Xe khách trước Tết: Trăm chiêu móc túi hành khách

02/01/2014
: 7369

     Nhiều nhà xe chạy các tuyến liên tỉnh miền Bắc lách luật để thu tiền vé cao hơn giá niêm yết tại bến. Trong khi đó, không ít hãng xe khách phía Nam tự gây “sốt” vé giả tạo, tùy tiện nâng giá vé…

Hành khách chen chúc mua vé tại bến xe Miền Đông.

 

     Đã có một số trường hợp bán vé với giá trên trời, cấp phiếu hẹn giờ khởi hành cho hành khách bị lập biên bản, xử lý hành chính.

Từ đua nhau “hết vé”…

     Sáng 31/12, tại bến xe Miền Đông (BXMĐ) ở TPHCM, hành khách tấp nập mua vé về quê đón Tết sớm. Theo đại diện bến xe, rất ít người đi tham quan, du lịch bởi Tết dương lịch 2014 rơi vào ngày thường, cán bộ, nhân viên, người lao động chỉ được nghỉ một ngày.

     Chị Nguyễn Thị Huệ (47 tuổi, quê Quảng Ngãi) nói: “Tôi vào Sài Gòn bán hủ tiếu gõ, định tranh thủ làm đến giáp Tết mới đưa các cháu về quê, nhưng buôn bán không thuận lợi, nhất là mua vé xe khó quá. Các ngày cao điểm (từ 20 đến 29 tháng Chạp), nhà xe nào cũng không còn vé. Nấn ná ở lại thì sợ hết xe”.

     Theo một số nhân viên bán vé tại BXMĐ, tâm lý e ngại hết xe phục vụ Tết lây lan rất nhanh kể từ khi các hãng xe thương hiệu lần lượt thông báo “hết vé”. Tại BXMĐ, các hãng xe thương hiệu lần lượt tự tổ chức bán vé xe Tết từ cuối tháng 11. Hai hãng xe Mai Linh và Thuận Thảo bán vé xe Tết sớm nhất. Hành khách rồng rắn chen lấn, xếp hàng. Vé các ngày cao điểm bán hết veo trong 1-2 ngày.

     Nhiều hành khách chưa mua được vé lại tiếp tục chầu chực “săn” giấy thông hành của các hãng xe thương hiệu khác như Bình Tâm, Chín Nghĩa, Sao Vàng (chạy tuyến Quảng Ngãi), Minh Phương, Cúc Tùng, Cúc Tư, Liên Phương (chạy tuyến Phú Yên, Khánh Hòa)…

     Tính đến ngày 31/12, hầu hết các hãng xe thương hiệu tại BXMĐ đều không còn vé đi các ngày cao điểm Tết, kể cả nhiều đơn vị có xe chạy các tuyến ra phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Điều này đang khiến nhiều khách hàng lo lắng vì nhu cầu đi lại vẫn còn rất lớn.

Đến tùy tiện nâng giá

     Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc BXMĐ, các hãng xe thương hiệu vừa tổ chức bán vé Tết hầu hết có năng lực vận chuyển thấp, chỉ khoảng 5-7 chuyến/ngày (khoảng 200 khách/ngày), trong khi nhu cầu mua vé rất cao. Một số đơn vị linh hoạt hợp đồng xe bên ngoài đưa vào phục vụ và tiếp tục lên kế hoạch bán vé.

     Tuy nhiên, cũng có một số hãng xe thương hiệu lợi dụng tình trạng khan hiếm giả tạo để tùy tiện nâng giá, bán vé khống (bán giấy chứng nhận đặt chỗ). Hãng xe C.N tùy tiện tăng giá vé xe đi trong ngày 20 tháng Chạp lên tới 40%, trong khi theo quy định, chỉ được phụ thu 20%. Đến lúc cơ quan chức năng vào cuộc, đình chỉ hoạt động bán vé tại BXMĐ, yêu cầu khắc phục hậu quả thì hãng xe này mới trả lại tiền cho hơn 200 hành khách.

