Biến động thị trường ôtô trong nước: Đừng vì tham "bát" bỏ... "mâm" (theo SGGP)

23/06/2008
: 16682

Dòng xe cao cấp Audi trị giá hàng trăm ngàn USD/ chiếc đã thấy xuất hiện rất nhiều trên đường phố (TPHCM)

     Nhìn từ thực tế thị trường, hiện nay ôtô nguyên chiếc nhập khẩu đã rơi vào thế bế tắc trong kinh doanh. Giới nhập khẩu và các liên doanh đều "kêu" về các chính sách thay đổi quá nhanh... Từ tình hình đang ăn nên làm ra khi được "cởi trói" về thuế suất nhập khẩu, nay tăng thuế dồn dập, giới kinh doanh bị sốc là chuyện đương nhiên. Nhưng cho dù bị sốc thì ngành ôtô vẫn phải tồn tại và phát triển; tình hình nhập khẩu có đình trệ nhưng chắc chắn cơn "bĩ cực" này cũng sẽ qua đi. Theo số liệu của VAMA, tháng 5 vừa qua số xe bán ra đạt 11.494 chiếc, nhưng cũng chỉ giảm so với tháng trước 13%. Cho dù thị trường sắp tới có suy giảm thì cũng không có gì phải ngạc nhiên trong tình hình lạm phát đang hoành hành buộc Chính phủ và người dân phải thực thi chính sách giảm chi tiêu, chi tiêu hợp lý...

     Công nghiệp ôtô là một ngành lớn trong nền kinh tế. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, ngành ôtô cũng chỉ là một cái "bát" trong cái "mâm" nền kinh tế nói chung. Vào lúc lạm phát gia tăng mạnh, nhập siêu quá lớn, ngọai tệ phục vụ cho phát triển kinh tế quá hiếm, thì nếu cái "bát" phải chịu hi sinh một chút để giữ thế tòan cục của cái "mâm" cũng là điều chấp nhận và hợp lý. Bởi lẽ: Thứ nhất, nhằm giảm nhập siêu, hạn chế tiêu thụ ôtô là mặt hàng chi phí lớn nhằm hạn chế lạm phát. Thứ hai, nếu chính sách nhà nước không trực tiếp làm việc này, thì thị trường cũng sẽ tự điều tiết. Vì ôtô tăng giá, lạm phát gia tăng, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, việc tiêu thụ ôtô cũng sẽ giảm. Chịu thiệt thòi giảm một chút để giữ thế tòan cục của nền kinh tế thì cơ hội gia tăng sẽ trở lại còn hơn là đưa nền kinh tế rơi vào lạm phát phi mã, tiêu dùng ngưng trệ, ngành ôtô khi đó chưa biết phải hứng chịu hậu quả ra sao.

     Thẳng thắn mà nói, cho dù Chính phủ không áp dụng các chính sách tăng thuế mạnh mẽ đối với ngành ôtô, thì trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện nay, người tiêu dùng cũng phải biết chắt bóp để hạn chế lạm phát. Bởi ở Việt Nam hiện nay, ôtô chưa phải là một mặt hàng thiết yếu đối với cuộc sống sinh họat. Việc làm này rất thiết thực vì nó có lợi trực tiếp cho chính người tiêu dùng. Nếu để lạm phát càng tăng cao, hậu quả dội lên đầu không ai khác là người tiêu dùng. Mệnh lệnh của cuộc sống lúc này đối với người tiêu dùng là nên biết tiêu dùng có trách nhiệm. Một nền kinh tế lạm phát nếu chỉ trông chờ vào chính sách kiềm chế của Nhà nước, sẽ khó đạt hiệu quả. Đây là vấn đề của tòan dân, trong đó có sự chấp nhận, hưởng ứng của chính những nhà nhập khẩu, đơi vị sản xuất ôtô trong nước và của chính người tiêu dùng.

     Với một nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm qua như Việt Nam, các nhu cầu tiêu dùng từ cấp thấp đến cấp cao đã phát sinh theo.  Việc mua sắm các dòng xe từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn USD/ chiếc không còn là chuyện xa xỉ. Đồng tiền bỏ ra nhằm mục đích phục vụ công việc kinh doanh và tiêu dùng  hợp lý, đồng thời có tác dụng kích cầu, thì không thể gọi là tiêu xài xa xỉ! Nhưng trong bối cảnh lạm phát thì khác. Nếu càng kích cầu đề tiêu nhiều có thể dẫn đến tác dụng ngược, lạm phát càng tăng, khi đó việc mua sắm ôtô lại trở thành việc tiêu xài xa xỉ. Vì vậy, trong hòan cảnh nền kinh tế hiện nay, nếu có biến động một chút về thị trường ôtô thì cũng chấp nhận được. Chúng ta phải biết hi sinh cái nhỏ để giữ thế phát triển tòan cục chứ không thể vì tham "bát" mà bỏ "mâm" được.

Thanh Lâm