20 năm nữa người VN mới được mua ôtô giá rẻ?

21/12/2006
: 16050

Dứt khoát không giảm ngay giá ôtô

"Trên thực tế, giá xe ôtô nói chung đã giảm dần từ đầu năm nay, nhưng tôi khẳng định là không giảm đột biến."

- Người tiêu dùng Việt Nam rất hy vọng mua được ôtô nhập khẩu giá rẻ khi Chính phủ xem xét giảm dần thuế nhập khẩu. Hy vọng này liệu có cơ sở, thưa ông?

- Người tiêu dùng mong muốn mua được xe rẻ, nhưng theo tôi hiện tại chưa có thay đổi lớn về giá xe nhập khẩu, vì thuế nhập khẩu phải giảm theo lộ trình.

Giá ôtô nhập khẩu phụ thuộc hoàn toàn vào thuế, mà theo lộ trình tới tận năm 2012 sẽ giảm xuống còn 50%. Trong khi thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt còn phụ thuộc vào quyết định của Quốc hội.

Trên thực tế, giá xe ôtô nói chung đã giảm dần từ đầu năm nay, nhưng tôi khẳng định là không giảm đột biến.

Dù sao thì việc cho nhập khẩu xe cũ cũng đã tạo ra sự cạnh tranh giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu, làm lợi cho người tiêu dùng ở mức độ nào đó.

Nhưng nói tóm lại, giá xe hiện nay cũng vẫn cân bằng (ở mức cao) như trước. Nếu chúng ta giảm thuế nhanh, chắc chắn thị trường sẽ khác.

- Khoảng từ 2 đến 3 tháng nay, lượng tiêu thụ của các liên doanh ôtô đã chững lại bởi người tiêu dùng trông chờ việc giảm thuế nhập khẩu. Ông bình luận gì về điều này?

- Điều này hoàn toàn vấn đề tâm lý. Người tiêu dùng nghĩ Việt Nam vào WTO thì thuế ôtô nhập khẩu sẽ hưởng giá rẻ hơn. Nhưng riêng lĩnh vực ôtô thì khó.

Như tôi đã nói, mức thuế nhập khẩu sẽ giảm từ từ theo lộ trình, kéo theo giá ôtô cũng chỉ giảm theo lộ trình, chứ không giảm đột biến.

Hiện tại, một số doanh nghiệp khuyến mại rẻ hơn 5 - 10% so với trước, và  người tiêu dùng được hưởng lợi từ điều này. Nhưng dứt khoát là ôtô không có sự giảm giá đột biến như xe máy ngày xưa.

- Hiện tại, ôtô sản xuất ở Trung Quốc chỉ bán với giá 5.000 USD/xe ở Châu Âu. Thị trường Việt Nam sẽ chịu tác động thế nào trước mức giá hấp dẫn này, thưa ông?

- Thực tế, lượng xe Trung Quốc bán ở thị trường Châu Âu không đáng kể. Trong khi vấn đề quan tâm hàng đầu với người tiêu dùng không phải là giá rẻ mà là chất lượng.

Nếu xe của anh giá rẻ mà chất lượng không ra gì thì người tiêu dùng cũng tẩy chay không mua. Tiền nào của ấy, không thể giá rẻ mà chất lượng tốt được.

Còn đặc điểm của người Việt Nam hơi khác, thà không có ôtô đi thì thôi, còn đã đi thì đi cái tốt, chứ chưa chắc anh đưa xe giá rẻ vào đây đã bán được.

- Trong thời gian tới, chính sách thuế đối với ngành ôtô có những thay đổi cụ thể gì, thưa ông?

- Chính sách thuế sẽ chỉ tập trung chủ yếu vào linh kiện. Loại linh kiện nào đã sản xuất được ở trong nước thì đánh thuế cao. Cái nào chưa sản xuất được sẽ đánh thuế thấp để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng.

Bây giờ Nhà nước chỉ bảo hộ qua thuế thôi, nhưng thuế phải giảm dần.

- Vậy khi nào người Việt Nam mới có cơ hội mua xe giá bằng với khu vực ASEAN?

- Như tôi đã nói, thuế xe nhập khẩu chỉ giảm 50% cho tới năm 2012, và có lẽ phải tới năm 2020 - 2025 thì chúng ta mới có thể có mức thuế bằng khu vực được. Còn với thuế suất hiện tại, giá xe nhập khẩu vẫn đắt ít nhất là gấp đôi.

Không mở thị trường vì ùn tắc giao thông?

- Thứ trưởng có thấy rằng chính sách bảo hộ ngành ôtô trong hơn 1 thập kỷ qua đã đã giúp các nhà sản xuất tại Việt Nam sống rất khỏe?

- Điều này là logic thôi. Một đất nước có cơ sở hạ tầng kém như chúng ta không thể có giá xe rẻ giống như các nước khác.

Hãy thử tưởng tượng Hà Nội có hàng triệu xe ôtô thì chúng ta đi như thế nào. Nhà nước đánh thuế để bảo đảm cân đối về nguồn thu quốc gia, an ninh giao thông, và cân đối với hạ tầng cơ sở.

Chúng ta cứ kêu ca thế thôi, chứ Hà Nội đã tắc nghẽn khi lượng xe mới tăng lên gần đây.

Cũng có ý kiến cho rằng, phải tăng lượng xe lên để thúc ép hạ tầng phát triển. Thế nhưng đây là bài toán cân đối ngân sách của Chính phủ. Không phải lúc nào cứ ùn tắc rồi cũng phát triển được. Chính vì vậy, không thể mở ngay ngành ôtô ra được.

- Là Thứ trưởng phụ trách ngành công nghiệp ôtô, ông nghĩ như thế nào về những mâu thuẫn này?

- Đây là những cặp phạm trù rất lớn. Thí dụ, chúng ta muốn ngành công nghiệp ôtô phát triển và đã đánh thuế nhập khẩu cao; chúng ta muốn lượng xe nhiều lên để sản xuất giảm giá nhưng hạ tầng lại không đáp ứng được; chúng ta muốn khuyến khích sản xuất phụ tùng phụ trợ nhưng dung lượng thị trường lại nhỏ.

Đây là những vấn đề mâu thuẫn, và để giải được mâu thuẫn này cần đến một tổ hợp chính sách, chứ không thể làm ngày một ngày hai được.

Tuy nhiên, với một đất nước gần 100 triệu dân như Việt Nam, trong tương lai ngành ôtô phát triển là chuyện chắc chắn.

Chúng ta có thị trường lớn, nhưng khi nào GDP đầu người phải trên 1.000 USD thì ngành ôtô mới phát triển tốt. Chứ hiện tại, GDP/đầu người của chúng ta mới hơn 600 USD thì chưa thể có một ngành ôtô phát triển giống các nước được.

Tôi hi vọng là nay tới năm 2010, Việt Nam sẽ có từ 1 đến 2 doanh nghiệp sản xuất động cơ ôtô.

(theo Vietnamnet)