Vượt qua bất ổn kinh tế: 6 đề xuất cụ thể

30/10/2008
: 12334

     Có mặt tại hội thảo “Khủng hoảng tài chính quốc tế: Ứng xử của của ngành ngân hàng, tài chính, xuất nhập khẩu và doanh nghiệp Việt Nam” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại Tp.HCM ngày 28/10 vừa qua, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy đã đưa ra những quan điểm đáng chú ý về phương cách khắc phục những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước hiện nay. VnEconomy xin giới thiệu nội dung chính bài tham luận của ông tại hội thảo này.

     Sự bất ổn của kinh tế Việt Nam thời gian qua (lạm phát cao, thâm hụt thương mại lớn, thị trường tiền tệ - tài chính chao đảo) đã khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong môi trường đầy biến động, không dự báo được, không thể sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.


     Nhiều doanh nghiệp thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp, phải thu hẹp sản xuất kinh doanh. Một số không ít bị đóng cửa, phá sản hoặc tạm ngừng kinh doanh để chờ thời.

     Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa - dịch vụ thông thường, mà cả các doanh nghiệp là tổ chức tài chính, như các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm… cũng gặp những khó khăn lớn.

     Khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế thế giới đang lan rộng và tác động xấu đến tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Cuộc khủng hoảng này cộng hưởng với những bất ổn vĩ mô và suy giảm sản xuất kinh doanh trong nước, đang và sẽ đặt ra những khó khăn ngày càng lớn cho doanh nghiệp.

     Những dấu hiệu được cảnh báo những ngày gần đây càng bộc lộ rõ, như xuất khẩu khó khăn; khan hiếm dần nguồn vốn ngoại, tỉ giá USD tăng; doanh nghiệp không mặn mà vay vốn ngân hàng, mặc dù lãi suất giảm (tuy vẫn còn cao) vì không chọn được phương án kinh doanh trước quá nhiều bất ổn bên trong và bên ngoài…

     Bên cạnh việc phát huy tính năng động, nghệ thuật quản lý điều hành của doanh nghiệp để chèo lái con thuyền kinh doanh vượt qua giông bão; bên cạnh sự trợ giúp cụ thể, trực tiếp của Chính phủ cho từng lĩnh vực, từng ngành hàng trong chừng mực khả năng cho phép, thì điều cơ bản là Nhà nước phải có những quyết sách điều hành vĩ mô kịp thời, đúng đắn, để xử lý những đột biến xấu, vượt ra ngoài khả năng ứng phó của từng doanh nghiệp.

     Để đạt được mục tiêu này, người viết xin có một số đề xuất cụ thể như sau:

     Thứ nhất, phải coi việc ngăn ngừa chiều hướng đình trệ sản xuất, kinh doanh - do cộng hưởng của suy thoái kinh tế thế giới với sự suy giảm đà tăng trưởng trong nước - là nhiệm vụ trung tâm đột xuất của những tháng cuối năm 2008 và trong cả năm 2009.

     Kiểm soát lạm phát vẫn là nhiệm vụ ưu tiên, hiểu theo nghĩa nguy cơ tái diễn lạm phát cao vẫn thường trực và rất dễ bộc phát trở lại, nếu chúng ta mất cảnh giác và không tiếp tục xử lý tận gốc nguyên nhân sâu xa của lạm phát là “chạy theo tố độ tăng trưởng cao bằng cách mở rộng nguồn lực đầu tư không tương xứng với nâng cao hiệu quả, dẫn đến sức ép nới lỏng chính sách tài khóa và chính cách tiền tệ”.

     Song, không thể không thấy rằng để có sự điều chỉnh sâu về kinh tế và tạo nên chuyển biến thực sự cần phải có thời gian, trong khi đó thì một mặt cơn sốt lạm phát đã giảm, mặt khác thì nền kinh tế đang có triệu chứng đình đốn cục bộ, và triệu chứng này có khả năng lan tỏa dưới tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới.

     Đã đến lúc không cần và không nên cho nền kinh tế uống thuốc “giảm sốt lạm phát” như vừa qua, mà nên áp dụng một phác đồ điều trị cơ bản hơn, lâu dài hơn. Ngăn chặn nguy cơ đình đốn kinh tế là nhằm bồi bổ sức khỏe để giúp cơ thể kinh tế có khả năng chịu đựng và hấp thu những liều thuốc đặc trị, để hoàn toàn bình phục và phát triển bền vững.

     Thứ hai, cần củng cố lòng tin và tăng cường khả năng “chống đỡ giông bão” của hệ thống các tổ chức tài chính mà trụ cột là hệ thống ngân hàng.

