Giá ôtô thấp hơn nhờ chống chuyển giá

16/05/2006
: 14098

Hơn 60% hoạt động thương mại toàn cầu là giao dịch có khả năng chuyển giá. Chống chuyển giá hiệu quả là ngăn chặn được thất thoát thuế thu nhập, giảm giá thành sản phẩm, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và tăng thu nhập cho ngân sách.

Chuyển giá là việc thông đồng giữa các công ty con của cùng một tập đoàn (gọi là công ty liên kết) nhằm chuyển lợi nhuận từ nước này sang nước kia để tránh thuế. Đối với các tập đoàn kinh tế đa quốc gia, chuyển giá có thể là một công cụ có ích để tăng lợi nhuận.

Thí dụ, một doanh nghiệp sản xuất xe hơi tại Thái Lan với giá 9.000 USD. Chi phí để quảng cáo và bán chiếc xe đó tại Việt Nam là 1.000 USD. Công ty đó có thể nâng giá bán cho doanh nghiệp Việt Nam lên 10.000 USD, và bán lại xe tại Việt Nam với giá 10.000 USD.

Về tổng thể, công ty đã có lời 1.000 USD và phải đóng thuế tại Thái Lan thay vì Việt Nam. Nếu tại Thái Lan công ty đang được ưu đãi thuế, thì khoản lãi này sẽ được miễn thuế toàn bộ. Như vậy, nếu giá mua linh kiện cao, lợi nhuận của công ty tại Việt Nam sẽ giảm và Nhà nước Việt Nam sẽ thất thu thuế. Tuy nhiên lợi nhuận của cả tập đoàn sẽ không đổi (vì lợi nhuận tại Việt Nam đã được chuyển sang cho công ty con khác ở Thái Lan).

Tuy nhiên, nếu cơ quan thuế Việt Nam nghi ngờ giá mua này là quá cao và định giá lại 9.000 USD, thì tập đoàn sẽ rơi vào tình trạng khó xử. Đó là họ đã đóng thuế cho khoản thu nhập 1.000 USD tại Thái Lan, nay lại phải đóng cho khoản thu nhập đó tại Việt Nam. Như vậy tập đoàn sản xuất xe hơi bị đánh thuế hai lần cho một thu nhập.

Vấn đề chuyển giá chỉ xảy ra ở giao dịch giữa các công ty liên kết. Nếu doanh nghiệp Việt Nam nói trên phải mua linh kiện ở một doanh nghiệp độc lập của Nhật Bản, họ sẽ phải trả giá và mua theo giá thị trường. Khi đó, lợi nhuận sẽ không thể "tự lên" hay "tự xuống" được.

Giao dịch sòng phẳng

Đã từ lâu, Tổ chức Hợp tác kinh tế của các nước phát triển (OECD) ban hành nguyên tắc định giá sòng phẳng - giao dịch giữa các công ty liên kết phải được định giá theo giá giữa hai doanh nghiệp độc lập. Theo nguyên tắc của OECD, trong vụ việc giữa hai công ty Thái Lan và Việt Nam nói trên, tập đoàn sản xuất xe hơi có thể sẽ yêu cầu hai cơ quan thuế Việt Nam và Thái Lan thống nhất cách áp giá giao dịch để tránh bị đánh thuế hai lần. Khi đó, khả năng nhiều nhất là mỗi bên sẽ được chia một phần lợi nhuận, chứ không có chuyện một nước gánh toàn bộ chi phí, nước kia được hưởng toàn bộ lợi nhuận.

Việc yêu cầu hai cơ quan thuế ngồi lại với nhau hay trao đổi thông tin cho nhau là không dễ dàng. Khả năng tìm được thoả thuận chung là rất thấp, vì nước nào cũng sợ thất thu thuế, và ai cũng muốn thu nhập được chia cho nước mình nhiều nhất. Ngoài ra, cả hai nước có thể đang thu hút đầu tư, vì vậy nếu phải nhượng bộ thì họ sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Đôi khi, một trong hai nước có thể là thiên đường thuế khoá như British Virgin Islands, Cayman Islands hay Netherlands Antilles. Tại đó, tất cả các loại thu nhập đều được miễn thuế, như vậy cơ quan thuế Việt Nam sẽ chẳng có ai để thương lượng. Các doanh nghiệp sẽ lợi dụng sơ hở này để tránh thuế ở các nước có thuế suất cao hơn.

Để chống chuyển giá, cần phải nắm được thông tin giá giao dịch sòng phẳng là bao nhiêu. Thí dụ, chúng ta có thể biết rằng giá nhập linh kiện (chưa thuế) để lắp ráp một chiếc xe hơi tại Việt Nam là 30.000 USD, trong khi một chiếc xe mới tương tự (đã tính công lắp ráp) tại Thái Lan là 10.000 USD. Tuy nhiên làm sao biết được giá sòng phẳng của một cái khung xe hay một cái động cơ là bao nhiêu - khi phần lớn các linh kiện đó chỉ được mua bán qua lại giữa các công ty trong cùng tập đoàn với nhau chứ không bán ra thị trường. Hơn nữa, có những tài sản rất khó định giá, thí dụ như công nghệ, uy tín và chi phí nghiên cứu, vì không có những tài sản tương đương để đánh giá.

Vì vậy, giải pháp để chống chuyển giá trong tương lai là thu thập thông tin càng nhiều càng tốt về giá giao dịch sòng phẳng cho các loại hàng hoá bị nghi ngờ. Khi có nghi ngờ về giá giao dịch, cơ quan thuế sẽ yêu cầu doanh nghiệp giải trình về sự chênh lệch giá. Nếu doanh nghiệp không có lý do chính đáng, cơ quan thuế có thể định giá lại theo một trong ba phương pháp: So sánh giá giao dịch với giá của giao dịch tương đương ngoài thị trường, cơ quan thuế có thể áp dụng phương pháp ấn định giá mua hay ấn định giá bán trên tỷ lệ lợi nhuận trung bình của các doanh nghiệp tương tự hoặc nếu xuất hiện trường hợp bị đánh thuế hai lần cho cùng doanh nghiệp, thì cho phép thuế thu nhập ở nước này được khấu trừ vào thuế thu nhập phải trả ở nước kia.

Ngoài ra, để tránh trường hợp khoản bị khấu trừ quá lớn, cơ quan thuế của hai nước nên trao đổi thông tin cho nhau, theo hướng sẽ báo trước một năm để nước kia chuẩn bị.

(Theo SGTT)