USD. So với năm 2011, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc giảm 49,8% về lượng và giảm 40% về giá trị.
Đáng chú ý là khi nhìn từ góc độ nguồn gốc, xuất xứ sẽ thấy nổi lên mấy điểm nhấn.
Tại văn bản thông báo về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 12/2012 và cả năm 2012, Tổng cục Hải quan đã tách thành 3 thị trường chính đối với mặt hàng ôtô nguyên chiếc, gồm Hàn Quốc, Trung Quốc và phần còn lại.
Trong đó, dễ nhận thấy là các loại ôtô xuất xứ từ Hàn Quốc đã chiếm thế áp đảo cả về lượng lẫn giá trị trong kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc vào thị trường Việt Nam năm qua. Thậm chí nếu chỉ tính trên số lượng, một mình Hàn Quốc cũng đã vượt qua tất cả các phần còn lại, trừ Trung Quốc.
Cụ thể, lượng xe nhập khẩu từ Hàn Quốc năm qua đạt 11.800 chiếc, lượng xe nhập khẩu từ Trung Quốc là 3.900 chiếc và toàn bộ các thị trường khác cộng lại là 11.700 chiếc.
Cũng xét về số lượng thì Hàn Quốc còn vượt cả Trung Quốc và các thị trường khác về phân khúc xe chở người dưới 10 chỗ ngồi khi đạt đến 8.300 chiếc trên tổng số 16.200 chiếc của toàn thị trường.
Thực tế vài năm trở lại đây, tại thị trường ôtô du lịch Việt Nam, các thương hiệu ôtô Hàn Quốc đã nổi lên thành một đối trọng lớn nhất để cạnh tranh với ôtô Nhật Bản hay Mỹ. Nếu như có phần thua kém khi xét trong phân mảng xe sản xuất, lắp ráp trong nước do Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) chi phối thì ở thị trường xe nhập khẩu, các loại xe Hàn Quốc gần như áp đảo hoàn toàn về số lượng. Ngoài hai thương hiệu Hyundai và Kia, hiện khá nhiều loại ôtô khác mang các thương hiệu khác cũng được sản xuất tại Hàn Quốc và được tính cho Hàn Quốc về xuất xứ.
Có lẽ bên cạnh Hàn Quốc, sở dĩ Tổng cục Hải quan tách thêm Trung Quốc ra thành một thị trường riêng mặc dù số lượng không lớn là bởi sự khác biệt hoàn toàn về giá trị.
Năm 2012, tổng lượng xe nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ dừng ở mức 3.900 xe song giá trị kim ngạch lại đạt đến 149,5 triệu USD, chỉ kém Hàn Quốc vẻn vẹn 5,2 triệu USD, đồng thời cũng chiếm đến 1/4 tổng giá trị kim ngạch của toàn thị trường.
Tại sao trong khi số lượng thấp mà giá trị kim ngạch lại lớn như vậy? Câu trả lời nằm ở phân khúc xe tải.
Cũng theo thống kê của Tổng cục Hải quan, các loại xe tải đã chiếm đến gần 3/4 tổng lượng xe nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáng chú ý là các loại xe nhập khẩu từ quốc gia này chủ yếu là xe tải hạng nặng, xe tải dùng trong công trường... có giá trị rất lớn. Ngoài Trung Quốc, Nga hay Ukraine, xe tải nhập khẩu từ các thị trường khác chủ yếu là xe tải hạng nhẹ.
Theo VnEconomy
Lượng nhập khẩu ôtô các loại theo thị trường (Đơn vị tính: chiếc) |
|||
Thị trường | Loại xe | Năm 2011 | Năm 2012 |
Hàn Quốc | Dưới 10 chỗ | 18.000 | 8.300 |
Xe tải | 5.700 | 2.700 | |
Loại khác | 1.300 | 800 | |
Trên 9 chỗ | 200 | 100 | |
Tổng | 25.000 | 11.800 | |
Trung Quốc | Dưới 10 chỗ | ||
Xe tải | 4.200 | 2.800 | |
Loại khác | 900 | 800 | |
Trên 9 chỗ | 400 | 300 | |
Tổng | 5.500 | 3.900 | |
Các thị trường khác | Dưới 10 chỗ | 16.500 | 5.100 |
Xe tải | 6.200 | 4.400 | |
Loại khác | 1.400 | 2.100 | |
Trên 9 chỗ | 0 | 100 | |
Tổng | 24.100 | 11.700 | |
Tổng toàn thị trường | 54.600 | 27.400 | |
Nguồn: Tổng cục Hải quan |