Gắn “sao” cho ôtô khách

27/02/2013
: 14214

     Ôtô chở khách sẽ được cơ quan quản lý vận tải gắn sao theo các hạng từ 1 – 5 sao (như với khách sạn) tương ứng với chất lượng dịch vụ và sẽ được công khai để hành khách lựa chọn. Đó là một điểm nhấn đáng chú ý trong đề án “Đổi mới công tác quản lý vận tải theo hướng hiện đại” mà tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trình bộ Giao thông vận tải và được công bố vào sáng 26.2.

Gắn sao để hành khách giám sát

Những chiếc xe này sẽ được gắn sao tuỳ theo chất lượng dịch vụ.

     Theo ông Trần Quang Bình, vụ trưởng vụ Vận tải – pháp chế (tổng cục Đường bộ), đề án đã tập trung nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí đánh giá và phân loại hạng chất lượng dịch vụ đối với từng loại hình kinh doanh, nhưng trước tiên, ngay trong năm nay, sẽ tập trung thực hiện đối với vận tải hành khách tuyến cố định, xe du lịch, xe hợp đồng. Ở ba loại hình vận tải này sẽ có năm loại sao với thang điểm đánh giá cao nhất là 100 điểm, dựa trên năm tiêu chí cơ bản: chất lượng phương tiện (mức cao nhất là 40 điểm); lái xe và nhân viên phục vụ trên xe (thang điểm 20); hành trình (10 điểm); tổ chức, quản lý của đơn vị vận tải: 20 điểm và quyền lợi của hành khách: 10 điểm. “Dự kiến, sẽ có một hội đồng chấm điểm sau khi doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký. Bộ tiêu chí này sẽ được công bố công khai và doanh nghiệp được xếp hạng cũng sẽ được cập nhật công khai”, ông Nguyễn Văn Quyền, phó tổng cục trưởng tổng cục Đường bộ, một trong những tác giả chính của đề án cho hay.

     Đề án dự kiến, đơn vị nào đạt năm sao thì tổng điểm phải trên 90 điểm, trong đó số điểm mỗi nội dung ít nhất phải đạt 80% số điểm tối đa trở lên; Còn doanh nghiệp muốn được xếp hạng bốn sao thì tổng điểm từ 80 – 90 điểm, trong đó số điểm mỗi nội dung phải từ 70% trở lên. Đại diện tổng cục nói thêm, sau khi thực hiện gắn sao cho xe khách tuyến cố định, xe hợp đồng và xe du lịch đối tượng tiếp theo sẽ là xe taxi và xe buýt.

     “Việc này nhằm sàng lọc, hạn chế doanh nghiệp vận tải yếu kém, khuyến khích doanh nghiệp làm tốt, nâng cao chất lượng phục vụ. Đặc biệt, từ đây tiến tới ràng buộc điều kiện hoạt động trong một số tuyến nhất định, ví dụ như xe 4 – 5 sao mới được chạy tuyến Bắc Nam, tuyến liên vận quốc tế, còn thấp sao thì chạy liên tỉnh (liền kề) hoặc nội tỉnh”, ông Bình nói. Còn ông Quyền thì lý giải, quy chuẩn này một khi được áp dụng sẽ khắc phục những bất cập trong đăng ký và chất lượng dịch vụ vận tải và quản lý về an toàn giao thông, định hướng cho doanh nghiệp cạnh tranh bằng chất lượng. Đây cũng là cơ sở để hành khách lựa chọn, giám sát thực hiện chất lượng dịch vụ vận tải, từ đó cơ quan quản lý có thêm cơ sở để thanh tra, kiểm tra. Ông Quyền thừa nhận có tình trạng các doanh nghiệp tự gắn sao hoặc tự phong chất lượng dịch vụ của mình là “VIP”, “cao cấp” hay 4 – 5 sao, thậm chí là “boeing mặt đất”... vì thế, theo ông, việc gắn sao cho các loại xe trên là cần thiết.

Khó khả thi?

     Mặc dù tổng cục khẳng định, đề án đã được tổ chức hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi và được đa số các doanh nghiệp (lớn) đồng ý, thống nhất thực hiện, song khi được hỏi về tính khả thi của đề án thì chính những người soạn thảo đề án tỏ ra lúng túng và thừa nhận còn không ít khó khăn. “Như quy định với lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen), dù đã có nhưng chỉ mới quy định là phải lắp, song ai quản lý, cơ quan nào được phép sử dụng dữ liệu, sử dụng vào mục đích gì thì còn bỏ ngỏ”, ông Bình thừa nhận.

     Theo ông Quyền, mấu chốt của việc này là công bố công khai và cơ chế khuyến khích. “Doanh nghiệp nào làm tốt, nhiều sao thì sẽ đỡ bị lực lượng tuần tra kiểm soát can thiệp, tương tự hàng hoá luồng xanh – luồng vàng trong xuất nhập khẩu sẽ được hải quan ưu tiên kiểm tra. Hoặc doanh nghiệp làm tốt phải được hưởng mức phí bảo hiểm khác với doanh nghiệp yếu kém chứ không nên cao bằng”, ông Quyền ví dụ.

     Ngoài ra, đại diện tổng cục cũng cho biết, trong đề án nói trên, cơ quan này đề xuất sửa đổi các nghị định, thông tư về điều kiện kinh doanh vận tải ôtô (nghị định 91, thông tư 14…) đồng thời cũng kiến nghị cho phép xây dựng và ban hành bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ vận tải bằng ôtô, để bắt buộc thực hiện loại chất lượng dịch vụ nhất định với một số phạm vi hoạt động và loại hình vận tải bằng ôtô. Hơn nữa, sẽ có một quy định về truyền dẫn và sử dụng dữ liệu hộp đen, trong đó rạch ròi trách nhiệm, quyền hạn của từng đối tượng cụ thể đối với việc quản lý, sử dụng các dữ liệu từ thiết bị này.

Theo SGTT