Đi lại sau Tết Nguyên đán - Hàng chục vạn người tiếp tục đổ về thành phố

30/01/2012
: 14107

Ngày 29-1, hàng chục vạn người dân, học sinh, sinh viên sau chuỗi ngày nghỉ Tết Nguyên đán tiếp tục trở lại TPHCM và Hà Nội để học tập, làm việc. Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, trong ngày 29-1, lượng hành khách đến các bến xe, nhà ga khá đông nhưng không xảy ra tình trạng quá tải.

Người dân Quảng Nam chờ đón xe vào lại TPHCM trưa mùng 7 Tết.

Tại ga Sài Gòn, mỗi ngày tiếp đón khoảng 14 đoàn tàu Thống Nhất và địa phương từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung với khoảng hàng chục ngàn lượt người rải rác suốt từ sáng sớm đến đêm.

 

Tại Bến xe miền Đông, trong ngày qua có khoảng 1.500 xe từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đưa khoảng 45.000 lượt hành khách trở về bến. Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông cho biết: “Để giải quyết nhu cầu vận chuyển hành khách trong dịp tết ở các đầu bến miền Trung, miền Bắc, bến xe sẽ giải quyết nhanh thủ tục để các doanh nghiệp vận tải sau khi chuyên chở hành khách trở về bến xe có nhu cầu quay đầu chuyên chở khách ngay”. Lực lượng bảo vệ Bến xe miền Đông cũng được huy động để đảm bảo tình hình an ninh trật tự cho hành khách khi vào bến. Các bãi xe trong và ngoài bến xe này vẫn kẹt cứng. Theo các nhân viên giữ xe tại đây, trong khoảng thời gian buổi sáng đã có hàng ngàn chiếc xe máy được hành khách đến lấy ra.

Riêng tại khu vực Bến xe miền Tây trong sáng 29-1, lượng hàng khách đổ về cũng bắt đầu tăng cao. Chỉ trong buổi sáng cùng ngày đã có khoảng gần 20.000 người xuống bến tại đây. Giao thông tại cửa ngõ dẫn vào bến xe được đảm bảo, dù lượng phương tiện tăng nhanh.

Trắng đêm ngóng xe

Tại Thừa Thiên - Huế, bắt đầu từ sáng mùng 6 kéo dài đến trưa mùng 7 Tết, hàng ngàn người dân các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế tràn ra hai bên Quốc lộ 1A đón xe vào Nam, trong khi các ga tàu, bến xe tại đây đều thông báo hết vé đi các tỉnh phía Nam từ ngày mùng 4 Tết đến rằm tháng giêng. Lúc 8 giờ ngày mùng 7 Tết tại ngã ba Dạ Lê thuộc đường tránh TP Huế, từng đoàn khách mang theo hành lý mặt mày phờ phạc vì thức trắng đêm ngóng xe cứ đảo đi, đảo lại.

Anh Đoàn Văn Thanh, quê tại phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đứng ngồi không yên sau 3 giờ liên tục vẫy xe đi Đồng Nai, cho biết: “Không mua được vé tàu nên mấy người hàng xóm mách nước ra đường tránh bắt xe Bắc Nam. Cứ tưởng ngày 7 xe khách thừa chỗ nhưng ai dè, xe khách nào qua đây cũng chật cứng người. Một số xe Bắc Nam cho đi với giá Huế - TPHCM 900.000 đồng/người (tăng gấp 3 lần so với ngày thường) nhưng tìm mãi không được chỗ ngồi nên tôi đành xuống chờ mãi đến giờ”.

