Bắt đầu cải tổ...xe buýt

05/02/2009
: 22057

Xe buýt sẽ gọn, nhỏ hơn

Câu chuyện này bắt đầu ở Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco). Trong những ngày đầu xuân Kỷ Sửu, tại Samco đang khẩn trương hoàn thiện để có thể cho ra đời loại xe buýt B40 (40 chỗ đứng và ngồi) với chiều dài 7m và rộng chỉ có 2,2m, đóng trên khung gầm của một số loại xe hơi Nhật, vào tháng 3-2009.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Samco cho biết giá thành chiếc xe này khoảng 600 triệu đồng và hiện Samco cũng đã có văn bản đề xuất UBND TPHCM hỗ trợ cá nhân, tổ chức có nhu cầu mua xe để hoạt động vận tải hành khách công cộng.

Theo đề xuất này, người mua xe chỉ phải trả lãi vay 6%/năm trên 70% giá trị tiền mua xe (đi vay của ngân hàng với thời hạn vay là 5 năm). Phần lãi suất chênh lệch giữa lãi suất vay của ngân hàng và lãi suất vay người mua xe phải trả, ngân sách sẽ hỗ trợ. Thời gian được hỗ trợ: trong năm 2009.

Xe buýt to không phù hợp với thực tế đường nhỏ tại TPHCM. Ảnh: TH.TÂM

Việc xe buýt của thành phố to và cồng kềnh (B55, B80), không phù hợp với diện tích mặt đường là điều… ai cũng biết.

Thật ra, khi đầu tư loại xe này, ngành chức năng cũng có kỳ vọng xe buýt to, năng suất chuyên chở cao hơn và như thế tiền trợ giá xe ít hơn.

Điều này không phải không có lý khi mà ngân sách thành phố còn eo hẹp và có lẽ nó cũng diễn ra tốt đẹp nếu như song hành với phát triển vận tải công cộng, thành phố có chính sách hợp lý, kéo giảm dần số lượng xe cá nhân.

Tuy nhiên, trên thực tế, mọi việc lại không diễn ra như vậy, xe buýt to và xe cá nhân tăng “phi mã” trong bối cảnh diện tích đường lại không tăng bao nhiêu. Hậu quả không gì khác hơn là kẹt xe. Giải bài toán này, hiện nay Sở Giao thông Vận tải đang cùng với một số nhà khoa học ở Trường Đại học Bách khoa TPHCM nghiên cứu tổ chức lại mạng lưới tuyến xe buýt để khắc phục dần những bất cập của mạng lưới mà trong đó “xe to và nhiều, còn đường thì nhỏ” là một trong những bất cập lớn nhất.

Đề án chưa hoàn tất song Tiến sĩ Phạm Xuân Mai, Trường Đại học Bách khoa, người trực tiếp thực hiện đề tài này cho biết, về cơ bản, xe buýt sẽ được tổ chức lại theo hướng xe lớn chuyên chở hành khách ở các tuyến ngoại thành. Trong nội thành, đường nhỏ thì xe buýt nhỏ sẽ làm nhiệm vụ…

Như vậy, sự ra đời của xe buýt nhỏ Samco và có lẽ cũng sẽ có thêm nhiều loại xe buýt nhỏ của các nhà sản xuất ô tô khác, sẽ là một đảm bảo về nguồn xe thay thế cho việc khắc phục bất cập “đường nhỏ, xe to” đã tồn tại khá lâu trong hoạt động vận tải hành khách công cộng thành phố.

Không để các tuyến xe buýt quá dài

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của việc nâng chất hoạt động xe buýt là tổ chức lại các tuyến xe buýt quá dài, trên 30km. Cách nay 1 năm, Sở Giao thông Vận tải đã thí điểm “cắt đôi” tuyến xe buýt Sài Gòn-Củ Chi và Chợ Lớn-Củ Chi ở điểm giữa của 2 tuyến là An Sương. Kết quả, đã có các tuyến xe buýt mới: Sài Gòn-An Sương, An Sương-Củ Chi, Chợ Lớn-Củ Chi là những tuyến buýt thường. Xe buýt chạy trên các tuyến này sẽ dừng đón, trả khách ở tất cả các trạm trên tuyến. Cùng 2 tuyến buýt nhanh là Chợ Lớn-Củ Chi và Sài Gòn-Củ Chi.

Xe chạy trên tuyến buýt nhanh sẽ chỉ dừng đón, trả khách ở một số trạm nhất định. Ưu điểm của việc tổ chức lại mạng lưới tuyến này là hành khách đi lại thuận tiện hơn. Một tuyến buýt dài với hàng chục trạm dừng, nhà chờ, hành khách chưa đi quen xe buýt rất dễ bị rối, khó xác định điểm đến. Đó là chưa kể đến tình huống xe buýt dài sẽ có 2 loại hình vé: vé nửa tuyến: 3.000 đồng/người và vé cả tuyến: 4.000 đồng/người.

Để xác định hành khách phải trả 3.000 đồng hay 4.000 đồng, tiếp viên sẽ phải hỏi hành khách đi đâu. Và điều này đôi khi gây ra tranh cãi giữa hành khách và tiếp viên. Đó là chuyện không hay và việc cắt ngắn tuyến xe buýt sẽ khắc phục được nhược điểm này. Những hành khách đi suốt tuyến dài vẫn có thể chọn đi những tuyến buýt nhanh… nhanh hơn do xe không phải dừng ở nhiều trạm.

10 tuyến xe buýt dự kiến sẽ được làm ngắn lại trong năm Kỷ Sửu là tuyến Bến xe quận 8-Thủ Đức, KTX Đại học Quốc gia-Bến xe Miền Tây, chợ Tân Hương-Khu du lịch Suối Tiên, Bình Khánh-Cần Thạnh, Bến xe ngã tư Ga-KCX Tân Thuận, Bến Thành-Nguyễn Văn Linh-Bến xe miền Tây, Bến xe An Sương-Đại học Nông Lâm, Bến xe An Sương-An Nhơn Tây…

Tuy nhiên, cũng có cái khó là muốn cắt đôi các tuyến này thì phải có bến để trung chuyển hành khách. Mà việc này, không dễ thực hiện trong bối cảnh “tấc đất, tấc vàng” ở TPHCM và tâm lý không muốn xây dựng bến xe trong địa bàn của một số lãnh đạo địa phương. Xem ra, việc tổ chức lại mạng lưới tuyến xe buýt không chỉ có trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải. 

Theo SGGP