Khởi nghiệp không chỉ là làm “ông chủ”!

20/06/2008
: 12506

     Trong buổi giao lưu với hơn 1.000 sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cuối tuần qua, khái niệm khởi nghiệp đã được các Doanh nhân đến từ CLB Doanh Nhân Sài Gòn phân tích khá kỹ. Trả lời câu hỏi: “Khi khởi nghiệp có nhất thiết phải thành lập Doanh nghiệp riêng?” của các bạn sinh viên, cả bốn doanh nhân tham gia giao lưu (anh Nguyễn Minh Tuấn – Giám Đốc Công ty cơ khí Kềm Nghĩa, anh Nguyễn Tiến Dũng – Tổng giám đốc Công ty SAMCO, anh Huỳnh Văn Thiện Thanh – Tổng giám đốc Công ty HNP và anh Đỗ Thanh năm – Giám đốc Công ty Win Win) đều khẳng định là không! Vì nếu hiểu một cách đầy đủ nhất, chính xác nhất, khởi nghiệp chính là quá trình bắt đầu sự nghiệp của mỗi người. Và trong sự nghiệp ấy, người ta có thể chọn cho mình một trong hai con đường: Hoặc gia nhập một tổ chức – công ty nào đó mà mình yêu thích, hoặc thành lập Doanh nghiệp riêng (khởi sự Doanh nghiệp).

     Thật thú vị khi trong bốn diễn giả Doanh nhân tham gia ”đăng đàn” chia sẽ kinh nghiệm khởi nghiệp với sinh viên lần này thì có tới ba người đã chọn còn đường thứ nhất để dấn thân. Nếu như anh Nguyễn Tiến Dũng chọn và gắn bó với SAMCO suốt 24 năm qua thì anh Huỳnh Văn Thiện Thanh và anh Đỗ Thanh Năm đã có khoảng 10 năm là thành viên của một số công ty trong và ngoài nước trước khi gầy dựng Doanh nghiệp của riêng mình. Và thông điệp mà các Doanh nhân này muốn gửi tới các bạn trẻ là đừng quá coi trọng việc “làm thuê” hay “làm chủ” trong quá trình khởi nghiệp vì sự dấn thân mới là điều quan trọng nhất. Việc “làm chủ” sẽ rất đáng được khuyến khích khi đã có sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ càng trước khi khởi sự Doanh nghiệp. Bằng không hãy chọn một tổ chức – Doanh nghiệp nào đó phù hợp để bắt đầu sự nghiệp của mình và tích lũy kinh nghiệm.

     Thực tế cho thấy, mỗi năm đều có hàng ngàn Doanh nghiệp được thành lập, nhưng số tồn tại được chỉ là vài trăm. Sự thất bại hàng loạt này có nhiều lý do, nhưng điều đáng cảnh báo nhất là sự vội vàng của những người mê “làm chủ”. Thương trường vốn khắc nghiệp và kinh Doanh không phải là cuộc dạo chơi. Vậy, đâu là điều kiện cần và đủ trong quá trình khởi nghiệp bằng con đường lập công ty riêng? Câu trả lời chung từ các Doanh nhân là muốn thành công, người khởi sự Doanh nghiệp phải đáp ứng được 6 yếu tố cơ bản: Có khát vọng – hoài bão, có ý tưởng kinh doanh tốt và khả thi, có kiến thức - chuyên môn về lĩnh vực mình sẽ làm, có chiến lược kinh doanh bài bản (Sản phẩm cụ thể là gì? Khách hàng là ai? Huy động vốn từ đâu? Nhân sự ra sao?...) có kỹ năng quản trị Doanh nghiệp và có khả năng tiên liệu những rủi ro. Ngoài ra, anh Huỳnh Văn Thiện Thanh còn đặc biệt nhấn mạnh vấn đề đạo đức kinh doanh với lời nhắn nhủ: “Đừng bao giờ lừa dối khách hàng và đối tác của mình”. Đồng tình với quan điểm này, anh Nguyễn Tiến Dũng khuyên: “nếu có cạnh tranh thì hãy cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Đây là cách mà SAMCO đã làm để chinh phục khách hàng dù trên thị trường có rất nhiều sản phẩm cạnh tranh cùng lọai.
     Khép lại buổi tọa đàm, anh Đỗ Thanh Năm khẳng định: “Trong kinh doanh, vốn liếng và kinh nghiệm không quan trọng bằng ý tưởng”. Và để có ý tưởng kinh doanh thì lời khuyên chung dành cho những bạn trẻ có khát vọng khởi sự Doanh nghiệp là phải biết đánh thức tiềm năng sáng tạo của chính mình và những người xung quanh, biết cách xây dựng mục tiêu cụ thể, không ngừng học hỏi, kiên nhẫn tìm tòi và chịu khó lắng nghe…

     Sau buổi tọa đàm, ban tổ chức đã trao 25 suất học bổng (trị giá 2 triệu đồng/suất) cho 25 bạn sinh viên nghèo, học giỏi và nhiệt tình tham gia các phong trào đoàn thể. Cũng trong dịp này, bà Nguyễn Minh Hiền - Tổng biên tập báo Doanh Nhân Sài Gòn (DNSG) đã giới thiệu về quỹ học bổng "Nhà Quản Trị Tương Lai" (sẽ chính thức gia mắt vào ngày 18/07/2008). Đây là quỹ học bổng dành cho những sinh viên suất xắc, có khát vọng khởi nghiệp bằng con đường kinh doanh (thuộc khối kinh tế), được trao 3 lần/năm (trị giá 5 triệu đồng/suất), do báo DNSG và Kinh Đô Group đồng sáng lập.