Trong khi đó, tại Đà Nẵng, vé xe, vé tàu hỏa, vé máy bay vào Nam “cháy” từ mùng 4. Năm nay, Công an TP Đà Nẵng kiên quyết dẹp không cho xe đón khách ngoài đường tại các điểm “nóng” như: ngã ba Huế, cầu vượt Hòa Cầm… nên những người lao động nghèo dạt vào phía Nam cầu vượt Hòa Cầm khoảng vài kilômét, đường tránh Nam Hải Vân… để đón xe vào Nam. Tuy nhiên, do đến Đà Nẵng toàn bộ những xe khách mang biển số Thanh Hóa (36), Nghệ An (37), Hà Tĩnh (38)… đều không có chỗ chen nên cơ hội đón xe vào Nam của người lao động nghèo Đà Nẵng dường như không còn.

Cùng cảnh ngộ, người lao động nghèo tại Quảng Nam cũng tay xách nách mang tập trung tại các điểm: đầu cầu Vĩnh Điện (Điện Bàn), ngã ba Cây Cốc (Thăng Bình), đường tránh Tam Kỳ… chen chúc nhau đón xe vào Nam. Nhiều người bước lên tới xe thì không có chỗ chen chân nên đành xuống chờ xe khác.

Ùn ùn về thủ đô

Ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, người dân các tỉnh ùn ùn đổ về thủ đô chuẩn bị cho ngày làm việc đầu tiên.

Từ khoảng 6 giờ sáng, các bến xe Hà Nội như bến xe Nước Ngầm, bến xe phía Nam, Mỹ Đình, Gia Lâm tấp nập đón những chuyến xe liên tỉnh chật ních người. Tại bến xe phía Nam và bến xe Nước Ngầm, vào các giờ cao điểm, khu vực trả khách trong bến và khu vực chờ xe buýt bị quá tải và ùn ứ cục bộ.

Theo ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe phía Nam, riêng ngày 29-1, có khoảng 15.000 hành khách đổ về bến xe này. Mặc dù xe buýt liên tục xuất bến với tần suất 3-5 phút/chuyến và chuyến nào cũng đầy ắp nhưng phải mất nhiều giờ các bến xe này mới giải tỏa được cơ bản hành khách trong bến. Hầu hết các tuyến đường đổ vào Hà Nội chiều qua đều rơi vào tình trạng ùn tắc do mật độ phương tiện tăng đột biến. Theo thông tin từ Phòng CSGT thành phố Hà Nội, những điểm ùn tắc nghiêm trọng nhất là điểm giao cắt giữa đường Giải Phóng và đường rẽ vào đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường Vành đai 3 đoạn Nguyễn Xiển -  Phạm Hùng, đường 5 đoạn qua thị trấn Trâu Quỳ, đường Nguyễn Văn Cừ và cầu Chương Dương…

Theo phản ánh của nhiều hành khách, tình trạng nhồi nhét, chặt chém hành khách lại tái diễn mặc dù lực lượng chức năng có kiểm tra, kiểm soát nhiều chặng trên tuyến. Chị Thanh Lan, hành khách đi tuyến Tuyên Quang - Hà Nội phản ánh, đi xe của nhà xe chất lượng cao vẫn bị nhồi nhét, xe quá tải tới 50% và giá vé cũng tăng gấp đôi so với ngày thường. Nhiều hành khách đi tuyến Thái Bình - Hà Nội, Nam Định - Hà Nội cũng phàn nàn vì bị nhồi nhét, tất cả hành khách, kể cả người già và trẻ nhỏ đều bị “hành xác”, chen chúc chật chội suốt quãng đường hàng trăm km.

 
 

Theo đại diện Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, những ngày qua lượng khách chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc đổ về Hà Nội sau kỳ nghỉ tết. Riêng chiều từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam cũng bắt đầu “nóng” dần. Ngày hôm qua, bến xe phía Nam và bến xe Nước Ngầm đã có hàng chục xe xuất bến đi các tỉnh phía Nam và rất đông hành khách ra mua vé trước. Dự báo các tuyến này sẽ tiếp tục “nóng” hơn vào các ngày 10, 12, 16 tháng giêng.

 
 

Theo SGGP Online