     Tại BXMĐ, tính đến cuối tháng 12, đã có trên 20 hãng xe đồng loạt tăng giá vé xe ngày thường từ 5-10% để đẩy giá vé Tết lên cao, như: Thiên Trang, Hồng Hải, Cúc Tư, Sông Gianh, Hồng Sơn, Thành Ban, Sao Vàng…

     Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều đơn vị vận tải hành khách núp bóng du lịch lữ hành ngoài bến xe như P.N, T.S, H.C… cũng lợi dụng tình trạng này để nâng giá cao hơn gấp đôi so với ngày thường.

     Ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TPHCM, cho biết, hãng xe nào tăng giá bất hợp lý sẽ bị đình chỉ, không cho bán vé Tết. Nếu phát hiện, hành khách gọi số điện thoại nóng 38.300.701, Sở sẽ xử lý ngay.

Không lo thiếu xe

     Theo Sở GTVT, trong dịp Tết, TPHCM sẽ tăng cường phà phục vụ người dân, trong đó, bến phà Bình Khánh huy động 8 chiếc, bến phà Cát Lái huy động 13 chiếc trọng tải từ 60 đến 200 tấn. Dự báo, nhu cầu đi lại dịp Tết tăng 40-50% so với ngày thường.

     Vé xe đò Tết có khan hiếm? Theo ông Thượng Thanh Hải, tình trạng khan hiếm chỉ xảy ra tại một số hãng xe thương hiệu do hành khách có tâm lý muốn đi xe chất lượng cao. Tuy nhiên, việc khan hiếm vé chỉ tạm thời bởi các doanh nghiệp này có thể thuê thêm xe và tiếp tục tổ chức bán vé Tết.

     Tính đến cuối tháng 12, mới có khoảng 20 đơn vị tại BXMĐ bán vé Tết. Từ hôm nay (1/1), BXMĐ tổ chức bán vé Tết của các doanh nghiệp ủy thác cho bến xe, thời gian từ 7 giờ 30 đến 17 giờ hằng ngày. Lượng vé bán ủy thác rất dồi dào, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

     Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT, trong các ngày cao điểm, các bến xe có thể đón trên 100.000 lượt khách/ngày. Từ ngày 23 đến 28 tháng Chạp, Sở GTVT tăng cường khoảng 120 xe buýt cho BXMĐ và Bến xe Miền Tây. “TPHCM cam kết đủ vé, đủ xe cho hành khách về quê”, ông Cường khẳng định.

Cho khách lên trước, “chặt chém” sau

     Trước tình trạng bến xe niêm yết một đằng, nhà xe thu tiền vé một nẻo (Tiền Phong ngày 27/12 phản ảnh) khiến nhiều hành khách bức xúc, lãnh đạo một số bến xe ở Hà Nội cho rằng, quy định đã rõ, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải vẫn tìm cách lách luật.

     Theo quy định, muốn vào bến và lên xe, hành khách phải có vé trên tay. Tuy nhiên, chúng tôi những ngày qua ghi nhận, tại hầu hết bến xe lớn của Hà Nội như Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, bất kỳ hành khách nào, có vé hay không có vé, đều dễ dàng ra vào khu vực xe chờ xếp khách.

     Tại khu vực dừng đỗ của xe khách tại các bến xe những ngày qua, tất cả các xe khách đều để cho hành khách không vé thoải mái lên xe. Với các trường hợp khách lên xe không có vé, nhà xe để cho khách đi khoảng nửa chặng đường mới thu tiền. Đa số trường hợp thu tiền như thế đều cao hơn giá niêm yết của bến từ 20 đến 30%.

