Ôtô chuyển dịch sang động cơ diesel

23/04/2006
: 15758

Cùng với việc giá dầu thô tăng cao và hàng loạt công nghệ hiện đại như đa van hay Common Rail Diesel (phun nhiên liệu đơn đường), xu hướng chuyển dần sang sử dụng máy dầu của ngành công nghiệp xe hơi thế giới ngày càng rõ rệt. Thị trường châu Âu có thể được coi là mảnh đất hứa đối với các loại xe máy dầu, vốn chiếm tới gần 50% lượng ôtô các loại đang lưu hành. Tại một vài quốc gia như Pháp, Đức, Áo, Thụy Sĩ, sự hiện diện của động cơ diesel còn lấn át cả động cơ xăng. Nhu cầu giảm tiêu thụ nhiên liệu cũng giúp tăng lượng xe động cơ diesel tại thị trường ôtô lớn nhất thế giới là Mỹ. Ngay Nhật Bản, tỷ lệ xe máy dầu hiện mới chiếm khoảng 3% đến 5% số xe lưu hành, cũng đang trở thành thị trường mục tiêu cho những nhà sản xuất xe động cơ diesel hàng đầu thế giới.

Ford Ranger.
Ford Ranger sử dụng động cơ diesel. (Ford VN)

Mới đây, tổ hợp công nghiệp nặng Fuji Heavy Industries, sở hữu nhãn hiệu Subaru, tuyên bố sẽ tung ra mẫu xe diesel đầu tiên vào cuối năm 2007, nhật báo Nihon Keizai Shimbun, dẫn lời Chủ tịch Kyoji Takenaka, cho biết. Trong tháng 3 vừa qua tại Anh, lượng tiêu thụ xe máy dầu đã tăng 8,9%. Nhờ đó, với tổng số 156.932 sản phẩm từ đầu năm, con số ôtô chạy bằng diesel các loại được bán ra hiện chiếm 36% ngành công nghiệp xe hơi xứ sở sương mù.

Bước tiến gần đây nhất của công nghệ hybrid là sự kết hợp giữa một mô-tơ điện và một động cơ diesel (thay cho động cơ xăng trước đây). Mercedes-Benz là một trong những hãng đi tiên phong và khiến các đối thủ phải giật mình khi giới thiệu mẫu xe hạng sang S-class được trang bị động cơ diesel-hybrid tại triển lãm ôtô Detroit 2005. Cũng tại đây, người ta còn thấy hiện diện chiếc Meta One với hệ thống động cơ tương tự của Ford Motor, vốn không mạnh trong lĩnh vực hybrid.

Tại Việt Nam, số xe động cơ diesel đang chiếm hơn 20% thị trường ôtô mới tại Việt Nam, khoảng gần 40.000 chiếc. Năm 2001, con số này còn ở mức dưới 10%. Thông thường, máy dầu được ưa chuộng trong lĩnh vực chuyên chở. Sau Ford Transit, lần lượt xuất hiện Mercedes-Benz Sprinter và Toyota Hiace mới làm tăng thêm lựa chọn cho khách hàng đối với loại xe chở khách 16 chỗ trang bị động cơ dầu. Nhưng với các xe 7 chỗ chở xuống, sự hiện diện của loại động cơ này còn ở mức rất khiêm tốn.

Gần như độc chiếm thị trường xe pickup trong nước, với sự cạnh tranh không đáng kể từ Isuzu D-Max, nhưng số xe Ford Ranger bán ra cả năm 2005 cũng mới đạt 778 chiếc, chiếm 15% tổng số xe Ford tiêu thụ được. Ở dòng xe đa dụng hiện cũng chỉ có chiếc Isuzu Hi-Lander và một phiên bản Everest là trang bị động cơ diesel. Có thể đây vẫn sẽ là mảnh đất tiềm năng nhất đối với xe máy dầu ở Việt Nam. Theo Ford, xe máy dầu chiếm tới 75% số Everest hãng sản xuất.

Ưu thế diesel

Giá nhiên liệu rẻ hơn là điều đầu tiên mà người ta nói khi so sánh xe diesel với xe xăng. Ngoài ra máy dầu ăn ít nhiên liệu hơn máy xăng trung bình từ 25% đến 40% nên cũng làm giảm đáng kể mức chi phí này. Theo thử nghiệm của Consumer Report, các xe chạy diesel có tính tiết kiệm cao hơn. Chẳng hạn, với cùng một dung tích bình nhiên liệu, chiếc Volkswagen Jetta TDI (máy dầu) có thể chạy được 1.070 km so với 775 km của xe Jetta máy xăng. Ngốn ít nhiên liệu cũng có nghĩa là xe thải ra môi trường ít khí carbon dioxide hơn.

Dầu diesel được trộn với không khí và nén với áp suất lớn khi phun vào buồng đốt, làm tăng hiệu suất của động cơ, tiết kiệm nhiên liệu do tỷ lệ trộn là tối ưu. Các xe Ford tại Việt Nam đều gắn động cơ thế hệ mới với hệ thống turbo tăng áp giúp hoàn thiện quá trình phun nhiên liệu.

Ngoài ra, do có mô-men xoắn lớn nên xe máy dầu sức kéo mạnh, hơn hẳn trong khả năng leo dốc và vượt địa hình phức tạp. Vì thế, thị trường xe trang bị động cơ diesel càng ngày mở rộng, thu hút sự quan tâm nhiều hơn của khách hàng khắp thế giới.

(theo Vnexpress.net)