Văn hóa của hành khách đi xe buýt

07/05/2011
: 21167

Báo chí, phương tiện truyền thông, và các diễn đàn tranh luận tại Việt Nam trong mấy năm gần đây phê phán và ý kiến quá nhiều về xe buýt mà phần lớn hướng vào tài xế và tiếp viên xe buýt. Tất nhiên, khi người ta bỏ tiền để người ta sử dụng dịch vụ thì việc đòi hỏi một dịch vụ có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của mình là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu Văn minh xe buýt thì thái độ và hành vi không đến từ một phía, mà hành khách đi xe buýt đóng một vai trò rất quan trọng.


Nhà văn Nam Cao từng nói rằng khi nhìn người ta bằng con mắt kinh bỉ thì sẽ làm người ta xấu đi một cách tệ hại, cái nhìn về xe buýt cũng vậy, không phải tất cả các tài xế hay phụ xe trên xe buýt để là những người kém văn minh, những người cộc cằn và thô lỗ. Họ, những người biết vươn lên trong cuộc sống và đang nuôi mấy miệng ăn trong gia đình, phần lớn xuất thân từ những anh chàng xe ôm, bảo vệ, rớt tốt nghiệp, người thất nghiệp triền miên…với một bằng lái xe 52 chổ, cộng với khóa huấn luyện và một thời gian thực tập theo xe là họ làm việc; điều đó có nghĩa rằng xuất phát điểm về trình độ văn hóa của họ thấp. Và tất nhiên họ lĩnh mức lương thấp với áp lực công việc hằng ngày là rất lớn, từ sợ thiếu giờ, kẹt xe, đường phố Việt Nam thì nhỏ mà loại xe lớn, chen chúc cùng xe đạp, xe máy, ô tô và đối diện với mấy chục hàng khách luôn thường trực trên xe… nên việc đôi lúc họ cau có, đôi lúc họ khó chịu là lẽ thường, bởi đơn giản họ cũng chỉ là một con người, một con người bận rộn và có phần vất vả hơn người khác.


Trước khi hành khách đi xe buýt phê phán và ý kiến về thái độ và cung cách phục vụ của xe buýt thì xin hãy tự trả lời những câu hỏi cho chính mình: Khi có người già, trẻ nhỏ lên xe buýt thì mình có tự động đứng lên nhường chỗhay không hay giả vờ ngủ, ngó lơ sang chỗ khác hoặc đọc sách? Khi phát hiện có cướp giật, móc túi trên xe buýt thì thái độ phản ứng của mình thế nào? Tài xế hay phụ xe có thái độ không tốt thì có bao giờ mình gọi điện cho đơn vị quản lý của họ để phản ánh hay không hay sợ mất 1.500đ tiền điện thoại? Khi mình và bạn bè nói chuyện hoặc trả lời điện thoại thì có bao giờ nghĩ rằng giọng của mình không được nhỏ nhẹ hay không? Bạn ăn bánh mỳ trên xe buýt bạn có biết rằng mùì thịt/ trứng ở trên xe có máy lạnh sẽ khó chịu lắm không? Xe buýt phục vụ cho cả chục hành khách mỗi chuyến thì chỉ vì một chiếc xe máy (chỉ phục vụ cho một người) làm cản đường thì nếu mình là tài xế thì mình có bực bội hay không? Có bao giờ mình mời tiếp viên một cây xi-gum hay cảm ơn vì thấy anh / cô này phục vụ tốt chưa?


Tôi đã đi xe buýt suốt 4 năm Đại Học và giờ đã đi làm có tiền nhiều nhưng cũng đi xe buýt vào cuối tuần long rong trong thành phố, với chỉ vài ngàn đồng cũng có thể chu du xã hơi. Tôi cũng từng phản ứng với thái độ của phụ xe, từng bị xe buýt bỏ trạm, từng không nhường ghế cho người tàn tật (vì không biết anh ta là người khiếm thị)…; nhưng cách phản ứng của tôi khác, khác với cách phản ứng bình thường là chỉ phê phán và ý kiến một cách tự phát. Tôi từng nhận các Thư cảm ơn từ Trung Tâm Quản Lí và Điều Hành Vận Tải Hành Khách Công Cộng, thuộc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cảm ơn vì đã cung cấp thông tin, trình bày về việc xử phạt đối với tài xế vi phạm và tất nhiên sẽ có khoản tiền thưởng mà tôi nghĩ với các bạn sinh viên, khoản tiền này có thể ăn sáng được hơn nữa tháng. Như vậy, nếu xét dưới góc độ thực tế thì việc cầm điện thoại lên gọi vào số của đơn vị chủ quản (hầu hết các xe buýt đều ghi đường dây cung cấp thông tin này) thì vừa xả được cơn bực mình, vừa có tiền lại vừa đóng góp một phần cho sự văn minh xe buýt, đồng nghĩa với việc đóng góp cho sự văn minh của đô thị, của xã hội.

Tóm lại, thiết nghĩ cũng chỉ là một các phản ứng với cái sai, cái xấu của xe buýt mà thể hiện hành khách có là hành khách xe buýt văn minh hay chỉ là một người đi xe buýt thích phê phán người, phê phán đời. Tôi cũng đang nghĩ, tại sao tôi chưa bao giờ gọi điện cho Trung Tâm phản ánh rằng tài xế X, phụ xe Y phục vụ chu đáo quá, tận tình quá dù không ít lần tôi gặp chuyện này?

 

Theo Saga.vn