     Việc này đang xảy ra phổ biến với các tuyến xe khách chạy Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, (bến Giáp Bát), Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Phú Thọ (bến Mỹ Đình), Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn (bến Gia Lâm)… 

     Ông Nguyễn Thành Lâm, đại diện nhà xe Văn Thành, chạy tuyến Mỹ Đình - Thanh Hóa cho rằng, ông được đơn vị chủ quản giao xe và chạy theo mức khoán doanh thu cứng hằng ngày, đóng phí bến bãi theo kiểu “trọn gói” nên việc nhà xe tự bán vé hay hành khách mua vé tại bến không có gì khác nhau. Giá vé nhà xe thu cao hơn giá niêm yết tại bến vì mỗi lần tăng giảm giá xăng dầu, DN kịp thời điều chỉnh ngay, còn bến xe phải mất nhiều thời gian.

Bến xe phải báo cáo để Sở GTVT xử lý

     Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc bến xe Mỹ Đình, nói rằng sở dĩ xảy ra việc trên là vì hạ tầng của bến chưa cho phép kiểm soát hết được lượng hành khách ra vào, hơn nữa, tâm lý của hành khách là muốn lên xe ngay.

     Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Hà Nội, nói rằng, lâu nay, các DN vận tải được giao quyền tự chủ trong kinh doanh, việc đóng phí bến bãi cũng như giá vé thực hiện theo giá niêm yết, bến xe có bán cũng là bán hộ cho DN.

     “Tuy nhiên, nhiều nhà xe đã tìm cách lách luật bằng việc để cho hành khách trong bến lên xe mà không yêu cầu mua vé. Việc thu vé hành khách này cũng như khách dọc đường chỉ diễn ra khi xe đã chạy được gần nửa hành trình. Đây là nguyên nhân chính khiến việc tăng giá vé xe khách dịp cuối năm vẫn diễn ra”, ông Thành nhận định.

     Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng, theo các quy định hiện hành, hành khách vào bến phải mua vé, nếu không có vé thì bảo vệ bến không cho vào khu vực lên xe, còn nhà xe nếu thấy hành khách lên xe không có vé phải yêu cầu vào mua vé. “Nếu nhà xe để hành khách không có vé lên xe thì ngoài vi phạm quy định bến bãi, khi xe ra đường, CSGT có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý theo quy định”, ông Liên nhấn mạnh.

     Theo ông Liên, quy định như vậy vừa đảm bảo trật tự trong hoạt động vận tải hành khách vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân không bị nhà xe tăng giá tùy tiện. Tuy nhiên, quy định này đã không được DN vận tải và cơ quan quản lý thực hiện, xử lý nghiêm túc. Do vậy các nhà xe mới có cơ hội lợi dụng kẽ hở này để móc túi khách hàng (giá vé niêm yết một đằng, nhà xe thu một nẻo).

     Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết, việc điều tiết, đảm bảo trật tự và kiểm soát để các nhà xe, DN vận tải hoạt động đúng quy định pháp luật trong khu vực bến là trách nhiệm của các bến xe và đơn vị chủ quản. Khi xe đã ra đường là trách nhiệm của CSGT. Với các nhà xe vi phạm, bến xe phải có trách nhiệm và trực tiếp báo cáo, kiến nghị để Sở GTVT biết, xử lý theo quy định.

Thông xe đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu

     Sau gần 3 năm thi công, chiều qua, tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (Hà Nội) thuộc dự án đường vành đai 1 đã thông xe. Ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, chủ đầu tư, cho biết, sau khi thông xe phương tiện đi 2 chiều trên đường vành đai 1, đoạn Ô Chờ Dừa - Hoàng Cầu theo các hướng Tôn Đức Thắng đi Hoàng Cầu và hướng ngược lại Hoàng Cầu đi Nguyễn Lương Bằng. 

     Đoạn đường vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu dài 547m, được khởi công tháng 4/2010 với tổng vốn đầu tư 642 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Dự án phải giải phóng mặt bằng 5 cơ quan và 450 hộ dân. Dự kiến, năm 2016, tuyến đường vành đai 1 từ Nguyễn Khoái đến Cầu Giấy sẽ được thông xe.

 

Theo Báo Tiền phong