Quy định cấm quảng cáo trên xe buýt của TP.HCM: Không phù hợp với pháp luật

05/08/2009
: 11742
Xe buýt mang biển số của tỉnh Đồng Nai có quảng cáo bên hông chạy trên đường phố TP.HCM (ảnh chụp sáng 4-8 trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh) - Ảnh: Chí Quốc

Chiều 4-8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà cho biết UBND TP đã nhận được văn bản của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch nêu một số ý kiến đề cập quyết định 39 về quy định hoạt động quảng cáo ở TP.HCM. Ngay sau đó, bà đã yêu cầu Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP chủ trì cùng các sở - ngành liên quan có ý kiến tham mưu, trình UBND TP xem xét lại một số vấn đề của quyết định này.

Cũng trong ngày 4-8, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP đã chủ trì bàn thảo những nội dung liên quan đến quyết định 39, kể cả những nội dung được đề cập tại văn bản của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch. Các ý kiến tại cuộc họp sẽ được báo cáo UBND TP xem xét.

“Cấm là chưa phù hợp”

Tại văn bản gửi UBND TP.HCM, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cho biết sau khi xem xét quyết định 39 của UBND TP, bộ cho rằng quy định “cấm quảng cáo trên các mặt bên ngoài phương tiện giao thông, phương tiện vận tải” của UBND TP là chưa phù hợp với các quy định hiện hành. Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch còn viện một số điều luật và các quy định khác để khẳng định loại hình quảng cáo trên các phương tiện giao thông là được phép.

Phân tích thêm một số nội dung liên quan đến quyết định 39 của UBND TP, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch còn cho rằng quy định về hồ sơ xin phép quảng cáo phải có “bản sao hợp đồng dịch vụ quảng cáo, bản sao hợp đồng thuê phương tiện quảng cáo” cũng chưa phù hợp với quy định về cấp giấy phép thực hiện quảng cáo một cửa liên thông đã được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng và ban hành từ tháng 2-2007.

Với lý do đảm bảo thống nhất của các quy định về quảng cáo cũng như cải cách thủ tục hành chính, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đề nghị UBND TP xem xét sửa đổi, bổ sung những điểm chưa phù hợp tại quy định về hoạt động quảng cáo ở TP.

Mỗi năm “bỏ” khoảng 100 tỉ đồng

Năm 2008, Sở Giao thông vận tải TP đã làm đề án quảng cáo thương mại ngoài thân xe buýt. Theo đó, tất cả xe buýt, kể cả các xe đang hoạt động trên các tuyến không trợ giá, xe hỗ trợ người khuyết tật và xe hai tầng đều được tham gia quảng cáo. Vị trí quảng cáo là trên phần sơn hai bên vỏ thân xe buýt (kể cả phần cửa xe, trừ phần vị trí sử dụng để thông tin về xe buýt). Tại thời điểm đó, TP có 153 tuyến xe buýt với hơn 2.360 xe. Mức giá cho thuê quảng cáo cho các loại xe buýt từ 2.000-3.000 USD/xe/năm (tương đương 33-50 triệu đồng/xe/năm). Nếu cho quảng cáo trên xe buýt, mỗi năm TP thu về hơn 100 tỉ đồng.

Tuy nhiên, cuối năm 2008 Phó chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài kết luận: tạm thời chưa thông qua đề án tổ chức cho thuê quảng cáo bên ngoài thành xe buýt trên địa bàn TP. Khi quyết định 39 ra đời, UBND TP vẫn tiếp tục cấm quảng cáo trên xe buýt.

Ông Đỗ Kim Dũng - phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo VN - nói nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore... đều cho phép quảng cáo trên xe buýt, thêm vào đó pháp lệnh quảng cáo, các nghị định của Chính phủ, các tỉnh thành khác đều không cấm quảng cáo trên xe buýt nhưng không hiểu sao TP.HCM lại cấm. Ông Dũng còn thắc mắc: TP cho rằng cấm quảng cáo trên xe buýt để đảm bảo mỹ quan và an toàn giao thông, vậy nhiều năm qua ta cấm thì an toàn giao thông và mỹ quan đô thị có tốt hơn không? Đồng tình với ý kiến này, tiến sĩ Phạm Xuân Mai - khoa kỹ thuật giao thông Đại học Bách khoa TP.HCM, người đã nhiều năm nghiên cứu giao thông TP và đang nghiên cứu dự án tổ chức lại hệ thống mạng lưới luồng tuyến xe buýt TP - cũng cho rằng “không lý gì tại TP.HCM việc quảng cáo trên xe buýt lại không được thực hiện”.