     Cần tiếp tục quan tâm bảo đảm vững chắc khả năng thanh khoản, song phải chú trọng nhiều hơn đến việc củng cố và tăng cường khả năng thanh toán của từng tổ chức tín dụng. Năng lực tài chính bị suy yếu do những khó khăng trong kinh doanh, nhất là chi phí vốn quá cao so với “trần lãi suất” đang làm cho không ít ngân hàng thương mại thua lỗ. Nợ xấu đang và sẽ tăng lên sẽ làm cho bản cân đối tài khoản ngân hàng xấu đi. Thị trường bất động sản trầm lắng, đóng băng sẽ là một thách thức lớn cho việc giải chấp tài sản để thu hồi các khoản vay đáo hạn, làm tăng gánh nặng tài chính đối với người đi vay và cả người cho vay.

     Phương án xử lý nợ xấu của từng tổ chức tín dụng phải được hoạch định và thi hành ngay. Đồng thời một phương án xử lý tổng thể nợ xấu cho nền kinh tế, với vai trò của ngân hàng và công ty mua - bán nợ do Chính phủ thành lập, quy định rõ nguồn lực tối thiếu cần thiết và cách thức sử dung nguồn lực đó… đã trở nên cấp bách.

     Một tuyên bố công khai việc Chính phủ bảo đảm toàn bộ tiền gửi tiết kiệm của dân cư ở các tổ chức tính dụng sẽ là cần thiết để ngăn chặn những đột biến xấu, đồng thời thu hút thêm các nguồn vốn  nhàn rỗi hiện đang quay vòng hay nằm yên ngoài hệ thống ngân hàng, làm cho thanh khoản của nền kinh tế thêm dồi dào hơn.

     Thứ ba, trở lại nguyên tắc lãi suất thỏa thuận cả huy động lẫn cho vay, đã và đang bị những áp đặt hành chính làm tổn hại thời gian gần đây.


     Lãi suất thỏa thuận không những là tất yếu khách quan, phù hợp với cơ chế thị trường trong kinh doanh tín dụng, ngân hàng, mà còn là một chủ trương lớn của Đảng đề ra từ Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa 9, ban hành tháng 5/2002, đã được thực tiễn kiểm nghiệm trong suốt thời kỳ 2002 - 2007. Một lời giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều 474 và 476 Bộ luật Dân sự, rằng “những quy đinh này chỉ áp dụng cho những quan hệ tín dụng phi chính thức khi có tranh chấp pháp lý” là cần và đủ để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động kinh doanh tiền tệ - tín dụng hiện nay.

     Lãi suất thỏa thuận tạo cơ hội cho thị trường đưa ra những tín hiệu đúng để phân bổ cho các nguồn lực trong kinh tế. Nó cũng là bộ giảm xóc để hệ thống ngân hàng giảm bớt chấn động của môi trường kinh doanh trong và ngoài nước, thích ứng linh hoạt với tương quan cung cầu về vốn trong từng thời điểm, và tránh những tác động tâm lý bất lợi không đáng có mỗi lần phải điều chỉnh tăng hay giảm lãi suất cơ bản, mà thực chất trần lãi suất  cho vay, do bị gắn chặt với quy định nói trên của Bộ luật Dân sự.

     Sự nhìn nhận và xử lý đúng vai trò của thị trường liên ngân hàng, phân biệt yêu cầu thanh khoản với tăng trưởng tín dụng nóng, việc điều hành linh họat các công vụ nghiệp vụ thị trường mở... mới là nhân tố quyết định để ngăn chặn những hành vi đẩy lãi suất thị trường liên ngân hàng, lãi suất huy động tiền gửi hoặc lãi suất cho vay vượt tầm kiểm soát như đã từng xảy ra trong những tháng đầu năm 2008, tạo thêm những bất ổn không đáng có và làm trầm trầm trọng thêm những bất ổn khách quan.

     Thứ tư, lấy tỉ giá thực (REER - Real Effective Exchange Rate) làm căn cứ chính để xác định và điều hành tỉ giá đối đoái, chứ không giản đơn chạy theo cung cầu ngoại hối và bị động đối phó với các cơn sốt ngoại tệ (hiện đang có dấu hiệu trở lại).


     Không thể không thấy rằng tỉ giá danh nghĩa hiện hành thấp xa so với tỉ giá thực đang góp phần không nhỏ gây khó khăng cho xuất khẩu và “hỗ trợ” xuất khẩu. Duy trì cứng nhắc tỉ giá đó còn buộc phải sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp khi chưa thực sự cần thiết.

     Cần lưu ý là dự trữ ngoại hối tuy tăng lên về lượng tuyệt đối (đạt khoảng 22 tỉ USD vào tháng 10/2008) song chỉ tương đương với 12 tuần nhập khẩu trong năm 2008 so với 17 tuần 2007, và vẫn là một lực lượng mỏng để có thể ứng phó với tác động xấu của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lạm phát giảm khá mạnh chính là cơ hội để xử lý tốt hơn vấn đề tỉ giá hối đoái.     

     Thứ năm, nên tháo dỡ “hạn mức tín dụng 30%” - tuy không có văn bản quy định về pháp lý - song vẫn đang là chỉ tiêu điều hành trên thực tế bằng không ít các mệnh lệnh hành chính.


