TPHCM: Nhận diện 6 ngành gặp nhiều khó khăn

24/04/2012
: 3366

UBND TPHCM cho biết hiện đang có 6 ngành nghề tại thành phố gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, gồm bất động sản, chế biến gỗ, cơ khí chế tạo, điện tử-công nghệ thông tin, dệt may da giày và hóa chất-cao su, nhựa.

Báo cáo với Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh trong buổi làm việc với UBND thành phố ngày 23-4, Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thành phố gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngưng sản xuất có chiều hướng gia tăng.

Khó chồng khó

Cụ thể đối với ngành gỗ, UBND thành phố cho rằng nguyên liệu đầu vào đã tăng đến 25% vào cuối năm 2011 và hiện chưa có dấu hiệu giảm trong quí 1-2012, lãi vay ngân hàng còn ở mức cao mặc dù đã giảm 1-2% trong thời gian gần đây, trong khi đó, lương, bảo hiểm, vận chuyển, phí cầu, cảng … đều tăng cao nên đưa giá thành tăng lên nhưng giá đầu ra chững lại, điều này khiến một số doanh nghiệp đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng.

Trong khi đó, đối với ngành sản xuất cơ khí chế tạo vốn dĩ lâu nay phần lớn doanh nghiệp sử dụng máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu… nay gặp phải khó khăn trong tiếp cận vốn lại càng khó khăn hơn, thị trường tiêu thụ bị cạnh tranh bởi hàng hóa nước ngoài, đặc biệt là hàng Trung Quốc.

Kiến nghị tại cuộc họp trên, ông Nguyễn Văn Thọ, Tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn (CNS) cho rằng, hiện CNS đang có hơn 10 công ty con, công ty liên kết đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn để ổn định sản xuất, thế nhưng theo cơ chế quy định hiện nay vẫn chưa cho phép công ty mẹ làm thay việc của ngân hàng là hỗ trợ cho vay vốn đối với công ty con.

Theo ông Thọ, tình trạng của CNS hiện nay giống như công ty mẹ đang có tiền, nhưng lại bó tay đứng nhìn công ty con đói vốn, đôi khi chỉ cần 50-60 tỉ đồng để mở rộng sản xuất, nhưng công ty con của CNS lại không thể vay được vốn từ ngân hàng và cũng không thể nhận hỗ trợ từ CNS sử dụng vốn nhà nước nên sản xuất càng gặp nhiều khó khăn.

Theo UBND thành phố, khó khăn về khả năng huy động vốn sản xuất cũng đang đè nặng trên vai nhiều doanh nghiệp ngành nhựa. Giống như các ngành khác, ngành nhựa đang phải đối mặt với việc giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khoảng 10-15% so với cuối năm 2011.

Cũng theo UBND thành phố, thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1-1-2012, tuy nhiên các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng bao bì gặp nhiều khó khăn do tiêu chuẩn đối với túi chịu thuế chưa rõ ràng, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp và các tổ chức không thống nhất trong việc áp thuế, có trường hợp bị áp thuế đến hai lần, khiến doanh nghiệp khó khăn, lúng túng trong sản xuất kinh doanh.

Tại cuộc họp, UBND thành phố cũng nêu ra những khó khăn đối các doanh nghiệp bất động sản, đều đang phải đương đầu với những khó khăn nghiêm trọng là thiếu vốn, không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, phải chịu lãi suất cao đến 24-25%/năm (chưa tính các chi phí khác). Điều này khiến cho hàng hóa bất động sản tồn kho rất lớn, và một số ngành nghề có liên quan đến thị trường bất động sản như xi măng, sắt thép, trang thiết bị nội thất… cũng bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến một lượng lớn lao động thất nghiệp.

Nhiều kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp

Với những khó khăn của thị trường bất động sản như trên, UBND kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát, phân loại nợ, cơ cấu lại các kỳ hạn trả nợ, tạo điều kiện tiếp tục cho vay vốn đối với các doanh nghiệp có dự án bất động sản sắp hoàn thành, có phương án kinh doanh đạt hiệu quả cao để tránh lãng phí xã hội, tạo việc làm cho người lao động và các doanh nghiệp cũng có điều kiện hoàn trả vốn vay ngân hàng.

Về chính sách thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất, UBND thành phố tiếp tục nêu kiến nghị gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2012 đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ (số thuế thu nhập được giảm trong năm 2012 ước khoảng 768 tỉ đồng).

Ngoài ra, để giảm bớt khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, UBND còn kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp có nợ thuế được nộp phân kỳ theo đề nghị và cam kết. Thời hạn nộp phân kỳ không quá 31-12-2012 và không bị phạt chậm nộp thuế trong thời hạn phân kỳ.

Nhiều mặt hàng sẽ tăng theo giá xăng dầu

Doanh nghiệp nhiều ngành nghề sản xuất khẳng định nỗ lực kìm giá sản phẩm giúp tăng sức mua đến nay đã vượt quá sức chịu đựng sau khi giá xăng vừa tăng thêm 900 đồng/lít. Từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng thêm 3.000 đồng/lít kéo theo khả năng hình thành một mặt bằng giá mới đối với nhiều mặt hàng.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, chi phí vận tải chiếm khoảng 3-5% trong giá thành sản xuất thép. Sau khi xăng tăng giá, hiệp hội đang gấp rút tổng hợp mức độ tác động của việc tăng giá vận tải, từ khâu vận chuyển nguyên liệu đến nhà máy cũng như vận chuyển sản phẩm thép đi tiêu thụ, theo đó họ sẽ tính toán lại giá thép bán ra thị trường trong vài ngày tới.

Còn các doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại TPHCM cũng đang nhấp nhổm tăng giá cước vận chuyển sau khi giá xăng dầu vừa tăng ngày 20-4 vừa qua.

ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty vận tải Minh Liên tại TPHCM cho rằng, sau khi xăng tăng giá bắt buộc doanh nghiệp vận tải phải tăng cước theo nếu không tăng doanh nghiệp phải bù lỗ chi phí xăng, dầu cho mỗi chuyến hàng. Đợt tăng giá xăng này công ty ông dự tính sẽ tăng thêm 3% cước vận chuyển.

Còn về phía các doanh nghiệp vận tải taxi, một số hãng taxi tại TPHCM đã thông báo với hiệp hội về việc tăng giá cước. Theo đó, sau khi xăng tăng thêm 900 đồng/lít, hãng Taxi Mai Linh sẽ tăng thêm 500 đồng/km.

Theo TBKT Saigon