Theo ông Dũng, mặt bằng chung giá quảng cáo trên xe buýt hiện từ 2.000-4.000 USD/xe/năm, tiền thu được từ hoạt động này sẽ nộp vào ngân sách nhà nước để bù đắp tiền trợ giá. Với ý kiến cho rằng cần làm rõ số tiền 100 tỉ đồng thu được từ quảng cáo, tiến sĩ Mai nói: “Theo nghiên cứu và tính toán, nếu quảng cáo trên 3.000 xe buýt, số tiền TP thu được từ quảng cáo sẽ từ 120-150 tỉ đồng/năm. Cho dù số tiền này TP không thể giữ lại hết vì phải phân chia lợi nhuận cho các đơn vị công ty, hợp tác xã và phí quản lý thì cũng không thể phủ nhận đây là số tiền sẽ góp phần giảm ngân sách trợ giá (xe buýt) cho TP”.

Q.THANH - C.QUỐC - N.HẬU (Theo Báo Tuổi Trẻ)

“Thấy sai phải lên tiếng”

Trả lời PV Tuổi Trẻ về văn bản “huýt còi” của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, bà NINH THỊ THU HƯƠNG - trưởng phòng quản lý quảng cáo (Cục Văn hóa thông tin cơ sở), người soạn thảo văn bản này - nói:

- Tháng 7-2009, chúng tôi đọc quyết định 39 của UBND TP.HCM về việc ban hành quy định về hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP. Trước đó, chúng tôi không nhận được văn bản xin ý kiến về quyết định này. Sau khi đọc văn bản, chúng tôi đã rà soát rất kỹ và thấy có mấy điểm không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Thứ nhất, văn bản cao nhất là pháp lệnh quảng cáo, sau đó nghị định 24/2003 của Chính phủ quy định chi tiết pháp lệnh quảng cáo đều nêu rõ được phép quảng cáo trên các phương tiện giao thông. Xe buýt, taxi cũng là phương tiện giao thông, đương nhiên phải được phép quảng cáo sau khi đã xin phép và được cấp phép.

Thứ hai, việc quy định hồ sơ xin giấy phép thực hiện quảng cáo phải có kèm hợp đồng dịch vụ quảng cáo. Điều này vi phạm quyền của doanh nghiệp là quyền được giữ bí mật doanh nghiệp.

* Nhưng thưa bà, nghị định 24 cũng quy định sở VH-TT&DL là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép cho các nội dung quảng cáo trên các phương tiện giao thông, như vậy cũng có nghĩa là cơ quan chức năng ở địa phương có quyền cấp hoặc không cấp?

- Không thể hiểu văn bản pháp lý như vậy được. Pháp lệnh đã quy định phải cấp giấy phép là phải cấp giấy phép. Sở chỉ có quyền kiểm tra xem các điều kiện cần thiết để cấp phép đã đầy đủ hay chưa, nếu kiểm tra đủ điều kiện thì phải cấp phép. Chúng tôi đã gửi văn bản cho Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp để kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp trong quyết định của TP.HCM. Và kết quả rõ ràng là nó không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Chúng tôi thấy sai thì phải lên tiếng. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về chính quyền TP.

* Thưa bà, hiện có địa phương nào trong cả nước có quy định như TP.HCM hay không? Bà thấy việc quản lý quảng cáo trên các phương tiện giao thông có khả thi hay không?

- Cả nước chẳng có nơi nào cấm quảng cáo trên phương tiện công cộng như TP.HCM. Quảng cáo trên phương tiện giao thông công cộng là điều mà cả thế giới làm từ lâu rồi. Quản lý có khó không ư? Không khó chút nào: đã có quy định cấm quảng cáo mặt tiền và sau xe, tỉ lệ thích hợp là không được quá 50%, không ảnh hưởng tầm nhìn, không vi phạm an toàn giao thông, không mất mỹ quan, không ảnh hưởng thuần phong mỹ tục. Quy định có rồi, chế tài có rồi thì cứ thế mà làm. Quảng cáo trên xe buýt thì mới có tiền đầu tư phương tiện công cộng mới hơn, đẹp hơn, an toàn hơn, vé xe cũng rẻ hơn mà Nhà nước không tốn tiền ngân sách trợ giá. Cứ nhìn xe buýt ở Hà Nội và TP.HCM thì rõ: xe buýt Hà Nội đẹp hơn hẳn, mới hơn và giá cũng rẻ hơn.

Tôi không hiểu vì sao TP.HCM lại đưa ra quy định này, đến giờ này Bộ VH-TT&DL cũng chưa nhận được phản hồi của TP về văn bản mà chúng tôi đã gửi.

THU HÀ thực hiện