Lọat bài về Công nghiệp ôtô Việt Nam _ Báo SGGP (tt)

24/09/2007
: 13384
Kỳ cuối: Chính sách thuế hạn chế thị trường
 
 
Mâu thuẫn từ trong chính sách thuế:
 
Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách đúng, điều chỉnh phù hợp, sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế - xã hội. Ngành công nghiệp ô tô cũng thế, nếu từ 10 năm trước chúng ta có tầm nhìn đúng, có chiến lược rõ ràng, thì đến nay không phải “hối hận” dễ tuột khỏi tầm tay.
Trong cơ cấu thuế áp lên ngành ô tô - cả nhập khẩu và lắp ráp trong nước, tiêu biểu có ba loại: thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc/phụ tùng, linh kiện; thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế VAT. Thuế nhập khẩu được Bộ Tài chính dùng làm đòn bẩy khuyến khích ngành lắp ráp ô tô trong nước vươn dần đến công nghiệp sản xuất; nhưng đồng thời cũng dùng nó làm “cây gậy” nhằm hạn chế ô tô nhập khẩu.
Có nghĩa, đây là loại thuế có tính chất bảo hộ rõ nét nhất nhằm phục vụ cho chiến lược xây dựng ngành công nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam. Lý thuyết đặt ra là thế, còn trên thực tế, loại thuế bảo hộ này đã không phát huy được tác dụng như mong muốn, khiến cho nó chỉ đơn thuần là rào cản lớn đối với thị trường tiêu dùng. Chính vì thế nhiều năm qua, thị trường đã diễn ra sự cạnh tranh và phát triển thiếu lành mạnh. Giá xe nhập khẩu trở nên đắt đỏ, hầu hết người tiêu dùng không thể với tới. Xe lắp ráp trong nước nhờ chính sách bảo hộ nên giá cũng cao ngất trời, người tiêu dùng cũng khó có thể sở hữu. Chính sách thuế như trên đã trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến thị trường vì nó hạn chế sự tiêu dùng.
Nhiều năm qua, thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn duy trì ở mức 50%. Đây chính là loại thuế đóng vai trò chủ yếu trong cơ cấu giá xe với mức giá bị đẩy lên cao ngất đối với xe nhập khẩu và cả xe lắp ráp trong nước. Giá cao thì hạn chế thị trường phát triển. Hai mặt mâu thuẫn của chính sách thuế chính là, một mặt thuế nhập khẩu ưu đãi cho khu vực lắp ráp trong nước để xây dựng ngành công nghiệp ô tô; trong khi thuế tiêu thụ đặc biệt thì nhằm hạn chế tiêu dùng đối với cả xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước (đều ở mức 50%). Phải chăng loại thuế này thì nhằm phát triển, loại thuế sau thì lại kéo lùi.

Chính sách thuế có cùng chiến lược phát triển?

Một nguyên lý hiển nhiên, muốn xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ô tô thì trước hết phải phát triển thị trường. Muốn thị trường phát triển, ngoài việc phải đầu tư nâng cao chất lượng và tạo ra giá trị cho sản phẩm (giá trị đó phải tương ứng với giá cả thì mới kích thích được tiêu dùng) còn phải tạo ra chính sách giá hợp lý. Tuy nhiên, chính sách thuế đối với ngành ô tô lâu nay đã hạn chế tiêu dùng khiến cho thị trường phát triển chậm, không đáp ứng điều kiện về hạn mức tiêu thụ sản phẩm để các liên doanh lắp ráp chuyển sang đầu tư nhà máy sản xuất.
Sống với công nghiệp lắp ráp hơn chục năm trời, đến khi máy móc, nhà xưởng được khấu hao xong, những gì còn lại cũng chỉ là những dây chuyền công nghệ đã quá lạc hậu so với thế giới. Sự sống dựa vào lắp ráp còn kéo theo nhiều cái “không”: Không có cơ sở nghiên cứu triển khai; không có đội ngũ chuyên môn giỏi nghiên cứu, chế tạo, thiết kế về cơ khí; không có ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất các chi tiết, linh phụ kiện...
Chuyện đã rõ thế. Vậy bây giờ, nếu muốn tiếp tục xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phải làm gì? Không có cách nào khác là bắt đầu từ nguyên lý bất di bất dịch đã nói ở trên: Phải tạo ra thị trường với sức tiêu thụ lớn. Muốn vậy, thì cần phải xem lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt để kích thích tiêu dùng và phát triển thị trường. Đồng thời, thuế nhập khẩu quá cao đối với xe nhập nguyên chiếc cũng cần được xem xét để tạo ra sự cạnh tranh công bằng và sòng phẳng với xe lắp ráp trong nước trên thị trường.
Nếu thị trường được tạo điều kiện phát triển lành mạnh thì sẽ kích thích tiêu dùng. Khi sức tiêu thụ xe gia tăng mạnh, đến một mức nào đó, dù Nhà nước không còn ưu đãi nhiều nữa thì các liên doanh cũng sẽ hướng đến công nghiệp sản xuất tại Việt Nam. Còn như hiện nay, hạn mức tiêu thụ trên thị trường chưa đáp ứng để phát triển ngành công nghiệp sản xuất, thì dù có bảo hộ cỡ nào, các liên doanh cũng chỉ dừng lại ở mức độ lắp ráp, hưởng lợi từ những chính sách ưu đãi mà thôi.
 

Thụy Lâm - SGGP