Giá xe 2007: Quy luật cung cầu quyết định

04/11/2006
: 18616

Trong hai năm gần đây, tiêu thụ xe hơi ở VN, nhất là xe năm chỗ, có chiều hướng giảm, trong khi các rào chắn bảo hộ đang được cất dần, khiến cho nhiều người lo ngại xe hơi lắp ráp trong nước sẽ không tiêu thụ được.

Năm ngoái, người dùng hết đọc phát biểu của hiệp hội lắp ráp xe hơi về giá xe tăng do thuế, lại xem quan chức của Bộ Tài chính trả lời về chính sách nhất quán về thuế tiêu thụ đặc biệt. Rốt cuộc, chẳng có gì thay đổi trong việc mở cửa bằng thuế cho xe nhập khẩu.

Ông Trần Đông Phong, Vụ phó Vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ Công nghiệp), phân tích, chính sách thuế bất hợp lý khiến cho giá xe trong nước quá cao.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Tổng Giám đốc của Vidamco nói: “Thủ phạm là thuế tiêu thụ đặc biệt khiến cho giá xe tại VN luôn cao hơn mặt bằng chung của thị trường thế giới”.

Hết mộng nội địa hoá

Ý đồ dùng chính sách thuế để thúc đẩy công nghiệp xe hơi không mang lại kết quả. Theo cam kết của các doanh nghiệp lắp ráp cũng như theo chỉ tiêu trong chiến lược phát triển, sau 10 năm, phải đạt tỷ lệ nội địa hoá xe hơi lên 30%. Thực tế, chỉ một số ít doanh nghiệp đạt tỷ lệ nội địa hoá 10%.

Kết quả một nghiên cứu, do ông Trần Đông Phong công bố, phải đạt mức trên 100.000 xe/năm mới có thể nói chuyện nội địa hoá. Còn nội địa hoá ở mức tiêu thụ dưới 40.000 xe như hiện nay là điều không tưởng.

Theo cam kết khi gia nhập WTO, vào tháng 12-2006, VN phải bỏ quy định về tỷ lệ nội địa hoá. Nghĩa là giấc mơ có một nền công nghiệp xe hơi coi như tan biến, đồng nghĩa rằng, 10 năm qua, người tiêu dùng VN đóng góp công sức, cụ thể hơn là trả tiền cao từ 2-3 lần, cho một chiếc xe.

Cụ thể hơn, theo thống kê của một công ty chiếm thị phần hàng đầu, các năm trước, chi tiêu từ khối nhà nước chiếm 30% lượng xe, trong khi khối tư nhân chỉ chiếm 10%. Nay tỷ lệ này được nghịch đảo lại.

Bên lề hội thảo về nền công nghiệp xe hơi VN trong kỷ nguyên mới, ông Nguyễn Văn Quý (Vidamco) phân tích cái khó của quy mô thị trường nhỏ khi thực hiện nội địa hoá ở VN.

Điều ngạc nhiên, là ông Quý vẫn đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hoá lên trong thời gian tới, khi VN vào WTO, dù Chính phủ buộc phải bỏ quy định trên. "Có vậy mới xuất khẩu sang các nước ASEAN với thuế suất ưu đãi" - ông nói.

Công nghiệp xe hơi nào

Theo các chuyên gia công nghiệp, vẫn có thể xây dựng một ngành công nghiệp xe hơi, nếu nhắm tới phục vụ nông thôn. "Giá cả phù hợp, cỡ 100 triệu/chiếc, là bán được" - ông Trần Đông Phong dẫn chứng các doanh nghiệp như Trường Hải, Xuân Kiên.

Ông Bùi Xuân Huyên, giám đốc Vinaxuki tự tin nói: "Thế mạnh của Vinaxuki là giá rẻ, bởi tỷ lệ nội địa hoá cao". Theo ông Phong, một số doanh nghiệp trong nước đang mua dây chuyền công nghệ từ Trung Quốc, có thể đạt tỷ lệ nội địa hoá từ 25%.

"Do tiêu chuẩn thấp hơn nên có thể đạt tỷ lệ này" - ông Phong cho biết. Tính toán của nhóm nghiên cứu của ông Phong cho thấy, nếu mức giá tương đương với nước ngoài, thì lượng tiêu thụ xe có thể tăng 2-3 lần, xấp xỉ mức khởi điểm 100.000 xe/năm để thực hiện được chương trình nội địa hoá. Thống kê của VAMA, tiêu thụ xe tải khá tốt.

Lượng xe tải tải trọng từ 2-4 tấn tiêu thụ trong tháng 9 của Trường Hải và Vinaxuki ở mức 200 - 400 chiếc. Điều này góp phần thúc đẩy quá trình cơ giới hoá ở nông thôn, theo ông Phong.

Nỗi lo về hạ tầng giao thông, theo đề xuất của các nhà sản xuất cũng như nhà hoạch định chính sách, các xe vận hành phải tự chịu chi phí. Nguồn thu này sẽ hỗ trợ phát triển hạ tầng.

Tựu trung, như nhận xét của lãnh đạo một doanh nghiệp lắp ráp xe hơi, chính sách có nhưng còn thiếu các biện pháp cụ thể và đồng bộ.

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)