     Vấn đề chủ yếu không phải chủ yếu ở chỗ mức tăng trưởng tín dụng đến tháng 10/2008 chỉ khoảng 19%, trong khi sản xuất kinh doanh trầm lắng, nhiều doanh nghiệp chưa thể và chưa muốn vay vốn đầu tư làm ăn vì chưa lường được chiều hướng phát triển, do đó tăng trưởng tín dụng cả năm chỉ vào khoảng 25%.

     Vấn đề nằm chính ở chỗ hạn mức tín dụng đang góp phần làm tăng thêm sự méo mó của việc phân bổ nguồn lực, khiến cho dòng vốn không lưu chuyển một cách thông suốt đến những nơi cần vốn và sử dụng vốn có hiệu quả.

     Khẩu hiệu ưu tiên cho doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, cho các dự án trọng điểm, cho thu mua cá ba sa, thu mua lúa gao... có vẻ đúng, nhưng liệu các doanh nghiệp làm hàng thay thế nhập khẩu, các dự án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tạo nên tăng trưởng cao và công ăn việc làm nhiều, các sản phẩm như cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều… có đáng được quan tâm đáp ứng nhu cầu về vốn không?

     Định hướng tăng trưởng tín dụng để bảo đảm an toàn hệ thống và giảm bớt áp lực lạm phát là cần thiết, và ở Việt Nam mức tăng trưởng này nên dưới 25% cho cả hệ thống trong những năm tới. Song quản lý, điều hành mức tăng trưởng này phải bằng các giải pháp mềm mà chặt, như lãi suất, dự trữ bắt buộc, hệ số an toàn vốn, tỉ lệ nợ xấu, mức trích lập dự phòng rủi ro, các chuẩn mực khác về an toàn  thanh khoản và khả năng chi trả…

     Nếu quá thiên về mức tăng dư nợ tín dụng so với hạn mức chung trong điều hành vĩ mô, sẽ không chỉ làm mất đi cơ hội tiếp cận  vốn của những doanh nghiệp có khả năng kinh doanh hiệu quả (kể cả doanh nghiệp kinh doanh bất động sản), mà còn tạo cơ hội tăng trưởng nóng cho những tổ chức tín dụng không hội đủ các chuẩn mực an toàn cần thiết, gây nên rủi ro cho toàn hệ thống.

     Thứ sáu, chính sách tài khóa cần chia lửa nhiều hơn nữa với chính sách tiền tệ, để giảm bớt gánh nặng cho chính sách tiền tệ trong ứng phó với lạm phát và duy trì đà tăng trưởng, hạn chế bớt việc phải thắt chặt tiền tệ quá mức hoặc nới lỏng quá mức cần thiết.


     Cần giảm mức bội chi ngân sách cao hơn, chứ không thể tiếp tục bội chi xấp xỉ 5% GDP kéo dài trong nhiều năm qua. Bội chi ngân sách năm 2008 vẫn 4,95% GDP trong bối cảnh lạm phát cao và nguồn thu tăng khá so với dự toán chứng tỏ chương trình tài khóa chưa thực sự bị siết chặt. Chỉ tiêu bội chi 4,8% GDP trong dự toán ngân sách 2009 là chưa hợp lý.

     Cần cắt giảm mạnh hơn đầu tư công, đặt biệt là đầu tư của khu vực doanh nghiệp Nhà nước bằng nguồn thu từ ngân sách hoặc bằng nguồn khác nhưng quy cho đến cùng vẫn là gánh nặng ngân sách. Cho đến nay, việc cắt giảm đầu tư công vẫn chưa có các tiêu chí cụ thể, chưa được định đoạt  từ trên  xuống mà chủ yếu dựa vào sự hưởng ứng từ dưới lên.

     Có thực sự cắt giảm mạnh đầu tư công cho quá nhiều dự án được coi là trọng điểm nhưng chưa hẳn đã thật sự cần thiết, mới có chỗ dựa cho đầu tư phát triển khối dân doanh, ngăn chặn nguy cơ đình đốn, thất nghiệp gia tăng.

     Nên dùng một phần nguồn thu tăng lên, chẳng hạn tăng thuế nhập khẩu xăng dầu mà vẫn có thể hạ đáng kể giá bán so với hiện nay (giá xăng bán lẻ tại Mỹ ngày 21/10/208 là 2,85 USD một gallon (3,78 lít) tương đương 12.600 đồng/lít với tỉ giá VND/USD là 16.650. Giá này giảm từ mức đỉnh là 4,15 USD/gallon) để lập quỹ dự phòng hỗ trợ tài chính cho các tổ chức tín dụng, mua lại nợ xấu…

     Và cuối cùng, nên xây dựng và triển khai thực hiện một phương án trọn gói về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để kích cầu trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

     Một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định trong mọi định hướng sẽ là nền tảng để doanh nghiệp hoạch định chương trình, dự án kinh doanh, tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, để đạt lợi nhuận cao và bền vững.

Theo VnEconomy