Xe buýt “nhái”: Khó xử lý!

28/07/2011
: 18397

Báo SGGP số ra ngày 26-7 đăng bài Xe buýt “nhái” lộng hành, phản ánh tình trạng thời gian qua, trên tuyến vận tải liên tỉnh TPHCM - Vũng Tàu xuất hiện một số xe “nhái” ngang nhiên tranh giành khách của xe buýt và “chặt chém” hành khách với giá cắt cổ. Sau khi báo đăng, cơ quan chức năng của các tỉnh thành liên quan cho biết, việc xử lý các đối tượng xe buýt “nhái” hiện nay rất khó.

Nhiều xe buýt “nhái”

Ông Dương Mạnh Hưng, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, thừa nhận: Đúng như Báo SGGP phản ảnh, trong thời gian qua tình trạng xe buýt “nhái” hoạt động trên các tuyến quốc lộ 51, 1A … đoạn đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai rất nhiều.

Trước tình trạng này, để đảm bảo quyền lợi cho hành khách đi xe, cũng như vấn đề an toàn giao thông dọc các tuyến quốc lộ, Thanh tra giao thông đã phối hợp với lực lượng cảnh sát trật tự tuần tra, kiểm tra xử lý các trường hợp xe “dù”, bến “cóc” thường xuyên, liên tục 3 ngày/tuần diễn ra suốt cả năm và đã phát hiện nhiều trường hợp xe khách “nhái” màu sơn, mã số tuyến xe buýt liên tỉnh để chèo kéo, thu giá cao hành khách đi xe.

Trong khi đó, ông Lê Văn Tuấn, Đội trưởng đội thanh tra số 5 thuộc Thanh tra Sở GTVT TPHCM (đơn vị quản lý tuyến Xa lộ Hà Nội), cho biết: Thời gian qua, Thanh tra giao thông chỉ lập biên bản xử lý vi phạm đối với các xe đậu rước khách không đúng quy định và thiếu giấy tờ hợp lệ, chứ chưa phát hiện tình trạng xe buýt “nhái”.

“Nếu đúng có xe buýt “nhái” như báo chí phản ánh, thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra để đảm bảo quyền lợi cho hành khách đi xe” - ông Tuấn cam kết.

Khó xử lý

Dù tình trạng xe buýt “nhái” hoạt động trên tuyến vận tải TPHCM - Vũng Tàu thời gian qua là có thật, nhưng theo ý kiến của các cơ quan chức năng, hiện nay để xử lý các đối tượng này rất khó.

Ông Dương Mạnh Hưng, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cho rằng: “Do hiện nay, pháp luật chưa có quy định xử lý xe “nhái” thương hiệu xe khác nên lực lượng thanh tra giao thông cũng chỉ dừng ở mức xử lý tình trạng xe “dù” về lỗi dừng đậu sai quy định, không có sổ đăng ký nhật trình theo quy định nên tình trạng xe “nhái” vẫn tiếp tục tồn tại”.

Đồng quan điểm, bà Thái Thị Ty, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng tỉnh Đồng Nai, bày tỏ: Vấn đề xe buýt “nhái” trên địa bàn các tuyến quốc lộ 51, 1A… lâu nay đã trở thành nỗi nhức nhối của các cơ quan chức năng của tỉnh.

Tuy nhiên, do các đối tượng xe “nhái” có đầy đủ giấy tờ vận chuyển, xuất bến nên nếu không đủ chứng cứ sẽ rất khó xử lý. Thời gian qua trung tâm đã làm việc với các đơn vị vận tải đề nghị khi phát hiện xe buýt “nhái” nên chụp hình biển số xe cụ thể để gửi cơ quan chức năng kiểm tra xử lý.

Ngoài ra, do hiện nay hình thức “nhái” chủ yếu là màu sơn và biển mã số tuyến xe buýt; trong khi theo Thông tư 14 của Bộ GTVT và Nghị định 91 của Chính phủ thì việc đăng ký màu cho xe là do doanh nghiệp tự chọn và có văn bản gửi cơ quan chức năng xin cấp giấy phép hoạt động tuyến là được, chứ chưa có quy định thống nhất một màu sơn riêng cho xe buýt trên toàn quốc nên rất dễ dẫn đến tình trạng “nhái” màu sơn xe buýt.

Do đó, nếu chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, xử phạt mà không có sự sửa đổi về văn bản luật, cũng như quy định riêng về màu sơn cho xe buýt e rằng tình trạng xe buýt “nhái” vẫn còn tiếp diễn.

“Để tránh xe buýt “nhái”, hành khách đi xe cần chú ý, xe buýt thật có bảng công khai lộ trình tuyến dán hai bên hông xe, cũng như mã số tuyến được gắn trước và sau đầu xe cố định”, bà Ty khuyến cáo.



Theo SGGP