TP.HCM: tắc hai phương án nâng cấp xe buýt

14/12/2010
: 16341

TP.HCM đã đề ra hai giải pháp cơ bản để nâng chất và làm đẹp hình ảnh xe buýt trong mắt hành khách như thay xe buýt B80 (80 chỗ ngồi, đứng) bằng B40 nhỏ hơn để phù hợp với các con đường chật và đông trong nội thành; thay thế xe buýt chạy dầu diesel sang chạy khí nén thiên nhiên (nhiên liệu sạch).

Mỗi giải pháp như vậy thành phố đều giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại hai chủ trương trên gần như giậm chân tại chỗ. Dàn xe buýt hiện tại đang tiến nhanh vào giai đoạn rệu rã và sản lượng hành khách có dấu hiệu giảm nhanh, và kẹt đường do xe buýt thì ngày một nghiêm trọng.

Buýt nhỏ nằm kho

Cuối tháng 3.2009, sản phẩm xe buýt cỡ nhỏ B40 của tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) chính thức ra mắt và ngay lập tức UBND thành phố giao cho sở Giao thông vận tải lập đề án chuyển đổi.

Từ đó đến nay đã hơn một năm rưỡi nhưng trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị ngày 12.12, ông Lê Văn Pha, phó tổng giám đốc công ty Samco cho biết, đến giờ đề án chuyển đổi vẫn chưa được thông qua và thời gian nào được thông qua thì không thể biết được. Do vậy, xe buýt B40 của Samco vẫn chưa có lối ra ở thị trường TP.HCM, trong khi loại xe buýt này đã được tiêu thụ ở thị trường phía Bắc, miền Trung và các tỉnh lân cận.

Nói về nhu cầu, ông Trần Đăng Tạo, phó chủ nhiệm hợp tác xã vận tải số 15, một trong những hợp tác xã xe buýt ở TP.HCM, khẳng định: “Chúng tôi rất muốn mua xe buýt B40 để thay thế xe cũ nhưng tới nay những việc như hỗ trợ vay ưu đãi, hay cách thức chuyển đổi,… lại chưa rõ ràng”.

Cách đây hai năm, tại nhiều cuộc hội thảo liên quan đến vấn đề vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt đã có nhiều chuyên gia giao thông chỉ ra sự bất cập giữa xe buýt khổ lớn với cấu trúc đường sá trong nội thành khiến việc tắc đường giờ cao điểm ngày càng trở nên nghiêm trọng. TP.HCM chỉ có khoảng 14% các tuyến đường đủ rộng để xe buýt B80 hoạt động nhưng số xe buýt B80 hiện chiếm tới 40% trong tổng số xe buýt ở TP.HCM.

 

Khách đi xe buýt giảm 10%

Theo ông Phùng Đăng Hải, giám đốc liên hiệp hợp tác xã vận tải TP.HCM, hiện toàn thành phố có đến hàng chục tuyến xe buýt khai thác không hiệu quả. Theo đó, sản lượng khai thác đang giảm đáng kể. Chỉ tính riêng chín tháng đầu năm 2010, số lượng hành khách đi xe của liên hiệp hợp tác xã vận tải TP.HCM đã giảm hơn 10% so với năm 2009. Thực tế này hoàn toàn trái ngược với chỉ tiêu năm 2010 mà thành phố đặt hàng cho hợp tác xã này phải tăng sản lượng lên 17 – 19% so với năm 2009.

 

Ngay cả những người điều hành xe buýt như ông Trần Đăng Tạo, ông Phùng Đăng Hải, giám đốc liên hiệp hợp tác xã vận tải TP.HCM (đơn vị có nhiều xe buýt nhất hiện nay) cũng thấy và bức xúc vì sự lãng phí, bất tiện của xe buýt B80 chạy trong nội thành. “Các tuyến đường nhỏ hẹp ở khu vực Bàu Cát như đường Ba Vân, Phạm Phú Thứ mà phải “chứa” các xe buýt B80 đúng là quá sức. Chỉ cần một xe buýt thôi thì không còn đường cho các phương tiện khác”, ông Hải nói.

Buýt sạch chưa có lời giải!

Tháng 5.2010, thành phố đã cho phép chạy thí điểm hai xe buýt nhiên liệu sạch loại B80 trên tuyến bến xe Miền Tây – ký túc xá đại học Quốc gia TP.HCM. Trong đó, một xe thuộc sở hữu liên hiệp hợp tác xã vận tải TP.HCM và một xe của công ty TNHH một thành viên xe khách Sài Gòn (thuộc Samco).

Theo nhận xét của ông Phùng Đăng Hải, xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch phát huy hiệu quả cao. Máy móc vận hành êm. Hầu như không có khói thải và nhiên liệu được đốt cháy triệt để, tiết kiệm chi phí nhiên liệu đầu vào khoảng 30% so với chạy bằng dầu diesel…

Và đầu tháng 6.2010, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương cho công ty xe khách Sài Gòn đầu tư 21 xe buýt loại sử dụng nhiên liệu sạch, đưa vào hoạt động thí điểm sáu tháng trên tuyến xe buýt số 1 (chợ Bến Thành – chợ Bình Tây), bằng nguồn vốn vay tại công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố. Theo đó, công ty xe khách Sài Gòn có trách nhiệm xây dựng đơn giá, mức trợ giá đối với loại xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch này để gửi sở Tài chính, sở Giao thông vận tải thẩm định, trình UBND TP.HCM phê duyệt cho thực hiện thí điểm.

Tuy nhiên, cũng như việc chuyển đổi xe buýt B80 sang B40, đến nay dù đã gần nửa năm trôi qua nhưng chủ trương đầu tư 21 xe buýt nhiên liệu sạch vẫn đang nằm trên giấy.

Ông Lê Văn Pha giải thích, sở dĩ đến nay chưa mua 21 xe buýt nhiên liệu sạch theo chủ trương của thành phố là do đơn vị ông đang tìm kiếm nguồn cung cấp xe buýt nhiên liệu sạch uy tín. Hơn nữa, công ty còn phải xem xét xin cơ chế trợ giá như thế nào, vì đầu tư xe buýt nhiên liệu sạch rất tốn kém nên phải cẩn trọng, không có cơ chế tốt thì không dám đầu tư; rồi phải tìm hiểu xem năng lực cung cấp khí của đơn vị cung cấp khí xem có đủ khả năng cung cấp khi xe buýt này phát triển với số lượng nhiều,… “Tất cả các vấn đề tôi vừa nêu trên hiện nay vẫn chưa có lời giải nên đành phải chờ”, ông Pha nói.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị