Mốt và xe hơi

13/12/2005
: 26004

Người khởi xướng mối duyên giữa sức mạnh đàn ông và vẻ đẹp đàn bà trên xe hơi là nhà thiết kế lừng danh người Mỹ, Harley J.Earl.

Đầu những năm 1930, J.Earl thực hiện cuộc cách mạng trong triết lý thiết kế xe hơi khi biến những chiếc xe hình lập phương thành viên gạch. Theo ông: "Đối với bất cứ ai, viên gạch bao giờ cũng đẹp hơn hình vuông chằn chặn 4 cạnh". Nhưng, giá trị của J.Earl mà người Mỹ và ngành công nghiệp ôtô thế giới không thể quên là cuốn sách xuất bản năm 1937 mang tên Mốt và xe hơi. Một tác phẩm được coi là "tuyên ngôn của ngành công nghiệp thiết kế ôtô".

Harley J.Earl cùng bộ sưu tập
Harley J.Earl cùng bộ sưu tập "Dream Cars". Ảnh: GM

Trong tựa của cuốn sách, J.Earl viết: "Nhờ mối liên kết với nghệ thuật mà những sáng tạo kỹ thuật, tự nó, đã chứa đựng những đường nét hoàn toàn mới cho cuộc sống". Quan điểm của J.Earl về xe hơi khác biệt với tất cả những nhà sản xuất ôtô thời điểm đó. Khi ấy, người ta nói nhiều đến tính năng kỹ thuật, sức mạnh động cơ và ít ai chú ý tới thiết kế. Bởi vậy, sau 40 năm ra đời, vóc dáng xe hơi vẫn chưa thoát khỏi hình hài tổ tiên của nó - những chiếc xe ngựa.

Để thuyết phục mọi người, J.Earl viết: "Khi nói về nghệ thuật, phần lớn liên tưởng tới những họa sỹ nổi tiếng, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà văn hay nhạc sỹ, và, rất ít người nghĩ đó là nhà các kỹ sư. Nhưng đã đến lúc, giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ có sức mạnh ngang nhau. Và sự kết hợp giữa giới họa sỹ và các kỹ sư là cách tốt nhất biến những thứ tưởng như vô tri trở nên đẹp và hữu dụng hơn".

Theo J.Earl, nghệ thuật xuất hiện cùng với điểm khởi đầu của loài người, vì vậy, không thể gạt nó sang một bên khi chế tạo xe hơi. Trên quan điểm khách hàng, ôtô phải thể hiện được nét đẹp của con người, truyền tải cảm xúc và an toàn với tất cả hành khách trên xe.

Harley J.Earl cùng nhóm thiết kế "Damsels of Design". Ảnh: GM

Dựa trên triết lý đó, khi trở thành Giám đốc thiết kế của General Motors, bên cạnh những đồng nghiệp nam, J.Earl xây dựng một đội 6 cô gái trẻ mang tên "Damsels of Design - trinh nữ thiết kế". Ông biết phụ nữ có góc nhìn nghệ thuật khác đàn ông và trong lần giới thiệu bộ sưu tập "Dream Cars - những chiếc xe trong mơ", J.Earl thổ lộ: "Xe hơi nên xếp thứ hai trong mối quan tâm của các quý bà, đứng sau thời trang. Như vậy, nó sẽ trở nên đẹp có tính biểu cảm hơn". 6 cô gái làm việc ở 6 nhóm, mỗi người cộng tác với 5 nhân viên nam. Họ cùng lựa chọn màu sắc, chất liệu, thiết kế nội thất, ngoại thất theo thiên hướng phái nữ.

Nhóm "Damsels of Design" tạo nên những sản phẩm mang phong cách lạ lẫm và được những người cùng giới đặc biệt ưa thích như Chevrolet Impala, Corvette Fancy Free, Cadillac Eldorado Seville hay Pontiac Bonneville. Cho dù không nhiều trong số đó trở thành xe thương mại, nhưng những đóng góp này khiến các mẫu xe của GM trở nên mềm mại, uyển chuyển và tinh tế hơn. Sự thành công vang dội của GM trong thập niên 1960-1970, một phần nhờ làm mềm lòng tất cả phụ nữ, cho dù đó là một quý bà sang trọng hay một người nội trợ bình thường. Và đó là điểm nhấn để xe hơi "trở mình" thành sản phẩm mang nét thiết kế nghệ thuật rõ rệt.

Poster quảng cáo của General Motors những năm 1960-1970.

GM cũng chính là hãng đầu tiên trưng bày sản phẩm của mình bên những người mẫu. Kể từ đó, hình ảnh các cô gái bước ra từ chiếc xe trưng bày, diện những bộ quần áo thiết kế riêng trở nên phổ biến ở tất cả những triển lãm xe hơi. Còn hiện tại, các quý ông không thể phủ nhận một điều, những đợt giới thiệu xe mới mà thiếu người mẫu hẳn sẽ khiến vẻ đẹp của chiếc xe trở nên chưa trọn vẹn.